Giá thép hôm nay 29/3: Giảm trong phiên nhưng vẫn giữ xu hướng tăng tuần qua
Giá sắt thép thế giới
Kết thúc phiên giao dịch 28/3, giá thép thanh kỳ hạn tháng 5 trên Sở Giao dịch Thượng Hải (SHFE) giảm 0,44% (14 nhân dân tệ) về mức 3.192 nhân dân tệ/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt tháng 5 trên Sàn Đại Liên (DCE) giảm 0,3% (2,5 nhân dân tệ) về mức 784,5 nhân dân tệ/tấn. Giá quặng sắt trên Sàn Singapore giảm 0,03 USD về mức 102,2 USD/tấn. Tuy nhiên, so với cuối tuần trước, giá thép trên Sàn Thượng Hải, Đại Liên và Singapore đều tăng lần lượt 0,8%, 3% và 3,4%.

Giá thép thanh kỳ hạn tháng 5 trên Sàn SHFE. Nguồn: Barchart
Giá thép cuộn cán nóng đang đối mặt với diễn biến trái chiều ở nhiều nơi. Tại Trung Quốc, giá thép cuộn cán nóng tăng 5 USD/tấn trong tuần từ 14-21/3, lên mức 480 USD/tấn FOB. Tính từ đầu tháng 3, giá đã tăng tổng cộng 10 USD/tấn. Đà tăng này chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa khởi sắc và tình hình xuất khẩu cải thiện.
Tại Ấn Độ, giá thép cuộn cán nóng cũng tăng mạnh 72,5 USD/tấn, đạt 567,5 USD/tấn FOB trong nửa đầu tháng 3. Trước đó, giá chỉ ở mức 495 USD/tấn FOB. Nhu cầu trong nước tăng cao, đặc biệt là từ ngành ô tô đã tạo động lực chính đẩy giá thép đi lên. Trong tháng 1, doanh số bán ô tô tại Ấn Độ đạt 3,99 triệu xe, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Sang tháng 2, con số này tiếp tục tăng 1,9%, đạt 3,78 triệu xe.
Ngoài ra, thị trường thép Ấn Độ còn bị ảnh hưởng bởi đề xuất áp thuế bảo hộ 12% đối với tất cả các loại thép cuộn cán phẳng hôm 23/3. Hiện tại, Bộ Tài chính Ấn Độ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng thị trường kỳ vọng đề xuất này sẽ được thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất trong nước.
Tại Mỹ, giá thép cuộn cán nóng trong tuần từ 14-21/3 giữ nguyên ở mức 975 USD/tấn EXW. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay, giá đã tăng tổng cộng 125 USD/tấn. Việc chính phủ Mỹ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm kim loại nhập khẩu từ ngày 4/3 đã giúp các nhà sản xuất trong nước nâng giá bán mà không lo ngại sự cạnh tranh từ nước ngoài. Dù vậy, đà tăng giá hiện đã chững lại.
Nhu cầu trên thị trường Mỹ vẫn khá ổn định. Theo các nhà phân phối thép, các đơn hàng cho tháng 4 đã được lấp đầy, và hiện các nhà máy chỉ nhận đơn hàng mới cho tháng 5.
Trong khi đó, tại Nam Âu, giá thép cuộn cán nóng giảm nhẹ 5 EUR/tấn, xuống mức 540 EUR/tấn CIF trong tuần từ 14-21/3. Trước đó, giá duy trì ổn định ở mức 545 EUR/tấn CIF trong nửa đầu tháng 3. Nguyên nhân chính là lượng tồn kho tại các nhà máy và doanh nghiệp vẫn còn cao. Một nhà máy cán lại thép cho biết với lượng hàng hiện có, họ có thể duy trì hoạt động trong vòng 5 tháng mà không cần nhập thêm.
Nguồn cung từ các nước ngoài EU cũng tạo áp lực giảm giá. Hiện tại, Indonesia và Malaysia chào bán thép vào thị trường Ý với giá dao động từ 530-550 EUR/tấn CFR, thậm chí có mức giá thấp nhất từ Indonesia chỉ 510 EUR/tấn CFR.
Dự báo, trong năm tài chính 2025-2026 (bắt đầu từ 1/4/2025), nhập khẩu thép của Ấn Độ có thể giảm tới 50% nếu chính phủ thông qua mức thuế bảo hộ 12% trong vòng 200 ngày. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể lợi nhuận của các nhà sản xuất thép trong nước, theo đánh giá từ Tổ chức xếp hạng tín dụng ICRA.
Cập nhật giá thép xây dựng trong nước
Ngày 24/3, giá thép xây dựng tại các doanh nghiệp diễn biến trái chiều. Cụ thể, giá thép CB240 của Hòa Phát ghi nhận 13.530đ/kg, nhích 50đ so với mức giá 13.480đ/kg, trong khi thép CB300 bình ổn ở mức 13.580đ/kg.
Ở các doanh nghiệp thép Việt Sing, giá thép CB240 dao động giảm từ 13.430đ/kg về mức 13.330đ/kg, trong khi thép D10 CB300 giảm từ 13.640đ/kg về mức 13.530đ/kg.

Giá thép ghi nhận tới ngày 29/3/2025. Nguồn: SteelOnline