|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Gazprom báo hỏng thêm một turbine, Đức khó lấp đầy kho khí đốt trước mùa đông

15:01 | 26/07/2022
Chia sẻ
Việc Nga cắt giảm nguồn cung thông qua đường ống dẫn khí đốt chính tới Đức sẽ khiến châu Âu không thể hoàn thành mục tiêu nạp thêm kho dự trữ và có nguy cơ phải năng lượng trong những tháng tới.

Thêm một turbine gặp sự cố

Theo Reuters, các chính trị gia châu Âu đã nhiều lần cảnh báo rằng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt trong mùa đông này và đẩy Đức vào suy thoái. Cho đến nay, nạn nhân lớn nhất là công ty năng lượng Uniper của Đức. Tuần trước, Berlin đã buộc phải chi ra 15 tỷ USD để cứu trợ doanh nghiệp này.

Hôm 25/7, Moscow tiếp tục siết chặt hơn dòng chảy khí đốt tới Berlin sau khi Gazprom thông báo việc tạm ngừng hoạt động của một turbine nữa. Kết quả là công suất của Nord Stream 1 từ Nga đến Đức chỉ còn lại 20% kể từ ngày 27/7.Gazprom cho biết dòng chảy khí đốt sẽ giảm xuống còn 33 triệu m3/ngày kể từ 11 giờ sáng ngày 27/7 (theo giờ Việt Nam).  

Một phần đường ống Nord Stream 1. (Ảnh: AFP).

Vào giữa tháng 6, với lý do Siemens không trả lại turbine mang đi bảo trì, Gazprom đã cắt giảm công suất của Nord Stream 1 xuống còn 40%. Sau đó, đường ống tiếp tục bị tạm ngừng trong 10 ngày để bảo trì, nhưng kể cả khi bảo trì hoàn thành vào hôm 21/7, công suất của đường ống vẫn chỉ là 40%.

Berlin cho rằng không có bất cứ lý do kỹ thuật nào cho lần cắt giảm gần đây. Giá khí đốt giao tháng sau tại Hà Lan, hợp đồng tiêu chuẩn cho toàn châu Âu, đã kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7 với mức tăng 9,95%.

Nord Stream 1 có công suất vào khoảng 55 tỷ m3 mỗi năm, là đường ống khí đốt lớn nhất kết nối giữa Nga và châu Âu. Turbine đầu tiên vẫn đang trên đường tới Nga, do vướng phải nhiều tranh chấp liên quan tới chứng từ.

Hôm 25/7, Gazprom cho biết đã nhận được chứng từ từ Siemens và phía Canada, nhưng tuyên bố “những tài liệu này không giúp loại trừ những rủi ro đã xác định trước đây, đồng thời còn đặt ra thêm nhiều câu hỏi khác”.

Siemens cho biết turbine đã sửa có thể được vận chuyển tới Nga ngay lập tức, và Gazprom phải chịu trách nhiệm. “Các nhà chức trách Đức đã cung cấp cho Siemens tất cả những chứng từ cần thiết để chuyển turbine sang Nga kể từ cuối tuần trước. Gazprom đã biết được những thông tin trên”.

“Thứ đang thiếu là các chứng từ hải quan để thông quan tại Nga. Gazprom, với tư cách là khách hàng, phải cung cấp những tài liệu này”, Siemens tuyên bố.

Tranh chấp xung quanh chiếc turbine này làm dấy lên lo ngại rằng châu Âu có thể phải phân bổ khí đốt trong mùa đông. Tuần trước, Liên minh châu ÂU (EU) đã đề nghị các thành viên giảm tiêu thụ khí đốt khoảng 15% kể từ tháng 8 cho tới tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự phản đối từ các quốc gia thành viên. Một số thẳng thừng phản đối, trong khi những nước khác không muốn để Brussels kiểm soát việc sử dụng năng lượng của mình. 

Không kịp trước khi mùa đông tới

Ngay cả trước khi có thông báo về việc cắt giảm công suất vào hôm 25/7, Cơ quan quản lý mạng lưới năng lượng của Đức (Bundesnetzagentur) cho biết nước này sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu lưu trữ.

Châu Âu có thể sẽ không đạt được mục tiêu lấp đầy 80% kho chứa khí đốt vào tháng 11.

EU đặt ra mục tiêu sẽ lấp đầy khoảng 80% kho dự trữ vào ngày 1/11 để chuẩn bị cho nhu cầu trong những tháng mùa đông. Cho đến nay, kho chứa khí đốt của EU chỉ đạt khoảng 66%.

Đức thậm chí còn đặt mục tiêu tham vọng hơn, đó là lấp đầy khoảng 95% kho dự trữ vào tháng 11. Tuy nhiên, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie, với việc Nga cắt công suất của Nord Stream 1 như hiện nay, EU sẽ chỉ có thể đạt mức 75-80% trước khi mùa đông đến.

“Kết quả là, nhiều khả năng châu Âu sẽ đi qua mùa đông với chỉ khoảng 20% lượng khí đốt còn lại trong kho vào cuối tháng 3, một con số rất thấp”, bà Kateryna Filippenko, nhà phân tích tại Wood Mackenzie cho biết.

Một mùa đông lạnh giá sẽ còn khiến tình hình tồi tệ hơn, đặc biệt khi thời tiết tại châu Á cũng khắc nghiệt, khiến nhu cầu về khí hóa lỏng trên toàn cầu tăng mạnh.

Nga liệu có cắt giảm thêm?

Dòng chảy khí đốt qua những đường ống khác, ví dụ như quá cảnh qua Ukraine, cũng đã sụt giảm kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự. Ngoài Đức, Áo và nhiều nước tại Trung Âu, Đông Âu cũng là khách hành lớn của khí đốt Nga.

Trước khi giảm lượng khí đốt tới Đức qua đường ống Nord Stream 1, Nga cũng đã cắt dòng chảy tới Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, các doanh nghiệp Gasterra và Shell của Hà Lan sau khi họ từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

 

Các nhà phân tích và chính trị gia cho rằng Nga sẽ rất dễ dàng tìm ra lý do để tiếp tục siết nguồn cung khí đốt.

"Câu hỏi quan trọng là liệu Nga có muốn gia tăng áp lực ngay bây giờ và làm trật bánh kế hoạch bổ sung nguồn cung của châu Âu, hay liệu Moscow muốn để dành đến cuối năm", hai nhà nghiên cứu Ben Cahill và Isabelle Huber của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết.

Bà Karolina Siemieniuk, nhà phân tích của công ty tư vấn Rystad Energy, cho biết: “Toàn bộ hệ thống năng lượng của châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng, và ngay cả khi Nord Stream 1 được khởi động lại, khu vực này cũng đang ở trong tình thế khó khăn”.

"Các nước châu Âu sẽ cần phải nhanh chóng làm việc cùng nhau nếu họ muốn sống sót qua mùa đông một cách tương đối bình yên. Và ngay cả khi thành công, nguy cơ mùa đông tiếp theo vào năm 2023/24 có khả năng khiến giá cả tăng cao trong nhiều tháng", bà nói. 

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.