Sau nước đi của OPEC+, cấp dưới của ông Biden sợ kế hoạch áp giá trần với dầu Nga phản tác dụng
Gây phản tác dụng
Mỹ và các đồng minh phương Tây muốn áp giá trần đối với dầu thô của Nga. Mục đích là duy trì nguồn cung của Nga trên thị trường đủ để ngăn chặn giá dầu thế giới tăng cao đột biến.
Song, kế hoạch trên vốn đã rất phức tạp kể từ khi mới bắt đầu. Giờ đây, triển vọng áp giá trần càng suy yếu sau khi OPEC+ quyết định hạ sản lượng khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 11.
Dù vậy, theo các nguồn thạo tin của Bloomberg, đề xuất trên vẫn đang được tiến hành và nhận được sự ủng hộ tương đối mạnh mẽ của chính phủ Mỹ cũng như một số đồng minh của Mỹ tại châu Âu.
Một nguồn tin nói kế hoạch áp giá trần được coi là lựa chọn tốt nhất trong các phương án tồi nhất để hạn chế nguồn thu từ dầu mỏ của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin và do đó có thể góp phần kết thúc chiến sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, một số quan chức lo sợ rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã làm gia tăng mức độ biến động trên thị trường và nếu Washington xúc tiến kế hoạch mới thì giá dầu thô có thể tăng vọt.
Các quan chức chính phủ Mỹ cũng ngày càng e ngại rằng ông Putin có thể trả đũa bằng cách cắt đứt nguồn cung ra thị trường. Theo một nguồn tin khác, giới chức Mỹ đã phải tổ chức họp mỗi hai ngày để vạch ra quy trình áp giá dầu.
Hiện, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng và Bộ Tài chính Mỹ đều chưa phản hồi yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Tại thời điểm 16h ngày 13/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent đạt 93 USD/thùng. Trong năm nay, giá biến động khá mạnh - có lúc nhảy vọt lên 140 USD sau khi Nga tấn công Ukraine và có lúc rơi xuống gần mốc 80 USD do lo ngại suy thoái kinh tế.
Sự giận dữ của ông Biden
Sau quyết định sản lượng của OPEC+, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết “việc áp giá trần sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu và chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến những người khởi xướng nó. Cơ chế này là không thể chấp nhận được đối với Nga”.
Ông chủ Điện Kremlin trước đó khẳng định Nga sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào kế hoạch giới hạn giá.
Động thái của liên minh OPEC+ đã khiến giới chức Mỹ tức giận. Đầu tuần này, Tổng thống Biden cáo buộc rằng Arab Saudi - thành viên có sức ảnh hưởng nhất OPEC+, đang đứng về phía Nga.
Một số đảng viên Dân chủ cho rằng thời điểm của quyết định - chỉ một tháng trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ, là nhằm gây tổn hại cho đảng này, bởi giá xăng có thể tăng cao và làm phật lòng cử tri.
Trong một tuyên bố giữa tuần, Arab Saudi cho biết quyết định mới nhất là dựa trên “mục tiêu cao cả” của OPEC: giữ giá dầu thế giới ổn định. Đồng thời, Riyadh cũng khẳng định mối quan hệ chiến lược với Washington.
Theo Bloomberg, các quan chức Mỹ vẫn đang tiếp tục thảo luận nội bộ và với các đồng minh về kế hoạch. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen “sẽ tăng cường nỗ lực nhằm xúc tiến việc áp giá trần”.
Kế hoạch trên cũng nhận được sự hỗ trợ từ cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden - ông Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và bản thân vị tổng thống.
Trở ngại từ châu Âu
Đề xuất giá trần được đưa ra nhằm giảm bớt tình trạng thắt chặt nguồn cung tiềm tàng sau khi Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển vào cuối năm nay.
Trước đó, EU đã quyết định cấm nhập khẩu dầu của Nga và cũng sẽ cấm các doanh nghiệp trong khối cung cấp dịch vụ tài chính cũng như bảo hiểm cho các chuyến tàu chở dầu của Nga. Các quy định có hiệu lực từ ngày 5/12 đối với dầu thô và từ ngày 5/2 năm sau đối với các sản phẩm tinh chế.
Ngoài ra, EU cũng sẽ cân nhắc cấm các công ty thuộc khối kinh tế chung cung cấp dịch vụ vận chuyển cho dầu mỏ của Nga, tuỳ thuộc vào việc G7 có thể chính thức áp dụng kế hoạch giới hạn giá hay không.
Theo dự tính, cơ chế giá trần sẽ cho phép người mua dầu của Nga tiếp cận các dịch vụ của châu Âu, nhưng chỉ khi giá mua này thấp hơn mức giá giới hạn do Mỹ và các đồng minh quy định.
Mức giá trần đó hiện vẫn chưa được xác định. Trong tháng này, giới chức phương Tây sẽ nhóm họp để vạch ra chi tiết thoả thuận. Một nguồn tin của Bloomberg cảnh báo, nhiều khả năng Mỹ và các đồng minh sẽ không thành công trong việc cắt đứt nguồn thu từ dầu mỏ của ông Putin.
Một rào cản quan trọng khác đối với kế hoạch áp giá trần là toàn bộ các nước thành viên EU phải thông qua đề xuất. Ở thời điểm hiện tại, các nước trong khối vẫn đang bất đồng quan điểm dữ dội về việc này.