|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Thủ tướng Đức bày cách giải quyết khủng hoảng năng lượng: Cấp phép cho Nord Stream 2

09:57 | 04/08/2022
Chia sẻ
Cựu Thủ tướng Đức muốn khởi động đường ống Nord Stream 2 đang bỏ không dưới đáy biển Baltic. Tuy nhiên, Thủ tướng đương nhiệm Olaf Scholz bác bỏ khả năng này, và cho rằng các đường ống hiện giờ là quá đủ, vấn đề nguồn cung hoàn toàn đến từ phía Nga.

Theo hãng tin RT của Nga, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã chỉ ra “giải pháp đơn giản nhất” để giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng năng lượng: khởi động đường ống Nord Stream 2.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Stern của Đức, cựu Thủ tướng cho biết đường ống Nord Stream 2 đã “sẵn sàng”.

Ông Schroeder gợi ý: “Giải pháp đơn giản nhất là đưa Nord Stream 2 vào hoạt động. Trong trường hợp nguồn cung hạn chế, thì cả hai đường ống Nord Stream sẽ đảm bảo năng lượng cho nền công nghiệp và hộ gia đình Đức”.

Nếu không, “Đức sẽ phải gánh hậu quả lớn”, ông cảnh báo. Cuộc phỏng vấn của ông Schroeder diễn ra một tuần sau khi ông trở về từ Moscow.

Đường ống Nord Stream 2 trị giá 11 tỷ USD vẫn đang nằm đắp chiếu gần một năm dưới đáy Biển Baltic.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 chạy dưới Biển Baltic từ Nga đến Đức, song song với tuyến Nord Stream 1 đang hoạt động.

Việc xây dựng đường ống này tiêu tốn 11 tỷ USD và đã được hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái nhưng Berlin đã từ chối cấp phép hoạt động. Chính phủ Đức đã nhiều lần nói rằng việc mở đường ống Nord Stream 2 sẽ không xảy ra.

Trong những tuần gần đây, nhà cung cấp năng lượng Gazprom của Nga đã giảm lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 xuống 20% công suất với lý do trục trặc kỹ thuật với turbine Siemens tại một trạm nén.

 

Theo ông Schroeder, việc sản lượng khí từ Nga giảm là lỗi của tập đoàn Siemens (Đức) vì công ty đã không trả lại turbine đúng thời hạn sau khi sửa chữa ở Canada. Do các lệnh trừng phạt, Canada đã giữ turbine của Nord Stream 1 trong một thời gian. Ottawa cuối cùng đã gửi thiết bị này tới Đức, nhưng turbine hiện vẫn kẹt lại tại đây.

Hôm 3/8, Gazprom tuyên bố, các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến việc trả turbine cho Nord Stream 1 là không thể. Việc thiếu thiết bị là nguyên nhân chính dẫn đến việc cắt giảm nguồn cung, phía Nga cho hay. Nếu lý do mà Nga đưa ra là đúng thì việc khởi động Nord Stream 2 có thể giải quyết được vấn đề.

“Các biện pháp trừng phạt của Canada, EU, Vương quốc Anh và sự mâu thuẫn trong tình hình hiện tại với các nghĩa vụ hợp đồng của Siemens khiến việc giao động cơ 073 cho [trạm nén] Portovaya là không thể”, Gazprom cho biết.

Trước đó, Giám đốc điều hành Siemens Energy, ông Christian Bruch cho biết, công ty Đức đã hoàn thành mọi điều kiện để đưa turbine trở lại Nga. Theo ông Bruch, công ty “cực kỳ quan tâm” đến việc thúc đẩy quá trình và đổ lỗi cho việc thiếu tài liệu, chứng từ ở phía Moscow là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ.

"Turbine đã sẵn sàng, chỉ đợi Nga nhận"

Thiết bị nằm giữa cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu hiện nay là turbine dài 12 m, đang bị kẹt lại ở Đức sau khi trở về từ Canada.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) cho biết turbine hoạt động bình thường và sẵn sàng để vận chuyển. (Ảnh: Andreas Rentz/Getty Images),

Đứng trước một turbine kim loại khổng lồ có nhiệm vụ nén khí đốt từ Nga sang Đức thông qua đường ống Nord Stream 1, Thủ tướng Olaf Scholz bác bỏ luận điểm của Nga rằng các vấn đề kỹ thuật là nguyên nhân dòng chảy năng lượng bị cắt giảm.

Ông cho biết lý do duy nhất khiến thiết bị này vẫn chưa được trả về Nga sau khi trải qua quá trình bảo trì là Gazprom không muốn nhận.

Chiếc turbine, tâm điểm của cuộc tranh chấp giữa Đức và Gazprom, đã được trưng bày hôm 3/8 tại một sự kiện truyền thông ở thành phố Mülheim an der Ruhr, miền tây nước Đức. Turbine đã được cất giữ tại đây kể từ sau khi hoàn thành việc sửa chữa ở Canada.

Berlin khẳng định rằng thiết bị không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và cáo buộc Nga không tôn trọng các hợp đồng của mình vì lý do chính trị.

“Rõ ràng là không có gì, không có bất cứ thứ gì cản trở việc vận chuyển turbine và lắp đặt ở Nga. Chiếc turbine có thể được vận chuyển và sử dụng bất cứ lúc nào”, ông Scholz nói. "Không có bất kỳ lý do kỹ thuật nào cho việc giảm nguồn cung khí đốt".

Khi được hỏi về triển vọng khởi động lại Nord Stream 2, ông Scholz cố nén cười, chỉ ra rằng đường ống song song với nó chạy dưới biển Baltic, Nord Stream 1, cũng như các ống dẫn trên bộ khác qua Ukraine, Belarus và Ba Lan đều chưa được sử dụng hết công suất.

Ông nói: “Nord Stream 1 là đủ công suất rồi. Tất cả hợp đồng mà Nga đã ký kết với toàn châu Âu có thể được thực hiện với sự trợ giúp của đường ống này".

Giá khí đốt tăng mạnh sau hai lần Gazprom cắt giảm lưu lượng khí đốt.

Lưu lượng khí đốt giảm đã khiến giá ở châu Âu tăng lên mức cao kỷ lục. Vào hôm 3/8, giá mặt hàng này đã gấp đôi so với hồi tháng 6, khi Nga bắt đầu hạn chế dòng chảy qua Nord Stream 1.

“Turbine đã sẵn sàng hoạt động ngay lập tức”, Thủ tướng Scholz nói. “Nếu Nga không sử dụng turbine này ngay bây giờ, cả thế giới sẽ thấy rằng Moscow chỉ đang lấy cớ để cắt khí đốt tới Đức”.

Minh Quang

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.