Chiến sự Nga-Ukraine chưa thấy hồi kết, châu Âu đã ngã quỵ trước khủng hoảng
Triển vọng đảo lộn
Năm 2022 tưởng chừng sẽ là khoảng thời gian đầy tươi sáng của châu Âu. Chính phủ các nước từng hy vọng rằng việc tung ra các khoản ngân sách lớn sẽ thúc đẩy cơn sốt chi tiêu hậu đại dịch, kích thích nền kinh tế và giúp các hộ gia đình kiệt sức sau hai năm kinh hoàng lấy lại cảm giác về cuộc sống bình thường.
Nhưng mọi hy vọng đã biến mất khi Nga tấn công Ukraine vào ngày 24/2. Cuộc sống bình thường biến mất, nhường chỗ cho khủng hoảng. Suy thoái gần như chắc chắn sẽ xảy ra, tỷ lệ lạm phát lên đến gần hai chữ số và mùa đông lạnh lẽo sắp đến trong lúc an ninh năng lượng lâm nguy.
Theo tờ Reuters, tuy tình cảnh hiện nay đang rất ảm đạm, triển vọng tương lai rất có thể sẽ còn tệ hơn. Phải đến tận năm 2023, tình hình mới có khả năng cải thiện rõ rệt.
Ông Alexandre Bompard, CEO nhà bán lẻ Carrefour phát biểu trước các nhà đầu tư: “Khủng hoảng là bình thường mới ở châu Âu. Những gì chúng ta đã quen thưởng thức trong hàng chục năm qua – lạm phát thấp, giao thương quốc tế - đã kết thúc”.
Sự thay đổi diễn ra rất rõ rệt. Một năm trước, hầu hết các chuyên gia dự báo ước tính tốc độ tăng trưởng của châu Âu năm 2022 là 5%. Giờ thì kịch bản cơ sở của nhiều người là một cuộc suy thoái vào mùa đông.
Các hộ gia đình và doanh nghiệp đều phải hứng chịu hậu quả của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Giá lương thực và thực phẩm đắt đỏ đang bị khuếch đại bởi hạn hán trầm trọng và mực nước sông thấp ngăn trở vận tải.
Lạm phát 9% là con số mà khu vực đồng euro chưa từng chứng kiến suốt 50 năm qua. Sức mua của người tiêu dùng đang bị bào mòn trong lúc mỗi đồng tiền dư ra của họ bị ngốn sạch bởi xăng dầu, khí tự nhiên và thực phẩm thiết yếu.
Doanh số bán lẻ đã bắt đầu lao dốc dẫu vẫn còn vài tháng trước khi mùa đông đến. Trong tháng 6, khối lượng bán lẻ ở châu Âu giảm gần 4% so với một năm trước, còn ở Đức giảm tận 9%.
- TIN LIÊN QUAN
-
Châu Âu tích trữ củi để chuẩn bị cho mùa đông thiếu khí đốt 22/08/2022 - 10:58
Người tiêu dùng chuyển sang các cửa hàng giảm giá và từ bỏ sản phẩm cao cấp, chuyển sang thương hiệu rẻ tiền hơn. Họ cũng bắt đầu bỏ một số khoản chi tiêu nhất định.
Ông Robert Gentz, đồng CEO hãng bán lẻ Zalando của Đức nói với các phóng viên: “Cuộc sống đang trở nên đắt đỏ hơn và người tiêu dùng ngần ngại chi tiêu”.
Cho đến nay, doanh nghiệp vẫn xoay xở tốt nhờ vào quyền định giá vượt trội do chuỗi cung ứng liên tục chịu căng thẳng. Nhưng các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng đang gặp khó. Gần một nửa công suất luyện nhôm và kẽm của châu Âu đã ngừng hoạt động. Phần lớn hoạt động sản xuất phân bón cũng bị ngưng do thiếu hụt khí tự nhiên.
