|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC+ phải cân nhắc thiệt hơn khi cung - cầu ngày càng khó lường

22:04 | 03/09/2022
Chia sẻ
Hiện giờ, liên minh dầu mỏ OPEC+ đang phải cùng lúc xoay xở với nhiều yếu tố khó lường từ cả nguồn cung lẫn nhu cầu. Việc quyết định sản lượng cho tháng 10 tới đang ngày một trở nên khó khăn hơn.

Thời cuộc thay đổi

Liên minh OPEC+ đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Sau hai năm dần dần đưa nguồn cung trở lại thị trường, Arab Saudi và các đối tác lại phải đối mặt với một thực tế khác.

Trong khi vài tháng trước, các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu như Mỹ từng gây sức ép nhằm buộc OPEC+ bơm thêm dầu thô để hạ nhiệt lạm phát, thì giờ đây thị trường đã chuyển sang lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Giữa thời điểm OPEC+ phải đối mặt với nhiều bất ổn như vậy, thị trường hiện kỳ vọng liên minh dầu mỏ sẽ giữ ổn định sản lượng tại cuộc họp vào ngày 5/9 tới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Arab Saudi - Hoàng tử Abdulaziz bin Salman vẫn thích gây ngạc nhiên cho các nhà đầu tư và đoàn đại biểu của OPEC+ chia sẻ riêng rằng họ vẫn đang cân nhắc tất cả các lựa chọn.

Các diễn biến gần đây, bao gồm cả việc giá dầu Brent tụt hơn 20% kể từ đầu tháng 6, đã khiến Riyadh phải nghĩ đến khả năng cắt giảm sản lượng.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Ông Christyan Malek - trưởng bộ phận chiến lược năng lượng tại JPMorgan, đánh giá: “OPEC+ có lý do để xem xét một loạt các kịch bản trước thềm cuộc họp tới”.

“Môi trường kinh tế vĩ mô hiện nay đang cực kỳ biến động, chúng ta có các bộ dữ liệu trái ngược về nhu cầu và suy thoái. Thị trường cũng đang bị thắt chặt, có một số bất ổn về nguồn cung từ Libya và Iraq”, ông Malek nhấn mạnh với Bloomberg.

Nhìn chung, đã có nhiều thay đổi kể từ khi OPEC+ nhóm họp một tháng trước. Giá dầu thô vừa ghi nhận đợt giảm dài nhất kể từ năm 2020, đe doạ lợi ích chưa từng có mà Arab Saudi và các đối tác đang được hưởng.

Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã cho thấy một số dấu hiệu của sự suy yếu kinh tế “đáng báo động”; còn Mỹ thì đã gần kề bờ vực suy thoái.

Ngoài ra, thị trường cũng đang đồn đoán về sự trở lại của dầu thô Iran, trong bối cảnh phái đoàn đàm phán của Tehran và phương Tây đã nối lại các vòng đàm phán thoả thuận hạt nhân mới.

Tháng trước, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman của Arab Saudi đã cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ vật chất và thị trường giao sau đã “bị mất kết nối” và việc hạn chế sản lượng có thể là công cụ tốt nhất để khôi phục trạng thái cân bằng. Thông điệp này đã được các thành viên OPEC+ khác tán thành.

“Thị trường đang ở trong trạng thái tâm thần phân liệt…Song, OPEC+ có đủ sự cam kết, sự linh hoạt và công cụ để đối phó với các thách thức như vậy”, vị hoàng tử bày tỏ.

Giữ nguyên sản lượng?

Theo 16 trong số 20 nhà giao dịch và nhà phân tích do Bloomberg khảo sát, OPEC+ dự kiến sẽ giữ nguyên sản lượng tháng 10 khi nhóm họp vào đầu tuần tới, dẫu cho giá dầu hiện đang hạ nhiệt.

Từ Goldman Sachs cho đến Shell đều có quan điểm chung rằng thị trường năng lượng toàn cầu sẽ bị thắt chặt hơn nữa khi Trung Quốc tái xuất sau các đợt phong toả, giúp thúc đẩy nhu cầu.

Mặc dù nguồn cung từ Nga cho đến nay vẫn ổn định một cách đáng kinh ngạc bất chấp cấm vận của phương Tây, các chuyên gia dự đoán nguồn cung của nước này sẽ chững lại trong vài tháng tới, khi các lệnh trừng phạt mới của EU có hiệu lực vào đầu tháng 12.

Bất ổn ở một thành viên khác của liên minh là Iraq và tình trạng hỗn loạn ở Libya càng nhấn mạnh sự mong manh của sản lượng dầu mỏ toàn cầu.

 

Tổng thư ký mới được bổ nhiệm của OPEC - ông Haitham Al Ghais cho biết ông kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng “đáng kể” bởi người tiêu dùng đang nóng lòng trở lại trạng thái bình thường sau hai năm hạn chế COVID.

Đầu tuần này, một uỷ ban kỹ thuật của OPEC+ đã điều chỉnh dự báo thị trường. Họ tin rằng nguồn cung sẽ bị thiếu hụt trong quý IV năm nay.

Ông Warren Patterson - trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại ING Groep, nhận xét: “Sẽ rất kỳ lạ nếu cắt giảm sản lượng trong khi số liệu của OPEC+ cho thấy thị trường sẽ bị thắt chặt nguồn cung…”

Mối quan hệ với Mỹ

Cắt giảm sản lượng ở thời điểm này cũng sẽ là một động thái nhạy cảm về mặt chính trị đối với OPEC+.

Hồi tháng 7, Tổng thống Biden đã đánh cược uy tín chính trị của mình bằng chuyến thăm đến Arab Saudi. Tại đây, ông và Thái tử Mohammad bin Salman đã cụng tay nhau, hàm ý cho sự hoà giải sau một thời gian dài căng thẳng.

Trong khi ông Biden tuyên bố rằng bản thân tự tin về sự hỗ trợ của Arab Saudi trong việc ghìm cương giá xăng dầu, thì OPEC+ lại đáp trả bằng một mức tăng nguồn cung có phần khiêm tốn: 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.

Nếu Riyadh cắt giảm sản lượng sau động thái chính sách tháng vừa rồi, mối quan hệ với Washington sẽ càng thêm khó xử.

Một vấn đề khác của OPEC là Iran - quốc gia vẫn đang bị bó buộc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu hai bên đạt được thoả thuận cuối cùng, Iran có thể bơm hơn 1 triệu thùng dầu/ngày ra thị trường thế giới.

Hai nước vẫn còn một số công việc cần làm trước khi kịch bản đó xảy ra. Các quan chức Mỹ mô tả yêu cầu mới nhất của Iran trong quá trình đàm phán là “không mang tính xây dựng”.

Ông Raad Alkadiri - Giám đốc quản lý mảng năng lượng tại Eurasia Group, cho hay: “Tuy nhiên, OPEC+ sẽ phản ứng nhanh chóng nếu Iran và Mỹ tái ký thoả thuận hạt nhân”.

Song, hiện giờ, liên minh dầu mỏ sẽ án binh bất động cho đến khi có nhiều thông tin rõ ràng hơn về kết quả cuộc đàm phán, ông Alkadiri nhấn mạnh.

Yên Khê