|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ý đồ của phương Tây bị phá hỏng: ‘Nga đang bơi trong tiền’ nhờ nhu cầu dầu thô khổng lồ

10:42 | 30/08/2022
Chia sẻ
Moscow đang kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết nhờ nhu cầu dường như vô cùng tận của thế giới dành cho dầu thô.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Financial Times). 

Tiền chảy đều vào két

Lượng dầu thô mà Nga bơm ra thị trường toàn cầu hiện nay chẳng kém là bao so với trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. Khi giá dầu tăng, Moscow kiếm được thêm tiền. 

Theo tờ Wall Street Journal, hiện giờ cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây còn được chú ý nhiều hơn những gì đang xảy ra trên chiến trường Ukraine. Nhu cầu từ một số nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đã giúp Tổng thống Vladimir Putin chiếm ưu thế và phá hỏng nỗ lực làm tê liệt nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trước chiến sự, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt của châu Âu. Kể từ đó, Nga đã bóp nghẹt dòng chảy khí đốt qua Nord Stream và các đường ống khác, đẩy giá lên cao hơn và gây áp lực lên các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu.

Doanh thu từ dầu thừa đủ để bù đắp phần chênh lệch. Bà Elina Ribakova, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ví von: “Nga đang bơi trong tiền”. Bà cho biết trong 7 tháng đầu năm nay, Moscow kiếm được 97 tỷ USD từ việc bán dầu khí, trong đó 74 tỷ USD đến từ dầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong tháng 7, Nga xuất khẩu được 7,4 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm như dầu diesel và xăng mỗi ngày, chỉ giảm khoảng 600.000 thùng/ngày so với đầu năm. Dù lượng dầu xuất khẩu có giảm, doanh thu hàng tháng trung bình của Nga đã tăng từ 14,6 tỷ USD trong năm 2021 lên 20 tỷ USD.

 *Tính đến ngày 20/8. 

"Không đủ can đảm"

Sự bền bỉ của thị trường dầu mỏ Nga đang gây ra phản ứng trái chiều ở Washington. Các chính trị gia đang mắc kẹt giữa hai mục tiêu mâu thuẫn: khống chế lạm phát bằng cách tăng cung dầu mỏ toàn cầu và duy trì áp lực kinh tế lên ông Putin.

Giá dầu vọt lên 130 USD/thùng trong tuần đầu tiên của chiến sự nhưng gần đây đã dịu xuống còn 100 USD/thùng. Tuy mức giá này vẫn cao hơn năm ngoái, nhưng cũng đủ để khiến người dân Mỹ và châu Âu nhẹ nhõm hơn mỗi khi đến trạm xăng.

Theo các thương nhân, cựu lãnh đạo doanh nghiệp năng lượng Nga và công ty vận tải, doanh số bán năng lượng của Nga khởi sắc nhờ tìm được người mua mới, phương tiện thanh toán mới, thương nhân mới và cách thức tài trợ mới cho xuất khẩu.

Ông Sergy Valulenko, nhà phân tích năng lượng nhận xét: “Các lãnh đạo quốc gia tin rằng thế giới cần dầu, và không ai đủ can đảm để cấm vận 7,5 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu Nga mỗi ngày”.

Sau khi người mua ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh ở Thái Bình Dương giảm nhập khẩu dầu Nga, phần lớn số dư thừa đó được bán sang các nước châu Á từ chối chọn phe trong xung đột.

Một trong những thị trường bất ngờ là Trung Đông. Dầu nhiên liệu xuất khẩu của Nga giờ chảy sang Arab Saudi và UAE. Sau đó dầu Nga được đốt trong các nhà máy điện ở Arab Saudi hoặc xuất khẩu từ cảng Fujairah của UAE. Cảng biển này khét tiếng là nơi pha trộn dầu Nga và Iran để che giấu xuất xứ của chúng, tờ Wall Street Journal cho biết. 

Số dầu nhập khẩu với giá chiết khấu từ Nga cho phép công ty năng lượng nhà nước Saudi Aramco xuất khẩu dầu thô với giá thị trường. Thỏa thuận này bổ sung thêm nguồn cung trên thị trường dầu thế giới, giúp kiềm chế giá cả. Bà Carole Nakhle, CEO công ty tư vấn Crystol Energy bình luận: “Đây là tình huống đôi bên cùng có lợi cho cả Nga lẫn Mỹ và châu Âu”.

