|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Liệu thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể hạ nhiệt thị trường dầu thô?

20:16 | 21/08/2022
Chia sẻ
Hàng triệu thùng dầu thô từ Iran có thể là cứu cánh cho thị trường năng lượng trong ngắn hạn, tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo về thách thức trong việc đàm phán cũng như triển vọng dài hạn.

Theo Nikkei Asia, nỗ lực cuối cùng của châu Âu nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của Iran đã làm dấy lên suy đoán rằng hàng triệu thùng dầu có thể sắp chảy vào thị trường quốc tế.

Tuần này, Tehran vừa phản hồi lại một đề xuất “cuối cùng” nhằm khởi động lại hiệp định năm 2015. Được xem như cơ hội cuối cùng để níu giữ thỏa thuận, kế hoạch này đề xuất hạn chế hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt, bao gồm cả xuất khẩu dầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu một thỏa thuận như vậy thành hiện thực, Tehran có thể tăng công suất trong vòng vài tháng, nâng nguồn cung lên thêm hàng trăm nghìn thùng/ngày. 

Triển vọng về thỏa thuận hạt nhân là một trong những lý do giữ giá dầu Brent dưới 100 USD/thùng trong tháng này.

 

Các nhà phân tích cho rằng lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/12, đã kiến khối này có thêm động lực để đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, ngay cả khi phía Washington không còn quá thiết tha.

"Khi giá [dầu WTI] ở mức 100 USD, việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran là một chiến thắng về trung hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả năng lượng và an ninh hiện tại, thỏa thuận này không còn quá hấp dẫn nữa", bà Helima Croft, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại RBC Capital Markets cho biết. 

"Trong khi đó, châu Âu có nhiều động lực để đạt được thỏa thuận hơn do nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khi các lệnh trừng phạt dầu thô của Nga có hiệu lực vào tháng 12”, bà nói.

Bà cho biết thêm rằng lệnh trừng phạt dự kiến có hiệu lực ngày 5/12, cùng lệnh cấm tự nguyện của Đức và Ba Lan đối với nhập khẩu đường ống, sẽ ảnh hưởng tới 2 triệu thùng dầu/ngày của Nga.

Bà Vandana Hari, Giám đốc điều hành của Vanda Insights, cũng chia sẻ quan điểm tương tự: "EU đang thiếu các lựa chọn thay thế nếu thực thi lệnh cấm với tất cả hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển sau ngày 5/12”.

“Đây chính là lý do giải thích tại sao EU tích cực làm trung gian giữa Iran và Mỹ trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân", bà Hari nói với Nikkei Asia. "Thêm 1 triệu thùng/ngày hoặc nhiều hơn sẽ là một sự cứu trợ đáng hoan ngênh cho khối”.

“Nhưng nếu thỏa thuận hạt nhân không được thông qua, EU có thể phải xem xét việc trì hoãn lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, hoặc chấp nhận nhập thêm các sản phẩm tinh chế từ nước ngoài, với thành phần có thể bao gồm dầu của Moscow”, bà nói.

Khó có thể hạ nhiệt thị trường

Những người khác cảnh báo rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran khó có thể mang lại nhiều sự cứu trợ cho các nhà nhập khẩu đang khát dầu.

"Cần lưu ý rằng không quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu", ông Umud Shokri, cố vấn chính sách đối ngoại và chiến lược gia năng lượng tại Gulf State Analytics cho biết. 

 

"Nếu thỏa thuận hạt nhân được hồi sinh, việc dầu Iran quay trở lại sẽ chỉ có tác dụng tạm thời, vì một phần nhiên liệu của Iran đã có sẵn trên thị trường", ông nói. Mặc dù chịu các lệnh trừng phạt, Iran vẫn bán dầu cho những người mua như Trung Quốc, Ấn Độ.

Ông Shokri cho biết còn một lý do khác để không đặt quá nhiều kỳ vọng: "Chúng ta không nên quên rằng quan hệ giữa Tehran và Moscow đang tốt đẹp và Iran không muốn thách thức Nga trên thị trường năng lượng."

Bà Croft cho rằng một bước đột phá về thỏa thuận hạt nhân là khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Tuy nhiên, những chuyên gia khác cho rằng nếu thỏa thuận thành hiện thực, ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu.

"Iran có thể tăng sản lượng lên tới 900.000 thùng/ngày trong vòng 3 tháng kể từ khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng và có khả năng bơm gần hết công suất khoảng 3,7 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng", ông Iman Nasseri, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn năng lượng FGE nói.

Với nhu cầu nhiên liệu phục hồi từ đại dịch, nhiều quốc gia từ chối nguồn cung của Nga và hầu hết các thành viên OPEC + đang vật lộn để tăng sản lượng, người mua sẽ rất hoan nghênh dòng chảy năng lượng bổ sung của Iran.

Minh Quang