Trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông Biden bị OPEC+ dồn vào thế bí
Kể từ giữa tháng 6 cho đến gần đây, giá xăng tại Mỹ đã ghi nhận chuỗi giảm 98 ngày liên tiếp. Ngay trong tháng 8, Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng nhận công lao bằng một thông báo trên Twitter.
Cụ thể, vào ngày 12/8, ông chủ Nhà Trắng cho hay: “Tôi đã hứa sẽ không cho phép ông Putin khống chế giá xăng dầu và tôi đã làm được.
Chúng tôi đã sử dụng nguồn dự trữ xăng dầu chiến lược để nhanh chóng hỗ trợ người dân, đồng thời kêu gọi các đồng minh trên toàn thế giới làm điều tương tự. Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng giá xăng rõ ràng đang giảm”.
Tuy nhiên, có lẽ còn quá sớm để chính quyền ông Biden tuyên bố chiến thắng trước giá xăng - một trong các kẻ thù chính trị nguy hiểm nhất, tờ Bloomberg nhận định.
Thách thức chính trị
Hơn một tháng sau đoạn tweet trên, ông Biden đang phải đương đầu với một tổ chức mà Mỹ chưa chắc tác động được. Liên minh OPEC+ sẵn sàng hạ sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Quyết định chính thức sẽ được công bố vào ngày 5/10.
Triển vọng thị trường mất thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày đã khiến giá dầu thô tại New York tăng hơn 6%, trước khi tụt xuống còn khoảng 84 USD/thùng, ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 3/10.
Các động thái của OPEC+ cho thấy nỗ lực của Washington nhằm cô lập Moscow và giới hạn giá dầu Nga không tạo ra hiệu quả như mong muốn của chính quyền ông Biden.
Các cuộc họp của OPEC+ cho thấy Nga đang cố gắng đàm phán cùng những nhà sản xuất dầu mỏ khác, qua đó thúc đẩy tình hình tài chính của Điện Kremlin. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak sẽ tham dự cuộc họp tháng 10 của OPEC+ tại Vienna.
Hơn nữa, động thái tiềm năng của OPEC+ đến vào thời điểm không thích hợp đối với ông Biden. Vị tổng thống đang cố gắng kiểm soát câu chuyện về chi phí sinh hoạt trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Cuộc bỏ phiếu này sẽ quyết định liệu Đảng Dân chủ của ông có thể giữ quyền kiểm soát Quốc hội hay không. Giá dầu tăng sẽ kéo giá xăng đi lên, mà xăng vốn là một trong những dấu hiệu lạm phát dễ thấy nhất đối với cử tri.
Giá xăng bán lẻ đã giảm 24% so với mức kỷ lục trên 5 USD/gallon hồi tháng 6 nhờ giá dầu thô hạ nhiệt. Tuy nhiên, giá đã tăng nhanh trở lại trước cả khi OPEC+ cân nhắc việc giảm sản lượng.
Kể từ khi chấm dứt đà giảm gần 100 ngày, giá xăng trung bình trên toàn quốc đã tăng 12 trong 13 ngày gần đây do nhiều nhà máy lọc dầu tạm ngừng hoạt động và nhập khẩu nhiên liệu ở khu vực Bờ Tây xuống thấp.
Tại California, nơi có giá xăng đắt nhất ở Mỹ, giá lại gần đạt mức cao nhất vào tháng 6. Đà tăng đang lan sang các bang lân cận.
Chiến trường bầu cử Nevada có giá xăng cao nhất sau California, và các bang chiến lược như Michigan và Arizona đang phải mua xăng với giá cao hơn mức trung bình toàn quốc (3,799 USD/gallon), dữ liệu từ hiệp hội xe hơi AAA chỉ ra.
Ông Kevin Book, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu ClearView Energy Partners, cho biết: “Giá xăng lên cao là tin xấu đối với Đảng Dân chủ. Giá cao không giúp ích gì cho tỷ lệ tín nhiệm của ông Biden và có thể cũng không giúp Đảng Dân chủ trụ vững trong các cuộc thăm dò”.
Vào ngày 3/10, khi được hỏi về động thái tiềm năng của OPEC+, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết trọng tâm của chính phủ là đảm bảo thị trường có đủ nguồn cung.
“Nhờ vào những nỗ lực của chính phủ, chúng ta đã thấy giá một số năng lượng giảm mạnh so với mức cao trước đây. Người tiêu dùng Mỹ phải trả ít tiền hơn cho xăng dầu. Đó sẽ là trọng tâm của chính phủ”, bà Jean-Pierre bày tỏ.
Giá xăng đang là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Tuần trước, ông Biden đã hai lần cảnh báo các công ty dầu mỏ không được phép tăng giá xăng.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm còn công khai đá xéo ExxonMobil cùng một số công ty năng lượng khác vì lợi nhuận kỷ lục của họ, đồng thời cáo buộc các doanh nghiệp này đang lợi dụng người tiêu dùng.
Các quan chức hàng đầu chính quyền ông Biden đã gặp gỡ riêng với giám đốc của một số công ty lọc dầu lớn nhất đất nước, bao gồm Phillips 66, Shell và Marathon Petroleum.
Trong cuộc họp căng thẳng đó, giới chức Nhà Trắng đã bày tỏ rằng nếu doanh nghiệp không tự nguyện hành động, chính phủ có thể sẽ buộc họ phải tăng dự trữ nhiên liệu và có khả năng sẽ hạn chế xuất khẩu.
Không có nhiều lựa chọn
Theo nguồn thạo tin của Bloomberg, Nhà Trắng đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp tương tự trong tuần này. Song, các nhà phân tích cho biết chính quyền ông Biden không có nhiều phương án để kìm chế giá xăng dầu.
Một lệnh cấm xuất khẩu đối với các sản phẩm tinh chế như xăng và dầu diesel có thể khiến giá ở khu vực Bờ Đông vốn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu tăng cao, đồng thời gây hại đến các đồng minh ở Mỹ Latin và châu Âu.
Ông Biden từng giải phóng một lượng dầu thô dự trữ kỷ lục để hạ giá xăng. Kể từ tháng 3, chính phủ đã bán ra hơn 155 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Với khoảng 416,4 triệu thùng dầu vẫn còn trữ trong kho, ông Biden có thể lần nữa sử dụng biện pháp này. Tuy nhiên, ông vẫn đối mặt với một số giới hạn nhất định, chẳng hạn như Mỹ phải duy trì mức dự trữ tối thiểu 250 triệu thùng theo quy định quốc tế.
Một công cụ khác mà chính quyền ông Biden có thể sử dụng là dự luật NOPEC cho phép Mỹ kiện các thành viên của OPEC về hành vi thao túng thị trường năng lượng, có khả năng đòi bồi thường hàng tỷ USD.
Giới phân tích cho rằng nếu Nhà Trắng bày tỏ sự ủng hộ đối với NOPEC, dự luật có thể sẽ sớm được thông qua. Ông David Goldwyn, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Goldwyn Global Strategies, cho hay: “Tôi nghĩ chính quyền ông Biden sẽ chờ xem dự luật này sẽ tác động đến giá xăng như thế nào trước khi đưa ra phản hồi”.
“Tuy nhiên, nếu OPEC tăng giá bán trong khi châu Âu đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng năng lượng và Trung Quốc lao đao vì COVID, Mỹ có lẽ đang đùa với lửa”, ông Goldwyn lưu ý.