|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quốc gia châu Âu nào dính đòn đau nhất khi giá năng lượng tăng cao?

16:51 | 15/08/2022
Chia sẻ
Châu Âu đang đối mặt với một cú sốc năng lượng khổng lồ. Tuy nhiên, không phải mọi người dân châu lục già đều cảm nhận sự tác động như nhau từ giá năng lượng tăng cao.

The Economist trích dẫn một báo cáo của IMF cho biết các hộ gia đình tại Phần Lan sẽ phải tăng chi tiêu thêm 4% do cú sốc năng lượng. Trong khi đó chỉ cần đi phà hai tiếng qua Biển Baltic, tại Estonia, chi phí của hộ gia đình có thể tăng tới 20%.

Trung bình, người dân châu Âu chi khoảng 10% thu nhập cho năng lượng. Các gia đình giàu có thường có nhà và xe lớn hơn (tốn nhiều điện và nhiên liệu hơn), nhưng khoảng cách thu nhập cao có thể dễ dàng bù đắp cho chênh lệch giữa chi phí năng lượng.

Kết quả là, những gia đình nghèo hơn sẽ phải bỏ ra thêm nhiều tiền cho năng lượng. Tương tự, các quốc gia nghèo hơn tại châu Âu (khu vực Đông Âu) sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi giá cả nhiên liệu đắt đỏ hơn là những người hàng xóm Bắc Âu giàu có.

 

Mức độ phụ thuộc và khí đốt cũng là một yếu tố quan trọng khi đánh giá nguy cơ tổn thương của từng quốc gia. Giá khí đốt đã hơn tăng gấp đôi kể từ khi Nga tấn công Ukraine, giá than cũng đã tăng 60% trong khi chi phí của năng lượng tái tạo vẫn không đổi.

Bởi đa số các quốc gia châu Âu cùng nằm trong một thị trường khí đốt, chi phí để sản xuất năng lượng tại Bulgaria, cực đông của lục địa, cũng gần tương đương với Ireland, nằm ở phía tây.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có mức phụ thuộc khác nhau vào loại nhiên liệu này. Chưa đến 3% năng lượng của Thụy Điển đến từ khí đốt. Đa số điện năng của quốc gia Bắc Âu này được sản sinh từ thủy điện, gió và hạt nhân.

Các ngôi nhà của Thụy Điển sử dụng hệ thống sưởi ấm chung, thường có nhiên liệu là gỗ vụn hoặc thông qua các bơm nhiệt đi kèm theo đường dây điện. Do mức phụ thuộc vào khí đốt thấp, chi tiêu hộ gia đình của Thụy Điển chỉ tăng khoảng 5%, so với mức 10% của Anh - quốc gia sử dụng nhiều khí đốt để sưởi ấm.

Cơ cấu thị trường khác nhau cũng đồng nghĩa rằng giá cả tới người tiêu dùng thay đổi với tần suất khác nhau. Tại Tây Ban Nha, biểu giá tiêu dùng thường được cập nhật hàng tháng (mặc dù giá khí đốt đã được giới hạn). Tại Ba Lan, biểu giá này chỉ được cập nhật hai lần mỗi năm.

Tại những quốc gia khác, các chính phủ đã đóng băng chi phí. Paris đã giới hạn mức tăng giá điện ở 4%. Đa số điện năng của quốc gia này đến từ năng lượng hạt nhân, nhưng hoạt động bảo trì bị hoãn trong thời gian dài khiến Pháp phải nhập khẩu điện từ những người hàng xóm sử dụng khí đốt. Chính phủ Pháp đã phải chịu chi phí tăng lên. 

Giới hạn giá năng lượng sẽ khiến các hộ gia đình không muốn cắt giảm tiêu thụ năng lượng. Động thái này còn hỗ trợ nhiều hơn cho những người giàu, vốn có những hóa đơn năng lượng lớn. 

Lựa chọn tốt hơn với các chính phủ châu Âu sẽ là nhắm tới những người cần sự hỗ trợ nhất. Tuy nhiên, theo tính toán của Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), chỉ 12% các nước châu Âu áp dụng các biện pháp hỗ trợ có chọn lọc. 

Rõ ràng, một cú sốc năng lượng ảnh hưởng không đồng đều tới các tầng lớp cần một giải pháp có sự chọn lọc đến người yếu thế nhất.

Chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình nghèo nhất sẽ tăng nhanh hơn so với những gia đình giàu có. 

Hỗ trợ có chọn lọc

IMF lập luận rằng các nhà hoạch định chính sách nên thay đổi cách tiếp cận, từ những giải pháp rộng sang những chính sách có chọn lọc, bao gồm cả hỗ trợ thu nhập cho những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ví dụ, để bù đắp hoàn toàn mức sự tăng chi phí sinh hoạt cho 20% hộ gia đình nghèo nhất sẽ chỉ tiêu tốn của các chính phủ khoảng 0,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm 2022. Để hỗ trợ cho 40% dân số khó khăn nhất, con số này sẽ tăng lên 0,9% GDP.

Tỷ lệ hộ gia đình nhận được hỗ trợ khác nhau theo từng quốc gia, và phụ thuộc vào ưu tiên xã hội và khả năng tài chính. 

Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng những chính sách này nên được thiết kế sao cho tránh được “hiệu ứng vách đá”, bằng cách giảm dần sự hỗ trợ cho theo từng bậc thu nhập, chứ không phải chỉ hỗ trợ duy nhất cho nhóm người khó khăn. 

“Hiệu ứng vách đá” xảy ra khi một mức tăng nhỏ của thu nhập có thể khiến sự hỗ trợ của chính phủ đột ngột biến mất. Chẳng hạn, chính phủ quy định 20% người nghèo nhất sẽ nhận được tiền trợ cấp, người lao động có mức thu nhập chỉ nhỉnh hơn một chút so với nhóm 20% này lại không hề nhận được sự giúp đỡ.

Một vài chính phủ cũng đang có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng những chính sách này chỉ phù hợp trong những cú sốc năng lượng ngắn hạn.

Chẳng hạn, nếu dòng khí đốt bị ngừng hoàn toàn và các quốc gia châu Âu phải giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu thì những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nhập khẩu và phân phối năng lượng sẽ cần được ưu tiên giúp đỡ.

Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, rất khó để thực hiện một kế hoạch hỗ trợ có chọn lọc cho doanh nghiệp mà không tạo ra biến động hoặc ảnh hưởng tới mục tiêu tiết kiệm điện năng. Do giá khí đốt dự kiến vẫn sẽ cao trong vài năm nữa nên theo IMF, việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về lâu dài là không hợp lý. 

Minh Quang

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.