|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đừng mong đợi gói kích thích của Trung Quốc sẽ cứu nền kinh tế toàn cầu

08:41 | 11/05/2022
Chia sẻ
Gói kích thích tài khóa tiềm năng của Trung Quốc nhiều khả năng không thể khỏa lấp được thiệt hại do chiến lược Zero COVID gây ra. Thay vì giúp giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái, lần này Trung Quốc còn có nguy cơ trở thành lực cản cho tăng trưởng chung.

Trung Quốc có thể thành lực cản

Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã tung ra một gói kích thích tài khóa trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 586 tỷ USD vào thời điểm đó). Cùng lúc, hoạt động cho vay của ngân hàng tăng mạnh chưa từng có đã thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và tiêu dùng.

Trong quá trình thực hiện, các biện pháp cứu trợ kinh tế của Trung Quốc đã giúp nâng đỡ một số đối tác thương mại của nước này như Australia và Brazil, cũng như nhiều công ty lớn trên toàn cầu.

Sau đó, vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc ban hành thêm một gói kích thích quy mô nhỏ hơn, sử dụng chi tiêu tài khóa để vực dậy thị trường bất động sản đang chìm trong rắc rối.

Khác với các lần trước, kế hoạch kích thích dự kiến của Trung Quốc lần này nhiều khả năng không thể đảo ngược tình trạng đi xuống của nền kinh tế toàn cầu, Bloomberg cảnh báo.

Do quy mô nền kinh tế tỷ dân đã tăng gấp đôi và chiếm hơn 18% tổng sản lượng toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách không muốn tung ra một gói tài khóa có cùng kích thước với năm 2008 vì e sợ khối nợ trong nước sẽ phình to và vỡ nợ doanh nghiệp cao kỷ lục như xưa.

Bắc Kinh đã hứa hẹn về một gói chi tiêu bổ sung và cắt giảm thuế trị giá khoảng 4.500 tỷ nhân dân tệ. Mặc dù chính quyền trung ương cũng đang âm thầm cho các địa phương tăng tỷ lệ nợ ngoại bảng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, con số đó vẫn chưa bằng một nửa gói hỗ trợ năm 2008 khi so với GDP.

Cũng khác với năm 2008, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình còn đang phải đối mặt với làn sóng COVID nghiêm trọng nhất từ trước đến nay và tỏ ra kiên quyết về việc không sử dụng lĩnh vực bất động sản để thúc đẩy nền kinh tế.

 

Chiến lược “Zero COVID” của ông Tập có nguy cơ gây gián đoạn tăng trưởng trong năm nay. Chưa kể, Trung Quốc còn có khả năng trở thành một lực cản đối với nền kinh tế toàn cầu, thay vì đóng vai trò là vị cứu tinh như trong quá khứ.

Các cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu đang ngày nhiều. Các ngân hàng trung ương trên khắp hành tinh đang ồ ạt tăng lãi suất để chế ngự lạm phát và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang làm rung lắc chuỗi cung ứng chung.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay từ 4,4% xuống 3,6%. Ông Kenneth Rogoff - cựu kinh tế trưởng của IMF, cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với một “cơn bão hoàn hảo”, nguy cơ suy thoái ở Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Chủ tịch Tập đã tuyên bố sẽ nỗ lực “hết mình” để tăng cường cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc. Kế hoạch này bao gồm xây dựng các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời khổng lồ trên sa mạc. Loạt dự án năng lượng tái tạo đầu tiên có thể bổ sung thêm 97 gigawatt công suất phát điện - đủ để cung cấp điện năng cho Mexico.

Ngân hàng ANZ ví kế hoạch kích thích của ông Tập giống như gói cứu trợ được triển khai trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Citigroup gọi đây là biên bản “Thỏa thuận Mới” của Trung Quốc.

Song, những người hoài nghi cho rằng Trung Quốc không thể khởi động lại nền kinh tế trong khi vẫn đang thực hiện các biện pháp kiểm soát COVID hà khắc. Họ nói các thông báo chi tiêu tài khóa của Bắc Kinh thiếu lực.

 

Cố gắng làm điều bất khả thi

Chia sẻ với Bloomberg, bà Helen Qiao - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Bank of America, khẳng định các quan chức địa phương đang cố gắng làm điều bất khả thi, chính là hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2022, duy trì Zero COVID và giảm khối nợ.

Bà cho hay: “Trong các chu kỳ trước, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những biện pháp nới lỏng phối hợp trong các lĩnh vực tiền tệ, bất động sản và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng đầu tư”.

“Lần này, Trung Quốc dường như dè dặt hơn với việc tích lũy đòn bẩy, đồng thời lo ngại về lạm phát và Fed thắt chặt chính sách. Có thể cho rằng, một danh sách dài các biện pháp nới lỏng đã được Bắc Kinh ban hành, nhưng phối hợp và hiệu quả còn hạn chế”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chưa kể, đang có một sự mâu thuẫn giữa lời hứa kích thích kinh tế và chính sách Zero COVID của Bắc Kinh. Chính quyền ông Tập không có dấu hiệu sẽ nới lỏng chiến lược nghiêm khắc này, một phần vì tỷ lệ tiêm chủng ở những người trên 80 tuổi quá thấp.

Các cân nhắc chính trị cũng đóng một vai trò nhất định khi mùa thu năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc họp lớn. Giới lãnh đạo cấp cao đã cảnh báo công chúng không nên công khai chất vất chiến lược của ông Tập. Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị còn cam kết “đấu tranh chống lại bất kỳ nội dung xuyên tạc, chất vất hay bác bỏ chính sách kiểm soát COVID của Trung Quốc”.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images).

Việc phong tỏa toàn bộ hay một phần hàng chục thành phố như Thượng Hải đã khiến nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm trong tháng 4 năm nay so với cùng kỳ năm trước, các dữ liệu về giao thông và chỉ số quản lý mua hàng chỉ ra.

Dù đến tháng 3 thì phong tỏa mới bắt đầu, tác động của biện pháp này đã có thể thấy rõ trong báo cáo thu nhập hàng quý của các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng của Trung Quốc. Các công ty nước ngoài đã chứng kiến lợi nhuận giảm 7,6% trong quý I, xuống còn 741 tỷ nhân dân tệ - mức thấp nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2020.

Chủ sở hữu Gucci, Kering SA, cho biết việc phong tỏa Thượng Hải gây “khó khăn cực kỳ lớn” cho thương hiệu này. Starbucks báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai của hãng, lao dốc 23% trong quý I; còn doanh số bán hàng của KFC mất 9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bloomberg Economics, các lệnh đóng cửa và hạn chế COVID khác đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và logistics, gây ách tắc chuỗi cung ứng tại các trung tâm công nghiệp lớn và có khả năng thổi bùng lạm phát.

Tác động của cú sốc nguồn cung tại Trung Quốc sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở Australia, Canada và Hàn Quốc - các nước nhập khẩu hơn 10% hàng hóa chế tạo từ Trung Quốc.

Ông Craig Botham, kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại hãng tư vấn Pantheo Macroeconomic, nói vì tất cả những lý do trên, Trung Quốc có thể “không còn giúp ích cho tăng trưởng như trong quá khứ”.

Yên Khê