|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thiếu sót trong kết hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt của châu Âu

08:32 | 28/07/2022
Chia sẻ
Kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu chỉ là một giải pháp tạm thời, không thể giải quyết vấn đề cốt lõi, đồng thời có thể khiến khối này ngày một chia rẽ hơn.

Theo The Economist, khi các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) họp khẩn cấp vào hôm 26/7, thỏa thuận về việc cắt giảm năng lượng nhanh chóng được thông qua.

Các thành viên đồng ý rằng bắt đầu từ 1/8 tới 31/3/2023 mỗi nước sẽ giảm tiêu thụ khí đốt khoảng 15% so với mức trung bình trong vòng 5 năm qua. Như mọi thỏa thuận của EU, quyết định này được thông qua sau thời gian thảo luận dài và đầy những miễn trừ cũng như nhượng bộ. 

Và quan trọng hơn cả, giải pháp tình thế trên không thể xử lý vấn đề hiện tại: EU sẽ phải phản ứng thế nào nếu Nga ngừng hoặc giảm mạnh nguồn cung. Một ngày trước cuộc họp, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga đã thông báo sẽ cắt giảm dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất.

Các nhà lãnh đạo EU muốn đảm bảo rằng việc thiếu hụt nguồn cung từ Nga sẽ không khiến hộ gia đình phải chịu lạnh và nhà máy ngừng hoạt động. Tuy nhiên, mỗi thành viên trong khối lại phụ thuộc vào khí đốt Moscow ở những mức độ khác nhau.

 

Một số nước đã xây dựng các cảng tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG), giúp giảm sự phụ thuộc và Gazprom. Tây Ban Nha chỉ nhận được khoảng 10% khí đốt từ Nga (gần đây tỷ lệ này đã tăng do tranh chấp với Algeria, một nhà cung cấp khác của Madrid).

Các quốc gia khác, ví dụ như Hà Lan, đã giảm 1/3 mức tiêu thụ. Trong khi Ba Lan, với việc nguồn cung bị cắt hoàn toàn kể từ khi xung đột bắt đầu, phải tìm cách thích nghi.

Đức là một ngoại lệ. Các quốc gia châu Âu khác, Ủy ban châu Âu và Mỹ từ lâu đã cảnh báo Berlin về sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, dòng chảy khí đốt từ phương đông giúp cho Đức có thể loại bỏ những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than cũng như điện nguyên tử. Nguồn nhiên liệu giá rẻ này cũng giúp ngành công nghiệp của Đức có được sức cạnh tranh.

Kết quả là, trước khi Nga tấn công Ukraine, hơn một nửa khí đốt của Đức đến từ vùng Siberia. Tỷ lệ này giờ đây đã giảm xuống chỉ còn 1/3.

Tranh cãi nội bộ

Không ngoài dự đoán, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đề xuất rằng mọi chính phủ EU đều phải giảm tiêu thụ khí đốt với một tỷ lệ như nhau, một số đã bày tỏ sự phản đối.

“Không giống như những nước khác, Tây Ban Nha không vung tay quá trán trong vấn đề năng lượng”, bà Teresa Ribera, Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha tuyên bố. Bà đang nhắc nhở nhẹ nhàng về cách mà Berlin đối xử với Madrid trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hơn một thập kỷ trước.

Vào thời điểm đó, ông Wolfgang Schäuble, cựu Bộ trưởng Tài chính mang tư tưởng diều hâu của Đức, tuyên bố Berlin sẽ không giúp những quốc gia nào đã chi tiêu quá mức.

Mặc dù liên minh châu Âu đặt ra mục tiêu mỗi thành viên phải lấp đầy 80% kho khí đốt, nhưng việc Đức bổ sung thêm 13% sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với 31% của Croatia.  

Các bộ trưởng năng lượng châu Âu đang né tránh vấn đề. Mục tiêu cắt giảm 15% chỉ là tự nguyện, tuy nhiên vẫn có khả năng trở thành bắt buộc nếu Nga tiếp tục bóp nghẹt nguồn cung.

Nhiều ngoại lệ cũng được đặt ra: cho những quốc gia không liên kết trực tiếp với hệ thống đường ống khí đốt của châu Âu, cho những quốc gia đã hạ mức tiêu thụ và cho những nước sử dụng khí đốt để sản xuất phân bón.

Nếu mùa đông sắp tới không quá lạnh, EU có thể vượt qua. Tuy nhiên, nếu thời tiết khắc nghiệt, khối sẽ phải chứng minh sự đoàn kết trong những thời điểm khó khăn nhất.

Đức đặc biệt cần quan tâm đến các đồng minh, do vị trí nằm tại trung tâm của hệ thống khí đốt. Liệu Berlin có sẵn sằng bơm khí đốt sang Cộng hòa Séc để cứu người dân khỏi chết chóng, đổi lại là những nhà máy của Đức sẽ phải đóng cửa?

Vào năm 2020, trong những ngày đầu của đại dịch COVID, Đức là một trong những nước hạn chế xuất khẩu các trang thiết bị bảo hộ y tế. Sự chia rẽ của EU chính là những gì mà Moscow luôn mong muốn.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.