|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc nuôi sống tỷ dân thế nào khi giá lương thực phi mã?

08:19 | 23/05/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá lương thực tăng đột biến vì hạn hán, lũ lụt và chiến sự tại Ukraine, giới chuyên gia hoài nghi Trung Quốc sẽ nuôi sống tỷ dân của mình ra sao.

Các nhân viên hải quan Trung Quốc kiểm tra đậu nành nhập khẩu từ Brazil tại cảng Nam Thông hồi đầu tháng 5. (Ảnh: Getty Images). 

Từ lâu, Trung Quốc đã luôn bị ám ảnh về việc phải đảm bảo đủ lương thực cho người dân. Lý do của Trung Quốc rất chính đáng: nước này chiếm gần một phần năm dân số thế giới, nhưng đất canh tác lại rất hạn chế và các thách thức từ biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Do đó, Bắc Kinh đã khuyến khích nông dân gia tăng mùa màng, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng không nên hoang phí. Chưa kể, Bắc Kinh còn xây dựng các kho dự trữ khổng lồ để đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhân giống mới để nâng sản lượng.

Song, Trung Quốc vẫn mua tới 60% lượng đậu nành được giao dịch trên thị trường quốc tế, và được xếp hạng là nhà nhập khẩu ngô cùng lúa mạch lớn nhất thế giới. Gần đây, Trung Quốc còn nổi lên như một trong những nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu.

Điều đó khiến chi phí lương thực và nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu trở thành vấn đề rất đáng lưu tâm của chính quyền Bắc Kinh. Bloomberg đã điểm qua một số thách thức về an ninh lương thực mà Trung Quốc đang phải đối mặt, cụ thể gồm:

Đậu nành, dầu ăn

Mức tiêu thụ đậu nành của Trung Quốc gần như tương đương toàn bộ vụ thu hoạch của Mỹ nên đất nước tỷ dân phải nhập khẩu khoảng 85% nhu cầu. Đậu nành được ép thành dầu ăn, chế biến thành các thực phẩm khác cũng như để làm thức ăn cho đàn heo lớn nhất thế giới.

Giá đậu nành quốc tế đã tăng gấp hai lần trong hai năm qua do thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ và tình trạng thiếu hụt dầu ăn trên toàn cầu. Nếu Mỹ không có một mùa vụ bội thu trong năm nay, giá có thể leo thang hơn nữa, Bloomberg cảnh báo.

Ông Jim Huang, người đứng đầu nền tảng China-America Commodity Data Analytics, cho hay: “Đậu nành là mặt hàng có nguy cơ thổi bùng lạm phát nhất”. Giá dầu thô và cước vận tải biển tăng chóng mặt cùng một đồng nhân dân tệ suy yếu càng làm tình hình thêm tồi tệ hơn.

 

Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới, chỉ sau Ấn Độ; đồng thời là nước mua dầu hướng dương lớn. Giá dầu ăn toàn cầu đã leo vọt lên mức kỷ lục do hạn hạn, thiếu hụt lao động và chiến sự Nga - Ukraine. Gần đây, Indonesia - nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất hành tinh, còn cấm xuất khẩu hàng ra nước ngoài.

Chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy sản lượng đậu nành, khả năng nâng sản lượng thêm 19% trong niên vụ 2022 - 2023. Tuy nhiên, mọi thứ chẳng thấm vào đâu vì sản lượng quá thấp so với nhu cầu.

Ngô

Trong một thời gian dài, Trung Quốc không mua nhiều ngô từ nước ngoài. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tình hình đã bắt đầu thay đổi khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới vì nước này cần phải bổ sung lượng tồn kho và nuôi lớn đàn heo trong nước.

Do thu mua quá nhiều ngô từ thị trường nước ngoài, mà phần lớn là từ Mỹ - đối thủ địa chính trị số một của Trung Quốc, chính quyền ông Tập đã đẩy mạnh kế hoạch tự chủ nguồn cung để đảm bảo an ninh quốc gia.

 

Khác với đậu nành, nhập khẩu ngô của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 10% lượng tiêu thụ nội địa trong giai đoạn 2020 - 2021 và tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 6% trong năm 2022 - 2023, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Trung Quốc mua khá nhiều ngô từ Ukraine. Năm ngoái, Ukraine đã trở thành nhà cung ứng ngô lớn thứ hai của đất nước tỷ dân. Song, hoạt động thương mại hàng hóa giữa hai nước đã bị kìm hãm đáng kể bởi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Lúa mì

Nguồn cung lúa mì toàn cầu đang bị đe dọa bởi chiến sự, hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt. Giá lúa mì đã leo lên mức kỷ lục vào tháng 3 sau khi Nga động binh với nước láng giềng Ukraine. So với cùng kỳ năm ngoái, giá hiện cao hơn khoảng 80%, khiến chi phí thực phẩm toàn cầu bị kéo lên mức cao chưa từng thấy.

Tương tự ngô, mức độ phụ thuộc của Trung Quốc vào lúa mì ở mức tương đối thấp, tương đương khoảng 7% lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2021 - 2022. Dù vậy, Trung Quốc vẫn trở thành một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới bên cạnh Indoneisa, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới chuyên gia đã có nhiều lo ngại về sản lượng của Trung Quốc và có thời điểm một quan chức cấp cao nói nước này có thể đối mặt với cú sốc mùa màng tồi tệ nhất trong lịch sử sau trận lụt kỷ lục hồi năm ngoái.

Các nhà chức trách cũng đang điều tra xem có bất kỳ vụ phá hoại cây trồng trái phép nào hay không, sau khi một số video cho thấy lúa mì chưa chín cây bị phá hoặc cắt bỏ lan truyền trên mạng xã hội.

Mối lo khác

Trung Quốc đã tích trữ lượng lớn lúa mì, gạo và ngô. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đất nước tỷ dân đang nắm giữ ít nhất là một nửa tồn kho toàn cầu của các mặt hàng này.

Bà Iris Pang, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ING Bank, cho biết chính quyền địa phương sẽ giải phóng kho dự trữ nếu cần để giảm bớt lạm phát hoặc giải tỏa tình trạng thiếu hụt lương thực.

Song, chi phí phân bón là một mối quan tâm khác và có thể kéo lạm phát lương thực tại Trung Quốc đi lên, nhưng “không đến mức đáng lo ngại”, bà Pang nói.

Về lâu dài, Bắc Kinh đã kêu gọi nông dân thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để ổn định sản lượng, với hai ưu tiên hàng đầu là phát triển hạt giống mới và bảo vệ đất canh tác. Họ đang tìm cách nghiên cứu các hạt giống biến đổi gen để tăng năng suất và muốn ngừng biến đất nông nghiệp thành công trường xây dựng hoặc sân golf.

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.