Che giấu xuất xứ

Moscow đã ngưng việc công bố sản lượng dầu hàng tháng và những dữ liệu khác, khiến việc đánh giá hoạt động của ngành năng lượng nước này trở nên khó khăn. Các thương nhân cho biết thường thì tài liệu từ các cảng biển của Nga không còn nêu chi tiết điểm đến của dầu Nga và công ty vận chuyển.

Bên trung gian sẽ chuyển dầu của Nga từ tàu này sang tàu khác khi ở trên biển. Cách làm này tốn kém nhưng giúp nguồn gốc của dầu được che giấu an toàn. Có lẽ hoạt động này được thực hiện nhằm đảm bảo các tổ chức tài chính phương Tây không phát hiện ra và cắt nguồn tài trợ cũng như bảo hiểm cho các chuyến tàu.

Các thương nhân cho biết dầu Nga, Iran và Venezuela được chứa tại cảng Fujairah của UAE và được ngụy trang một cách có chủ ý. Một thương nhân Thụy Sĩ cho biết ông được mời chào mua dầu nhiên liệu mà dựa theo các đặc tính thì rõ ràng là dầu Nga. Nhưng nhãn hiệu thì ghi khác.

Đầu năm nay, các thương nhân dự báo xuất khẩu dầu hàng ngày của Nga có thể giảm đến 3 triệu thùng. Nhưng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông đã nhanh chóng tăng cường nhập khẩu, tận dụng giá chiết khấu và mở ra các tuyến thương mại mới cho dầu thô của Nga. Một số nhà nhập khẩu tinh chế dầu thô của Nga và kiếm lời bằng cách xuất khẩu cho phương Tây dưới dạng xăng và dầu diesel.

Ông Evgeny Gribov, người từng là giám đốc tại Lukoil, công ty sản xuất dầu lớn thứ hai của Nga cho biết: “Dầu Nga sẽ luôn tìm được đường mới đến Ấn Độ, Trung Quốc và các thị trường khác. Dù có phải giảm giá thì doanh thu từ dầu cũng quá đủ để Nga tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến”.

Thách thức quyết tâm

Các nhà phân tích nhận định trong dài hạn, Nga sẽ phải vật lộn để duy trì vị thế là nhà cung cấp dầu hàng đầu. Lượng dầu mà các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp nhận từ Nga cũng có giới hạn. Khi máy móc Nga già cỗi đi và không còn tiếp cận được với phần mềm của phương Tây, các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ sẽ phủ bóng đen lên triển vọng xuất khẩu năng lượng của Nga.

Mùa đông sẽ thử thách quyết tâm của Moscow và các nước đối địch. Dự kiến vào ngày 5/12, EU sẽ tiến hành cấm vận theo giai đoạn đối với dầu Nga và có thể ra lệnh cấm bảo hiểm và tài trợ cho tàu chở dầu Nga. Nếu được thực hiện, các biện pháp này sẽ leo thang đáng kể nỗ lực gây bất lợi cho nền kinh tế Nga.

Nhiều người tin rằng Moscow sẽ phản ứng bằng cách cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên sang châu Âu từ mức 20% công suất của đường ống Nord Stream như hiện nay xuống 0. Bà Helima Croft, Giám đốc bộ phận hàng hóa tại RBC Capital Markets nhận định: “Ông Putin đã cho thấy rõ rằng nếu châu Âu dám leo thang trừng phạt thì Nga sẽ ra đòn trả đũa có sức hủy diệt”.

Giang

Dragon Capital: Chứng khoán Việt hưởng lợi từ Fed cắt giảm lãi suất
Nhà quản lý quỹ cho rằng những kênh đầu tư như chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ động thái đảo chiều lãi suất của Fed. Do lãi suất đầu vào của doanh nghiệp duy trì ở mức thấp, các đơn vị sẽ có điều kiện tốt để cắt giảm chi phí tài chính, mở rộng kinh doanh và từ đó, tăng trưởng lợi nhuận.