|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tổng thống Putin tới thăm Iran: Dấu hiệu tuyệt vọng hay đem lại thành công lớn?

17:28 | 22/07/2022
Chia sẻ
Chuyến công du gần đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga đặt chân đến một quốc gia ngoài Liên bang Xô Viết cũ kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra. Mặc dù đạt được một số thỏa thuận quan trọng, nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng chuyến thăm lại đang thể hiện sự "tuyệt vọng" của Moscow.

Mục đích chuyến đi

Chỉ vài ngày sau chuyến công du của Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Vladimir Putin cũng đã tới Trung Đông. Với Washington, chuyến thăm Trung Đông có mục đích nhằm củng cố quan hệ với đồng minh và mong muốn Arab Saudi bơm thêm dầu, giúp hạ giá nhiên liệu đang cao chót vót.

Nếu chỉ bàn về mục đích hạ giá nhiên liệu, chuyến thăm của Tổng thống Biden có thể bị coi là một thất bại bởi Arab Saudi vẫn khẳng định không thể nâng công suất, và giá dầu thô thậm chí còn tăng lên sau khi ông về nước.

Theo CNBC, tương tự như Mỹ, Tổng thống Putin nhiều khả năng muốn thể hiện rằng Moscow vẫn quan trọng với Trung Đông. Ông John Drennan, cán bộ cao cấp tại Trung tâm Nga và châu Âu của Viện Hòa bình Mỹ cho biết, chuyến thăm của ông Putin “thể hiện một chút tuyệt vọng”.

Ông Drennan cho biết, mục đích chuyến thăm là để có cơ hội thảo luận với các lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về quá trình hòa bình tại Syria. 

Tổng thống Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ebrahim Raisi hôm 19/7. (Ảnh: Sputnik).

Tuy nhiên, Giáo sư Alexander Azadgan tại Đại học Saddleback lại cho rằng chuyến đi Iran của Tổng thống Putin “rất hiệu quả” trong nhiều vấn đề, từ thương mại cho tới an ninh và hơn thế nữa.

Vào hôm 19/7, Tổng thống Putin đã gặp mặt với Tổng thống Ebrahim Raisi và Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei. “Chúng ta đang tăng cường hợp tác trong vấn đề an ninh và đóng góp vào tiến trình hòa bình cho xung đột tại Syria”. Tổng thống Putin nói.

Nhưng theo ông Drennan, “Nga sẽ dùng cuộc gặp mặt này để thể hiện rằng họ không bị cô lập và vẫn có tầm ảnh hưởng tại Trung Đông”.

“Nhưng tôi nghĩ rằng Nga có phần tuyệt vọng khi phải tìm đến quân đội Iran để nhận được hỗ trợ quân sự”, ông nói thêm. Trước đó, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố rằng chuyến thăm cho thấy “Tổng thống Putin và Nga ngày càng bị cô lập và phải tìm đến sự trợ giúp của Iran”.

Máy bay không người lái

Nhà Trắng tuyên bố các quan chức Nga đã xem xét về những loại máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí của Iran mà Moscow có thể muốn mua để dùng cho cuộc xung đột Ukraine.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 20/7, Giám đốc CIA William Burns cho biết việc Moscow quan tâm tới máy bay không người lái của Iran thể hiện “sự thiếu sót của ngành quốc phòng và những khó khăn mà Nga gặp phải trong xung đột Ukraine cũng như bù đắp kho vũ khí”.

“Hiện Nga và Iran đang cần nhau. Cả hai quốc gia đều bị trừng phạt và mong muốn thoát khỏi sự cô lập chính trị”, Giám đốc CIA nói thêm. 

Một căn cứ máy bay không người lái dưới lòng đất của Iran. (Ảnh: Quân đội Iran).

Theo Gridnews, thông thường, Iran là khách hàng mua vũ khí của Nga chứ không phải chiều ngược lại. Trong những năm vừa qua, Tehran đã mua hệ thống phòng không S-300, tàu ngầm lớp Kilo và hàng loạt xe tăng, trực thăng, xe bọc thép …

Tuy nhiên theo RT, khi được hỏi về vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian khẳng định rằng Tehran sẽ không hỗ trợ bất cứ bên nào và xung đột “phải được chấm dứt”.

Năng lượng và thương mại

Giám đốc Burns cho biết Nga và Iran muốn giúp nhau tránh các lệnh trừng phạt, nhưng sẽ có giới hạn về sự hợp tác. Ông chỉ ra rằng, Tehran và Moscow không tin tưởng nhau bởi họ là từng là đối thủ trong quá khứ cũng như về vấn đề năng lượng.

Cuộc cạnh tranh liên quan tới năng lượng là vấn đề khiến hai nước không thể hợp tác sâu hơn, ông Drennan cho biết. Kể từ khi xung đột diễn ra, Nga đã bán dầu ở mức chiết khấu cao, và tới những khách hàng truyền thống của Iran tại châu Á như Trung Quốc.

Trong khu vực, Iran là đồng minh của Qatar và cả hai đã tham gia vào thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc vào năm 2021. Đồng thời, Tehran có đối thủ là Arab Saudi, quan hệ không mấy mặn mà với UAE và Bahrain. 

Iran và Nga là hai quốc gia đứng đầu về lượng khí đốt dự trữ. 

Tuy nhiên, theo trang thông tấn TASS, công ty Dầu khí Quốc gia của Iran và Gazprom của Nga đã ký kết một thỏa thuận sơ bộ về hợp tác khai thác khí đốt với trị giá lên tới 40 tỷ USD. Mỏ South Pars nằm ngoài khơi Iran là một trong những khu vực có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, tuy nhiên Tehran thiếu công nghệ để khai thác.

Theo RT, sàn giao dịch ngoại tệ của Iran cũng bắt đầu trao đổi cặp ngoại tệ rial-ruble. Moscow tuyên bố sẽ dần giảm sử dụng USD trong các giao dịch với Iran. Thương mại song phương đã tăng 31% trong 4 tháng đầu năm.

Vấn đề an ninh

RT cho biết, chuyến thăm tới Iran của Tổng thống Nga còn có sự gắp mặt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tổng thống Putin nói với các phóng viên tại Tehran rằng ông và người đồng cấp đã bàn luận về sự hợp tác giữa hai nước nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine đến thị trường quốc tế.

Ông Putin tuyên bố khá hài lòng với kết quả thảo luận và cảm ơn công sức đóng góp của Tổng thống Erdogan cho vấn đề an ninh lương thực. Ngày 21/7, phía Ukraine đã có những thông báo bước đầu cho thấy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen có thể được sớm nối lại.

Tại hội nghị giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng ba nước đã cam kết sẽ có những biện pháp nhằm giải quyết khủng hoảng tại Syria.

Ba quốc gia đảm bảo cho Tiến trình Astana cũng nhất trí rằng Mỹ nên rời khỏi vùng đất bị chiếm giữ bất hợp pháp ở khu vực xuyên sông Euphrates, và ngừng làm cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria trở nên tồi tệ hơn bằng các lệnh trừng phạt đơn phương. 

Minh Quang

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.