|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Putin hứa hẹn giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu, nông nghiệp của Nga mạnh đến đâu?

17:39 | 27/05/2022
Chia sẻ
Tuyên bố của Nga về khả năng "đóng góp đáng kể" vào việc khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực là hoàn toàn có cơ sở bởi Moscow là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Đứng đầu chuỗi cung ứng lương thực

Theo SCMP, vào ngày 26/5, Tổng thống Vladimir Putin nói với Thủ tướng Italy Mario Draghi rằng Moscow “sẵn sàng đóng góp đáng kể vào việc khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện phương Tây phải dỡ bỏ những lệnh trừng phạt có động cơ chính trị”.

Cuộc xung đột đã ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bằng đường biển, cắt đứt nguồn cung thiết yếu cho các nước từ Somalia đến Ai Cập. 

Sự gián đoạn, cùng với thời tiết nắng nóng và hạn hán đang ảnh hưởng đến cây lúa mì ở các khu vực khác trên thế giới, đã đẩy giá ngũ cốc lên mức cao gần kỷ lục và đe dọa nạn đói ở các khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Nga đã tiếp tục xuất khẩu lúa mì với giá cao hơn, tìm được những người mua có thiện chí và thu được nhiều doanh thu hơn trên mỗi tấn. Moscow cũng đang kỳ vọng một vụ lúa mì bội thu, và tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc chuỗi cung ứng lương thực bị đảo lộn.

Giá lúa mì toàn cầu tăng hơn 50% trong năm nay và Điện Kremlin đã thu được 1,9 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu lúa mì trong mùa này, theo ước tính từ nhà tư vấn nông nghiệp SovEcon.

Nga từ chỗ phải nhập khẩu lúa mì đã trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. 

Theo Al Jazeera, vào đầu những năm 1980, ngô và lúa mì chiếm khoảng 2/3 xuất khẩu của Mỹ sang Liên Xô. Vào năm 1985, Liên Xô phải nhập khẩu 55 triệu tấn lúa mì.

Thế nhưng giờ đây, Nga đã trở thành nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Vào năm 2001, lúa mì của Moscow chỉ chiếm 1% tổng xuất khẩu toàn cầu. 17 năm sau, con số đó là 26,4%.

Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 thế giới, chiếm 7% doanh thu trên toàn cầu vào năm 2019. Được coi là giỏ bánh mì của châu Âu, 71% đất đai của Ukraine là đất nông nghiệp. Đây cũng là quê hương của 1/4 “đất đen” hay còn gọi là chernozem trên thế giới, có độ phì nhiêu cao.

Nga đứng thứ nhất, Ukraine đứng thứ 5 về xuất khẩu lúa mì.

Thông thường khi không có xung đột, Kiev đã vận chuyển hàng triệu tấn ngũ cốc mỗi năm qua Biển Đen, thu về khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội từ lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. 

Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngô và dầu thực vật, nhưng cuộc xung đột và phong tỏa các cảng biển đã chặn đứng dòng chảy lương thực. Đa số các cảng biển giờ đây đều có thủy lôi, gây nguy hiểm cho tàu thuyền.

Chủ tịch Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết có khoảng 25 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đang được trữ trong kho và 25 triệu tấn có thể được thu hoạch trong tháng tới.

Loại bỏ đối thủ cạnh tranh

Theo Bloomberg, mặc dù gặp phải một số vấn đề ngắn hạn ngay sau khi tấn công Ukraine, giờ đây Moscow đang xuất khẩu nông sản với tốc độ thậm chí còn cao hơn năm ngoái. Các nhà xuất nhập khẩu như Viterra hay Cargill vẫn nhận hàng hóa từ Nga.

Theo AgFlow, Nga hiện nay còn bán cho Israel, quốc gia từng là khách hàng thân thiết của Ukraine. Tính đến tuần này, lượng lúa mì xuất khẩu trong vụ mùa 2021-2022 đã đạt 34,1 triệu tấn, giảm 11% so với năm ngoái, theo dữ liệu từ Interfax.

