|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu khó đồng hành cùng Ukraine khi phải hy sinh lợi ích bản thân

10:21 | 01/08/2022
Chia sẻ
Khi những quyết sách của Liên minh châu Âu đụng chạm tới lợi ích của từng quốc gia thành viên, dường như sự đoàn kết và những cam kết của khối với Ukraine đã tan biến.

Theo RT, Liên minh châu Âu (EU) rất tự hào về sự “thống nhất” khi chống lại Nga. Tuy nhiên, những yêu cầu đụng cham tới lợi ích về năng lượng có vẻ đã đi quá xa với nhiều quốc gia thành viên.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất toàn khối giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt, bắt đầu từ ngày 1/8 và kéo dài đến ít nhất là tháng 3 năm 2023. Hôm 26/7, quan chức từ 27 quốc gia thành viên đã được triệu tập nhằm thảo luận vấn đề trên.

Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen đã viết trên Twitter: “Tôi rất hoan nghênh sự tán thành của Hội đồng về kế hoạch nhằm giảm nhu cầu khí đốt và chuẩn bị cho mùa đông”. 

“Nhờ quyết định của ngày hôm nay, Châu Âu hiện đã sẵn sàng giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của mình, với tư cách là một Liên minh”, bà nhấn mạnh sự đoàn kết của EU.

Tuyên bố công khai của bà Von der Leyen có thể gây hiểu lầm cho công chúng rằng toàn khối đang đi theo đúng tầm nhìn mà lãnh đạo EU đề ra. Tuy nhiên, sự đoàn kết duy nhất trong cuộc thảo luận vừa qua là việc các quốc gia từ chối cắt giảm khí đốt đồng thuận rằng những nước không còn lựa chọn hay nguồn cung thay thế phải hạn chế tiêu thụ khí đốt.

Nếu thiếu khí đốt, quốc gia có kho dự trữ lớn nhất EU là Đức sẽ phải lựa chọn giữa việc chia sẻ khí đốt với đồng minh hoặc cứu nền công nghiệp của mình.

Nỗ lực cắt giảm khí đốt của EU được thực hiện nhằm giải cứu cho Đức, đầu tàu kinh tế hàng đầu của khối. Ban đầu, Berlin không dám phản đối việc Mỹ trừng phạt dự án đường ống năng lượng chung với Nga (Nord Stream 2). Sau đó, Đức cũng bình chân như vại khi EU làm điều tương tự. Giờ đây, Berlin không còn bất cứ kế hoạch dự phòng năng lượng nào cho nền kinh tế quốc gia.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khoe khoang về việc ông đã tiết kiệm thời gian tắm như thế nào trong suốt cuộc khủng hoảng năng lượng. Nhưng rõ ràng giảm tiêu thụ vài lít nước hay vài kWh điện sẽ không thể cứu nổi nền công nghiệp của Đức.

Năng lượng xanh cũng không phải là lối thoát bởi công nghệ chưa chín muồi. Berlin vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Nga đến nỗi phải đứng ngồi không yên khi Nord Stream 1 bảo trì 10 ngày. Hiện Đức lại đang hoảng sợ một lần nữa khi nguồn cung khí đốt qua đường ống này giảm chỉ còn 20%.

Điều đáng nói là một mặt, Brussels và Berlin lên án Nga “tống tiền bằng khí đốt” nhưng lại đáp trả bằng việc tự trừng phạt các nguồn cung năng lượng của mình. RT cho rằng hành động của Nga không phải là tống tiền vì chính châu Âu đã chọn cách đối đầu, cắt đứt mọi quan hệ rồi khoe khoang với cả thế giới.

Tự lo thân

Để giúp Berlin một tay, các quốc gia thành viên của khối hiện đã đồng ý rằng nếu Brussels áp dụng mức cắt giảm 15% như một biện pháp bắt buộc thì những nước này sẽ lựa chọn không tham gia. Các quan chức EU đang tự vỗ ngực về kiểu "đoàn kết" này.

Malta, Đảo Síp, Ireland và Bồ Đào Nha không có mối liên hệ đáng kể với mạng lưới cung cấp năng lượng nội bộ của Liên minh châu Âu hoặc không phụ thuộc vào khí đốt và muốn duy trì sự độc lập về năng lượng.

Trong khi đó, Pháp suýt chút nữa cũng đã phạm sai lầm như Đức khi quá tin tưởng vào năng lượng xanh. Tuy nhiên, Paris đã may mắn khi vận động hành lang thành công để Brussell công nhận điện hạt nhân là nguồn “năng lượng xanh”.

Trong trường hợp khủng hoảng năng lượng xảy ra, Pháp có thể mở lại các lò phản ứng để cầm cự. Vì vậy, Paris tuyên bố hoàn toàn không có cam kết về kinh tế và chính trị trong việc tuân thủ những ràng buộc về khí đốt của EU.

Hy Lạp và Tây Ban Nha cũng nói không với đề xuất của liên minh, khẳng định duy trì quyền kiểm soát với nguồn cung của chính mình.

Hungary đang chạy hết tốc lực ngược lại các nỗ lực của EU, đạt các thỏa thuận về khí đốt mới với Nga nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của bản thân.

Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu châu Âu hành động mạnh mẽ hơn nữa, và Brussels lên thêm những kế hoạch trừng phạt thì nền kinh tế và người dân châu Âu đang phải gánh chịu nỗi đau. Và những nỗi đau kinh tế có thể gây ra những hậu quả chính trị, tờ RT cảnh báo.

Minh Quang

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.