|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Iran muốn vào nhóm BRICS cùng Nga, Trung Quốc khi sắp đàm phán cùng Mỹ

12:33 | 28/06/2022
Chia sẻ
Trong khi chuẩn bị quay lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân, Iran cũng đồng thời nộp đơn xin gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi BRICS, đứng đầu bởi Nga và Trung Quốc, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế.

Nộp đơn gia nhập BRICS

Reuters dẫn lời một quan chức Tehran cho biết, vào ngày 27/6, Iran đã nộp đơn xin gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi BRICS.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết tư cách thành viên của Iran trong nhóm BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, "sẽ mang lại giá trị gia tăng cho cả hai bên".

Theo hãng tin Tasnim, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết BRICS không phải là một khối hiệp ước, nhưng có “cơ chế rất sáng tạo với các khía cạnh rộng lớn”. Ông nói thêm rằng Tehran đã có "một loạt cuộc tham vấn" với BRICS về vấn đề gia nhập.

Ông Khatibzadeh cho biết tư cách thành viên của Iran sẽ “tăng thêm giá trị” cho tất cả những bên tham gia, đồng thời lưu ý rằng các thành viên BRICS chiếm tới 30% GDP và 40% dân số toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết riêng rằng Argentina cũng đã nộp đơn xin gia nhập nhóm. Các quan chức Argentina chưa đưa ra bình luận về tuyên bố trên.

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, hiện đang ở châu Âu, trong những ngày gần đây đã nhắc lại mong muốn Argentina gia nhập BRICS.

Bà Zakharova viết trên Telegram: “Trong khi Nhà Trắng đang tìm thứ thể chặn, cấm hoặc phá hỏng, Argentina và Iran đã nộp đơn xin gia nhập BRICS”.

GDP của Iran và Argentina thấp hơn đa số các thành viên của BRICS.

Iran chuẩn bị đàm phán hạt nhân

Trước đó vào hôm 25/6, The Guardian dẫn lời ông Josep Borrell, Giám đốc đối ngoại EU, cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ sớm được khởi động lại.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại Tehran, ông Borrell tuyên bố phá vỡ thế bế tắc khiến các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân bị đình trệ kể từ tháng 3. 

Borrell không đưa ra chi tiết về ngày chính xác nối lại các cuộc đàm phán hoặc định dạng chính xác, nhưng cho biết quá trình này có sự đồng ý của Iran và Mỹ. Ông cũng đã gặp Giám đốc An ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani.

Các cuộc đàm phán trước đó mặc dù đã giải quyết hầu hết các khía cạnh của việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, nhưng vẫn đổ vỡ do Tổng thống Joe Biden không chấp nhận yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lên Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Tại cuộc họp báo chung ở Tehran, ông Amir-Abdollahian cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán tại Vienna trong những ngày tới”.

Ông bày tỏ hy vọng rằng "lần này" Mỹ sẽ theo đuổi một "cách tiếp cận thực tế và công bằng" và mang lại cho Iran lợi ích kinh tế đầy đủ từ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay còn gọi là Chương trình Hành động Toàn diện chung (JCPoA). 

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt "các biện pháp trừng phạt kinh tế ở mức cao nhất" đối với Iran và rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận.

Ngoại trưởng Iran tuyên bố đã tổ chức các cuộc đàm phán "chi tiết, chính xác và sâu sắc" với ông Borrell về các cuộc đàm phán phục hồi JCPoA. Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán tại Vienna và chấm dứt căng thẳng tồn tại trong những ngày gần đây."

Nhiều nhà quan sát khu vực vẫn còn nghi ngờ rằng một thỏa thuận sẽ đạt được, nhưng cuộc xung đột Ukraine đã không ủng hộ nền kinh tế Iran vì Nga đã chào bán dầu của mình cho Trung Quốc với giá chiết khấu, khiến Tehran bị loại khỏi các thị trường quan trọng. 

Theo ông Hamid Hosseini, chủ tịch Liên minh các nhà xuất khẩu dầu khí tại Iran, xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc đã giảm 34% vào tháng 5.

Minh Quang