Ông Hugo Boudet, nhà phân tích của AgFlow, cho biết Nga đã loại bỏ đối thủ cạnh tranh chính là Ukraine. Ông lưu ý rằng từ ngày 1/4 đến ngày 23/5, Nga đã tăng đáng kể các chuyến hàng ngũ cốc tới các nước bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Iran so với năm ngoái.

“Ukraine là từng là đối thủ chính”, ông nói. “Nga có lợi thế lớn trong khu vực này bởi có ít đối thủ hơn”. Vụ mùa 2022 tại Trung Đông và Bắc Phi không có kết quả tốt.

“Rất nhiều người nói về việc cấm hàng hóa từ Nga, nhưng sự thật là những quốc gia nhập khẩu không hề có động thái trực tiếp nào với lương thực từ Moscow”, ông nói.

Các khách hàng truyền thống của Ukraine sẽ phải chuyển sang Nga.

Xu hướng hiện tại nhiều khả năng sẽ tiếp diễn trong tương lai. Nông dân Ukraine đang gieo hạt dưới bom đạn, thiếu thốn từ hạt giống cho tới nhiên liệu cho máy móc nông nghiệp.

Nga kỳ vọng sẽ có một vụ mùa bội thu kỷ lục nhờ vào thời tiết thuận lợi. Ngược lại, những nhà xuất khẩu lúa mì lớn như Mỹ và Tây Âu đang đối mặt với những đợt hạn hán đe dọa mùa màng. Nga cũng đang thống trị hoạt động xuất khẩu dầu hướng dương sau khi đường biển của Ukraine bị chặn.

Ông Tim Benton, Giám đốc nghiên cứu về các rủi ro mới nổi tại Chatham House cho biết: “Nga đã có được sức ảnh hưởng về chính trị và kinh tế trong lĩnh vực lương thực”.

“Trong vài năm tới, Nga có thể nói với đối tác rằng chúng tôi trồng nhiều ngũ cốc, chúng tôi có thể cho bạn để đổi lại sự ủng hộ”, ông nói.

Những vùng trồng nhiều lương thực của Ukraine đang bị Nga kiểm soát hoặc thường xuyên bị tấn công.

Tìm lối thoát cho lượng thực

Các quốc gia châu Âu đã cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua việc vận chuyển ngũ cốc bằng đường sắt. Tuy nhiên, các toa tàu chỉ có thể chở lượng hàng nhỏ so với những gì mà Ukraine sản xuất. 

Đường thủy là cần thiết để vận chuyển những mặt hàng có khối lượng lớn như ngũ cốc. Tổng lượng xuất khẩu qua đường bộ của Ukraine chỉ đạt được 1/4 so với mức thông thường.

Bộ Quốc phòng Nga đã đề xuất một hành lang, cho phép tàu thuyền nước ngoài rời khỏi các cảng dọc biển đen và Mariupol tại Biển Azov.

Ông Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia của Nga cho biết 70 tàu nước ngoài từ 16 quốc gia đang neo đậu tại 6 cảng tại Biển Đen bao gồm Odessa, Kherson và Mykolayiv. Ông không cho biết bao nhiêu tàu trong số đó có thể vận chuyển lương thực.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba tuyên bố Kiev sẵn sàng đồng ý về vấn đề hành lang an toàn về mặt nguyên tắc, nhưng không chắc rằng Ukraine có thể tin tưởng được Nga "sẽ không vi phạm thỏa ước và tàu chiến sẽ không lén đi vào cảng để tấn công Odessa".

“Pháo binh Nga đang cố tình bắn phá các kho ngũ cốc trên khắp Ukraine và các tàu chiến Nga ở Biển Đen đang chặn các tàu Ukraine chở đầy lúa mì và hạt hướng dương”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết. Bà tố cáo hành động của Nga là "sự tống tiền".

Chi phí bảo hiểm và vận chuyển ngũ cốc của Nga đã tăng vọt sau cuộc xung đột do các lệnh trừng phạt và rủi ro đã khi lưu thông tại khu vực Biển Đen, nơi một số tàu bị trúng đạn vào giai đoạn đầu cuộc chiến. 

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.