Bloomberg: Giá dầu giảm sâu, OPEC+ đang cân nhắc hạ thêm sản lượng
Arab Saudi và các nước thành viên OPEC+ đã khiến thị trường ngạc nhiên - cũng như khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải lên tiếng chỉ trích gay gắt - khi họ tuyên bố hạ sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào tháng trước.
Tuy nhiên, mặc cho động thái trên, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tụt xuống còn khoảng 80 USD/thùng khi tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc xấu đi, đảo ngược đà tăng trong năm nay.
Theo Bloomberg, các phái đoàn OPEC+ giờ đây cho biết họ có thể sẽ cân nhắc giảm sản lượng sâu hơn. Cuộc họp tiếp theo của liên minh dầu mỏ sẽ diễn ra vào ngày 4/12 tới.
Tuần trước, Riyadh đã gửi cho thị trường một tín hiệu rõ ràng. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi, Hoàng từ Abdulaziz bin Salman, cho biết OPEC+ “sẵn sàng can thiệp” nguồn cung nếu liên minh cần phải “cân bằng cung và cầu”.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Amrita Sen, trưởng bộ phận phân tích năng lượng của hãng tư vấn Energy Aspects, cho hay: “OPEC+ có thể sẽ cân nhắc giữa việc điều chỉnh hợp đồng hoặc hạ thêm sản lượng. Họ luôn cảnh giác về cân bằng cung - cầu”.
10 trong 16 thương nhân và nhà phân tích mà Bloomberg khảo sát trong tuần này dự đoán rằng OPEC+ sẽ siết sản lượng trong tháng 12, ước tính mức giảm từ 250.000 đến 2 triệu thùng/ngày.
Lệnh trừng phạt khó đoán
Trong khi OPEC+ có vẻ đang tập trung vào các rủi ro khiến giá dầu sụt giá, thì một số diễn biến trái chiều vẫn đang diễn ra.
Các nước tiêu thụ dầu thô vẫn đang gây áp lực buộc OPEC+ phải tiếp tục mở vòi để giúp họ khống chế lạm phát. Việc hạ sản lượng tại cuộc họp cuối tuần này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa chính quyền ông Biden và Arab Saudi.
Nhìn từ một vài góc độ, thị trường năng lượng toàn cầu vẫn đang bị siết chặt. Tồn kho dầu thô của các nước phát triển hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2004, theo Bloomberg.
Một ngày sau cuộc họp tháng 12 của OPEC+, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu thô đi từ Nga bằng đường biển. Đồng thời, giới chức EU cũng đang thảo luận về việc áp trần giá đối với dầu của Nga.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng của Nga sẽ giảm khoảng 15% vào đầu năm sau do các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, sản lượng dầu của Nga đã cho thấy sự ổn định một cách đáng ngạc nhiên trước các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt kể từ khi Moscow tấn công Ukraine. Hơn nữa, các dự báo của IEA thường quá bi quan.
Ông Paul Horsnell, người đứng đầu mảng hàng hoá tại Standard Chartered, cho biết: “Các dự báo cung - cầu không cho thấy OPEC cần phải gấp rút hạ sản lượng. Đặc biệt là khi hàng tồn kho [của các nước lớn] vẫn ở mức thấp”.
Nhu cầu yếu của châu Á
Liệu các cân nhắc của OPEC+ có thể thay đổi hay không phụ thuộc vào quỹ đạo giá dầu thô trong những ngày tới.
Các nhà phân tích tại Eurasia Group viết trong báo cáo mới: “OPEC+ sẽ xem xét nghiêm túc việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp sắp tới, đặc biệt là nếu giá dầu giảm sâu xuống dưới mức hiện tại”.
Triển vọng nhu cầu của các thị trường trọng điểm ở châu Á đang tiếp tục xấu đi khi Trung Quốc xảy ra bất ổn vì các biện pháp kiểm soát COVID.
Theo đánh giá của nhiều ngân hàng, bao gồm cả Goldman Sachs, nhiều khả năng việc từ bỏ chính sách Zero COVID của Trung Quốc sẽ diễn ra khá lộn xộn bởi số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng.
Tình trạng bất ổn ở đất nước tỷ dân đã kích hoạt một đợt bán tháo trên thị trường hàng hoá nói chung. “Nhu cầu dầu của Trung Quốc đã biến mất”, ông Sen của Energy Aspects nhận xét.
Tuần trước, một thước đo quan trọng của thị trường dầu thô châu Á đã giảm mạnh khi dịch bệnh đe doạ gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu ở Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.