|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Từ cuộc khảo sát của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, một cảnh báo đỏ về nền kinh tế đang nhấp nháy

16:31 | 10/05/2022
Chia sẻ
Doanh nghiệp Mỹ vẫn "vững niềm tin, bền ý chí" ở lại Trung Quốc. Tuy nhiên, những dấu hiệu rạn nứt và căng thẳng đã xuất hiện, trong bối cảnh chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.

Các doanh nghiệp Mỹ nhìn chung vẫn kiên định ở lại thị trường Trung Quốc, nhưng cuộc khảo sát mới cho thấy lo ngại đang gia tăng khi chính quyền Bắc Kinh phong tỏa hàng loạt thành phố lớn để dập dịch.

Cụ thể, trong giai đoạn 29/4 - 5/5, Phòng Thương mại Mỹ (tức AmCham Trung Quốc) đã phỏng vấn các công ty thành viên. Toàn bộ 121 doanh nghiệp được khảo sát đều báo cáo ảnh hưởng từ chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh.

Theo đó, khoảng một nửa cho biết đã tạm dừng hoặc giảm các khoản đầu tư vào nền kinh tế tỷ dân sau khi đại dịch COVID-19 bùng lên ở những nơi như trung tâm tài chính Thượng Hải.

Mặt khác, 15% doanh nghiệp tại Thượng Hải - cho đến nay đã đóng cửa hơn một tháng, vẫn chưa hoạt động trở lại. Gần 60% báo cáo các vấn đề về sản xuất như thiếu nhân viên, bị phong tỏa hoặc khó tìm nguồn hàng.

Kết quả khảo sát trên là dấu hiệu mới nhất về những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt và hệ lụy có thể xảy đến đối với xu hướng toàn cầu hóa, tờ Barron’s nhận định.

Nhân viên y tế đang làm việc tại một con phố tại Tĩnh An, Thượng Hải. Cho đến nay, Thượng Hải đã đóng cửa hơn một tháng và chưa biết khi nào được gỡ phong tỏa. (Ảnh: AFP).

Doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc hoang mang

Tình hình tại Trung Quốc không mang lại điềm báo tốt cho các nhà đầu tư Mỹ. Trước hết, sự gián đoạn dòng chảy hàng hóa từ Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát đang gây náo loạn thị trường Mỹ.

Thứ hai, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia khảo sát đã cắt giảm dự báo doanh thu năm nay đang tăng lên, từ 54% vào tháng trước lên 58% trong tháng này.

 Chủ tịch AmCham Trung Quốc Colm Rafferty bày tỏ: “Dự báo doanh thu năm nay đang xuống thấp, nhưng đáng lo ngại hơn là các thành viên của chúng tôi không nhìn thấy chút ánh sáng nào cuối đường hầm”. 

Trong một lưu ý, chiến lược gia Savita Subramanian của Bank of America cho biết hiện khoảng 30% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tiêu dùng tùy ý chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý gần nhất, do đó một điểm cần chú ý là việc Trung Quốc phong tỏa đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và nhu cầu người tiêu dùng như thế nào.

 

Mặc dù bây giờ triển vọng kinh doanh trước mắt là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp, những thách thức trong trung và dài hạn có thể đang tiếp tục lớn dần.

Đơn cử, gần một nửa thành viên của AmCham Trung Quốc cho biết nhân viên nước ngoài đang khó có khả năng chuyển đến đất nước tỷ dân làm việc hoặc thẳng thừng từ chối làm việc tại đây, vì chính sách Zero COVID của Bắc Kinh.

Quả thực, trong một cuộc thảo luận về Trung Quốc tại Hội nghị Toàn cầu của Viện Milken, các chuyên gia cho biết nhân tài đang đổ về Singapore. Do vấn đề dịch bệnh và các chiến dịch trấn áp lĩnh vực tư nhân của Bắc Kinh tại đại lục, các văn phòng gia đình và công ty quản lý tài sản đang dời về quốc đảo sư tử.

Tương tự, sau khi chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình siết chặt lĩnh vực tiền ảo, các công ty trong lĩnh vực này cũng nối gót sang Singapore. Ngay cả một số công ty Trug Quốc có tham vọng vươn ra toàn cầu cũng đặt trụ sở ở đất nước Đông Nam Á, ông Wenchi Yu - nhà nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy, cho hay.

Chia sẻ với Barron’s, ông Rafferty của AmCham Trung Quốc nhấn mạnh: “Chừng nào các hạn chế liên quan đến đại dịch vẫn còn, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục cân nhắc những điểm đến khác”.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra một cảnh báo đen tối khác. Ông nói tình hình thị trường việc làm của nước này đang “rất phức tạp và khó lường”. Đây hẳn không phải một dấu hiệu tích cực cho những người đang theo dõi cú sốc ở Trung Quốc có thể tồi tệ đến đâu.

Tai hại cho nền kinh tế toàn cầu

Tất cả dữ kiện nêu trên đều chỉ ra những rắc rối tiềm tàng cho nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế trưởng Charles Dumas của hãng tư vấn vĩ mô TS Lombard mô tả sự chững lại của Trung Quốc và ảnh hưởng từ chính sách Zero COVID của chính phủ nước này là một “yếu tố bất hảo” đối với nền kinh tế chung.

Ngoài COVID-19, ông Dumas còn đang theo dõi tác động của khối nợ phình to lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như sự chuyển hướng sang phi toàn cầu hóa khi các nước tìm cách đưa chuỗi cung ứng về quê nhà.

Điều đó đặc biệt đúng ở Mỹ, ông Dumas nhấn mạnh. Vị chuyên gia lưu ý rằng “việc loại bỏ ưu thế kinh tế rõ ràng của Trung Quốc” là một trong số ít vấn đề nhận được sự ủng hộ của chính phủ nhiều nước.

Một công trình xây dựng tại Bắc Kinh. Bất động sản từng là trụ cột của nền kinh tế tỷ dân. (Ảnh: Getty Images).

Vấn đề nợ nần của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, có thể cản trở các nhà hoạch định chính sách kích thích nền kinh tế. Ông Dumas viết trong một lưu ý, động lực tăng trưởng của Trung Quốc từng là lĩnh vực xây dựng, khi những người giàu có ồ ạt mua bất động sản.

Tuy nhiên, xu hướng đầu cơ bất động sản cũng khiến khối nợ phình to. Từ mức 140% GDP trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 và 180% sau khủng hoảng, tỷ lệ nợ phi tài chính tại Trung Quốc đã tăng lên 290%.

Khi chính quyền Bắc Kinh cố gắng giải quyết bài toán nợ nần, họ có thể gây tổn hại đến chi tiêu của những người tiêu dùng giàu có cũng như hoạt động rót vốn vào ngành địa ốc.

Đó là một trong các lý do khiến nỗ lực kích thích kinh tế bằng cách tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng là không đủ, ông Dumas nói tiếp. Do đó, giới chức Trung Quốc có thể dùng đến cách làm suy yếu đồng nhân dân tệ để tái cân bằng nhu cầu.

Song, đồng nội tệ của Trung Quốc đi xuống lại có thể làm tổn hại đến các nền kinh tế định hướng xuất khẩu khác như Nhật Bản và Đức.

Đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, điều này có thể dẫn đến tỷ lệ PE thấp hơn, và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong trung hạn có thể làm hại triển vọng doanh thu của các doanh nghiệp, ông Dumas cảnh báo thêm.

Yên Khê