Du lịch là điểm sáng hiếm hoi bởi mọi người đều muốn tận hưởng mùa hè thoải mái đầu tiên kể từ năm 2019. Nhưng đến cả ngành du lịch cũng bị tê liệt bởi thiếu hụt công suất và lao động. Các nhân công bị sa thải trong đại dịch không mấy mặn mà với việc quay lại công việc cũ.
Các sân bay chính như Frankfurt và London Heathrow buộc phải giới hạn số chuyến bay bởi họ không có đủ nhân viên để tiếp nhận hành khách. Tại sân bay Schiphol của Amsterdam, thời gian chờ có thể lên đến 4 hoặc 5 giờ.
Nguy cơ suy thoái
Nhiều khả năng châu Âu sẽ còn phải chịu nhiều đau khổ hơn, đặc biệt là nếu Nga tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt xuất khẩu. Bà Caroline Bain, nhà kinh tế trưởng về hàng hóa tại Capital Economics cho biết: “Cú sốc khí đốt hiện nay lớn gần gấp đôi cú sốc dầu thập niên 1970. Giá khí tự nhiên giao ngay ở châu Âu đã tăng 10 đến 11 lần trong hai năm qua”.
Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga cho đến năm 2027. Tuy nhiên đó là mục tiêu dài hạn, còn trong ngắn hạn, thiếu hụt nguồn cung đang buộc EU lên kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt trên toàn khối trong năm nay.
Tự chủ năng lượng đi kèm với cái giá. Trước mắt với người bình thường, cái giá họ phải trả là nhà ở và văn phòng làm việc trở nên lạnh lẽo hơn. Ví dụ, Đức muốn các không gian công cộng chỉ được sưởi ấm đến 19 độ C vào mùa đông này, thấp hơn khoảng 3 độ so với trước đây.
Còn xa hơn, dân châu Âu sẽ phải chấp nhận chi phí năng lượng cao hơn và lạm phát khi họ từ bỏ nguồn cung năng lượng rẻ nhất và lớn nhất. Đối với doanh nghiệp, sản lượng sẽ suy giảm, bào mòn tăng trưởng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp.
Giá khí đốt bán buôn ở Đức đã tăng gấp 5 lần trong năm nay. Nhưng do người tiêu dùng được bảo vệ bởi các hợp đồng dài hạn, tác động họ phải chịu nhỏ hơn nhiều so với thực chất.
Khi các hợp đồng hiện hành hết hạn, giá sẽ nhảy vọt, báo trước áp lực dai dẳng lên lạm phát. Đó là lý do hầu hết các nhà kinh tế dự đoán Đức và Italy - lần lượt là nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ 4 của châu Âu, đồng thời còn phụ thuộc nặng vào khí đốt– sẽ sớm rơi vào suy thoái.
Trong cái rủi có cái may
Nhưng dẫu châu Âu có rơi vào suy thoái, nền kinh tế khu vực vẫn còn một số điểm mạnh. Số lượng việc làm đang ở mức cao kỷ lục và doanh nghiệp đã phải khổ sở với tình trạng thiếu hụt lao động suốt nhiều năm qua.
Do đó, nhiều khả năng các công ty sẽ cố giữ lao động trong biên chế, đặc biệt là trong bối cảnh biên lợi nhuận của doanh nghiệp đang ở mức tương đối lành mạnh.
Việc làm được đảm bảo có thể duy trì sức mua của người tiêu dùng, giúp suy thoái không trở nên nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp chỉ nhích lên chút ít.
Bà Isabel Schnabel, thành viên hội đồng ECB nói với tờ Reuters: “Chúng tôi vẫn tiếp tục chứng kiến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục và số lượng vị trí tuyển dụng lớn. Điều này có thể có nghĩa là dù châu Âu có rơi vào suy thoái, doanh nghiệp cũng sẽ ngần ngại sa thải nhân viên với quy mô lớn”.