Trung Quốc tất bật tô điểm triển vọng kinh tế, nhưng các chuyên gia không khỏi hoài nghi
Trung Quốc điểm tô triển vọng kinh tế
Đầu tuần này, gần hai tháng sau khi Thượng Hải đóng cửa, khiến 25 triệu dân phải lao đao, các cơ quan y tế địa phương đã công bố một kế hoạch “theo từng giai đoạn” để mở cửa thành phố trở lại vào tháng tới.
Trong một bài viết trên tờ People’s Daily, một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) khẳng định nền kinh tế sẽ sớm khôi phục lại, khi “các biện pháp kiểm soát COVID và chính sách thúc đẩy tăng trưởng dần tạo ra những hiệu quả như mong muốn”.
Bài báo cũng nêu bật bình luận của phát ngôn viên NDRC Meng Wei. Ông Meng nhấn mạnh, chính phủ sẽ “nỗ lực hết sức” để mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy một số dự án đầu tư quy mô để kích thích tăng trưởng và nâng cao niềm tin của thị trường, đồng thời nối lại hoạt động sản xuất.
Theo SCMP, bài viết được đăng sau khi Phó Thủ tướng Liu He thông báo Bắc Kinh sẽ hỗ trợ nền kinh tế tư nhân, cũng như sự phát triển của các công ty kỹ thuật số và kế hoạch niêm yết của họ.
Phó Thủ tướng Liu đưa ra những bình luận trên tại một cuộc họp với các giám đốc cấp cao trong lĩnh vực công nghệ, qua đó làm dấy lên hy vọng rằng cuộc trấn áp của chính phủ đối với ngành này có thể đã giảm bớt.
Từ cuối năm 2020, Bắc Kinh đã siết chặt kiểm soát chưa từng có với các công ty internet, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp và làm náo loạn thị trường. Hàng tỷ USD vốn hóa của doanh nghiệp công nghệ bị quét sạch và một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế bỗng lung lay.
Cũng đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Xu Hongcai cho biết Trung Quốc đã đẩy nhanh việc thực hiện một loạt chính sách tài khóa và thuế để giúp đỡ doanh nghiệp.
Ông nói thêm rằng Bộ Tài chính sẽ “kịp thời thiết kế các công cụ bổ sung và tăng cường điều chỉnh chính sách để ổn định kinh tế, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cả năm”.
Đến giữa tuần, tờ Economic Daily đã đăng tải một bài xã luận, viết rằng các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm xây dựng một “thị trường nội địa thống nhất” vào “thời điểm quan trọng” là sự phản ánh “quyết tâm và sự tự tin” của chính quyền trung ương vào việc phá vỡ giới hạn để cải cách thị trường sâu sắc hơn.
Theo chiến lược đầy tham vọng đó, Trung Quốc sẽ trở thành một thỏi nam châm hút các công ty và nhà đầu tư toàn cầu, đồng thời chú trọng hơn vào sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng hiệu quả hơn.
Giới chuyên gia hoài nghi
Sự sụt giảm bất ngờ của nền kinh tế tỷ dân trong tháng 4 năm nay đã giáng đòn mới vào tâm lý thị trường vốn đang rất mong manh. Một số nhà kinh tế đã kêu gọi chính phủ phải tích cực hỗ trợ chính sách hơn nữa.
Ông Rory Green, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường Trung Quốc và châu Á tại TS Lombard, dự đoán tăng trưởng GDP của đất nước tỷ dân trong năm nay không thể chạm tới mức mục tiêu 5,5%, do chính sách Zero COVID hà khắc của Bắc Kinh.
“Theo TS Lombard, quý II năm nay, nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước và tính cả năm, tăng trưởng đạt mức 3,3%.
Suy thoái kỹ thuật - hai quý liên tục tăng trưởng âm, rất khó xảy ra, nhưng tốc độ tăng trưởng 3,3% cho cả năm thực sự là một cuộc suy thoái với nước này”, ông Green nhấn mạnh
“Trước thềm đại hội đảng, các dữ liệu chính thức của Trung Quốc thường xu hướng phóng đại sức mạnh của nền kinh tế”, vị chuyên gia nói thêm.
Mặt khác, các chỉ số đo lường tình trạng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đều không đạt kỳ vọng. Sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định tháng 4 đều rơi xuống mức yếu nhất trong hơn hai năm.
Trung Quốc cũng gặp phải thách thức khi dòng vốn bắt đầu tháo chạy. Theo dữ liệu chính thức, trong tháng 4, các nhà đầu tư ngoại đã bán ra lượng trái phiếu đồng nhân dân tệ trị giá khoảng 559 tỷ USD. Đây là tháng thứ ba liên tiếp tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài giảm bớt.
Ngoài ra, dữ liệu do Bộ Tài chính công bố chỉ ra, doanh thu tài khóa chung đã tụt 41% trong tháng 4, khi chính phủ trả lại tiền cho người nộp thuế để giúp doanh nghiệp vượt qua tác động của chiến lược Zero COVID.
Kinh tế trưởng Gao Ruidong của Everbright Securities cho biết ông không kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung ra các công cụ chính sách mới trong nửa đầu năm nay.
“Trọng tâm chính sách của Trung Quốc trong ngắn hạn vẫn là tích cực thúc đẩy việc làm và nối lại sản xuất, đồng thời đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hiện hành”, ông Gao dự đoán.