|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Truyền thông Nga tố phương Tây gây ra khủng hoảng lương thực rồi đổ lỗi cho Nga

16:34 | 27/06/2022
Chia sẻ
Theo phía Nga, những hành động của phương Tây như đổ lỗi cho Moscow, im lặng trước nỗ lực xây dựng hành lang trên biển và trừng phạt hàng hóa Nga đang khiến khủng hoảng lượng thực ngày càng trầm trọng.

Lập luận của phương Tây

Tờ báo Telegraph của Anh dẫn lời các quan chức phương Tây cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga có thể gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu kéo dài hai năm ngay cả khi tình trạng bế tắc được giải quyết ngay lập tức. 

Tờ báo nhấn mạnh rằng lượng ngũ cốc bị "mắc kẹt" ở Ukraine là giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt, nhưng lại im lặng khi các lệnh trừng phạt của phương Tây làm tê liệt nguồn cung lương thực thậm chí còn lớn hơn của Nga tới các nước thế giới thứ ba.

"Cuộc khủng hoảng ngũ cốc hiện nay rất khẩn cấp và cần được giải quyết ngay trong vòng tháng tới nếu không sẽ gây ra hậu quả tàn khốc”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố hôm 23/6.

Cuộc xung đột đang diễn ra đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, "khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao đến mức kỷ lục", tờTelegraph tuyên bố. 

Cụ thể, giá lúa mì đã tăng lên mức trung bình 56,2% vào tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Giá lúa mì đạt mức kỷ lục sau chiến dịch quân sự của Nga.

Các quan chức Anh cho biết những nỗ lực hiện nay trong việc vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ và đường sắt “thấp hơn nhiều” so với yêu cầu cần thiết.

Những quan chức này cũng khẳng định rằng hàng hóa phải được vận chuyển bằng đường biển và tố cáo Nga phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine. Theo Thủ tướng Anh Boris Johnson, Moscow đang cố gắng “tống tiền” cả thế giới.

Tờ Telegraph cũng trích dẫn “những thông tin tình báo mới được giải mật của Mỹ” khẳng định rằng Hải quân Nga “được lệnh rải thủy lôi” gần cảng Odessa và Ochakov cũng như sông Dnieper “nhằm phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine”.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh đang giúp Ukraine “về mặt kỹ thuật để phá thủy lôi tại Odessa”.

Im lặng trước hành lang trên biển của Nga

Theo tờ Sputnik, phía Nga phản bác những cáo buộc của Mỹ và Anh, đồng thời nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine đã tự đặt thủy lôi tại các bến cảng trong quá trình rút lui.

Hơn nữa, Moscow cho rằng Ukraine tiếp tục phá hoại những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhằm rà phá thủy lôi tại cảng và đảm bảo một hành lang an toàn cho tàu thuyền.

Vào hôm 2/6, Đại diện tại Liên Hợp Quốc của Nga, ông Vasily Nebenzya khẳng định rằng Nga đã sẵn sàng cung cấp một hành lang an toàn cho tàu thuyền của Ukraine mang theo 20 triệu tấn ngũ cốc nếu Kiev giải quyết vấn đề thủy lôi xung quanh cách cảng của mình.

Cuối tháng 5, Bộ Quốc phòng tuyên bố Hải quân Nga đã tạo ra một khu vực an toàn tại Biển Đen và Biển Azov cho tàu thuyền rời đi. Hành lang này có chiều dài 224 km và rộng 4,8 km, hoạt động hàng ngày từ 8h sáng tới 7h tối tại Biển Đen cho các tàu tại cảng Kherson, Nikolaev, Chernomorsk, Ochakov, Odessa và Yuzhny.

Thế nhưng, theo Bộ Quốc phòng Nga, Kiev vẫn “tránh tương tác với các đại diện của nước ngoài và doanh nghiệp vận tải nhằm giải quyết vấn đề đảm bảo hành lang an toàn cho các con tàu đang bị kẹt lại”.

Romania đang phá thủy lôi trôi dạt vào bờ biển nước này vào cuối tháng 3. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Romania).

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia cùng Nga rà phá thủy lôi tại Biển Đen và cung cấp hành lang an toàn cho tàu thuyền, cũng lặp lại những quan ngại của Moscow.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu tuyên bố rằng hai trở ngại lớn nhất với xuất khẩu ngũ cốc là thủy lôi được đặt tại cảng Odessa bởi Quân đội Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây lên các tàu của Nga về vấn đề bảo hiểm và cung cấp dịch vụ tại các cảng quốc tế.

Ukraine đã được đánh giá quá cao?

Theo Sputnik, báo chí phương Tây đang né tránh thảo luận về việc các lệnh trừng phạt chống lại Nga trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, giao thông vận tải và các mặt hàng nông sản quan trọng đã tác động ngược trở lại thị trường lương thực toàn cầu khiến giá tăng cao như thế nào.

Tổng thống Senegal và người đứng đầu Liên minh châu Phi Macky Sall đã đưa ra báo động hồi đầu tháng về việc các biện pháp trừng phạt của phương Tây ngăn cản xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga sang châu Phi.

"Các biện pháp trừng phạt đối với Nga đã làm tình hình trở nên trầm trọng hơn việc cung cấp ngũ cốc và phân bón cho các nước châu Phi. Việc chúng tôi không thể tiếp cận những mặt hàng này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực trên lục địa", ông Sall cảnh báo hôm 3/6 trong chuyến thăm chính thức tới Nga.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Nga và Ukraine chiếm khoảng gần 30% xuất khẩu lượng thực toàn cầu. Vào năm 2021, Moscow xuất khẩu khoảng 32 triệu tấn lúa mì, trong khi Ukraine là 20 triệu tấn. 

Nga xuất khẩu lượng lúa mì gấp đôi Ukraine nhưng đang bị các biện pháp trừng phạt của phương Tây cảng trở.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6 với kênh Rossiya-1 rằng vai trò của Ukraine như một nhà xuất khẩu hàng hóa thực phẩm được phương Tây cố tình đánh giá quá cao.

"Thế giới sản xuất khoảng 800 triệu tấn ngũ cốc và lúa mì mỗi năm.Chúng tôi được biết Ukraine đã sẵn sàng xuất khẩu 20 triệu tấn lúa mì. 20 triệu tấn so với 800 triệu tấn mà thế giới sản xuất chỉ là 2,5%".

“Nhưng thực tế lúa mì chỉ chiếm 20% tổng nguồn cung lương thực (và đây là số liệu của Liên Hợp Quốc), có nghĩa là 20 triệu tấn lúa mì của Ukraine này chiếm 0,5 % tổng lượng ngũ cốc toàn cầu", Tổng thống Nga phát biểu trên đài truyền hình.

Ông Putin cũng bác bỏ những tuyên bố cho rằng Nga đang cố gắng ngăn cản việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và gọi những cáo buộc trên là “giả dối”. Tổng thống Nga khẳng định rằng không có bất cứ trở ngại nào cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Ông khẳng định rằng tàu chở lúa mì có thể vào các cảng Biển Đen bất cứ lúc nào nếu Kiev loại bỏ thủy lôi. Giá lúa mì trên toàn cầu đã giảm 10% sau khi Tổng thống Putin ra dấu hiệu sẵn sàng đảm bảo vận tải ngũ cốc từ cảng Ukraine.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.