Fed đã tăng lãi suất, Trung Quốc làm cách nào để ngăn dòng vốn cháo chạy và kéo tụt giá nhân dân tệ?
Fed đặt PBoC vào thế khó
Giữa tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất chuẩn thêm 50 điểm cơ bản, đồng thời thông báo sẽ giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng 6. Động thái của ngân hàng trung ương Mỹ hầu như nằm trong dự tính của thị trường.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng nỗ lực chế ngự lạm phát đang đạt đỉnh hơn 40 năm của Fed sẽ hút một lượng lớn vốn quay trở lại Mỹ, qua đó gây áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ và hạn chế dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).
Trong bối cảnh hàng loạt thành phố lớn của Trung Quốc phải phong tỏa để dập dịch, dẫn đến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chính sách tiền tệ của PBoC là một công cụ quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của Bắc Kinh.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nhảy vào cuộc chiến với lạm phát quá muộn màng, liệu Fed có bỏ lỡ thêm một rủi ro khác? 05/05/2022 - 15:28
Một ngày sau khi Fed điều chỉnh chính sách, PBoC vẫn giữ nguyên lãi suất khi bán ra 10 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD) hợp đồng repo nghịch đảo - một công cụ để bơm thanh khoản.
Theo South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc đang đối mặt với hiện tượng dòng vốn tháo chạy, đây là kết quả của việc lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ vượt lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc.
Trong tháng 3, các nhà đầu tư nước ngoài đã loại khoảng 112,5 tỷ nhân dân tệ trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc khỏi danh mục. Tháng trước đó, lượng tài sản bị cắt giảm là khoảng 80,3 tỷ nhân dân tệ.
Trung Quốc xoay xở kiểu gì?
Bà Tan Yaling - người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc, nói rằng việc dòng vốn tháo chạy có thể được bù đắp phần nào nếu Bắc Kinh tăng cường quy định đối với thị trường ngoại hối và ngăn chặn sự mất giá quá mức của đồng nhân dân tệ.
Trao đổi với SCMP, bà Tan bày tỏ: “Nhân dân tệ chưa phải là một đồng tiền tự do chuyển đổi. Bắc Kinh nên thực hiện các biện pháp kiểm soát ngoại hối khi cần thiết. Tất cả đều vì mục đích an ninh tài chính”.
Cũng theo bà Tan, PBoC nên xem xét đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chẳng hạn như chuyển một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước lớn sang các lĩnh vực bị ảnh hưởng, hoặc nới lỏng các biện pháp chống dịch.
Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc của UBS - Wang Tao, dự đoán trong thời gian tới, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ có thể đạt 7 CNY/USD, nhưng có thể ổn định ở mức 6,9 CNY/USD vào cuối năm.
Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ cao hơn đồng nghĩa rằng người ta phải mất nhiều nhân dân tệ hơn để mua một đồng USD, cho thấy đồng nội tệ của Trung Quốc đang suy yếu đi.
Vị chuyên gia của UBS cũng cho biết rằng ngân hàng trung ương Trung Quốc đang tìm cách làm chậm đà sụt giá của nhân dân tệ.
“PBoC có các công cụ khác để kiểm soát tình hình, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hơn nữa, tái triển khai biện pháp phản chu kỳ trong ấn định tỷ giá hàng ngày và thắt chặt quy định đối với dòng vốn tháo chạy”, bà Wang cho hay.
Ông Ding Shuang, nhà kinh tế cấp cao tại Standard Chartered, cũng lưu ý rằng Bắc Kinh có nhiều công cụ để kiểm soát dòng vốn tháo chạy và bảo vệ đồng nhân dân tệ. Song, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ đè nặng lên khả năng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và chính sách tỷ giá của PBoC.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nguyên nhân nào khiến Trung Quốc mãi chưa chịu từ bỏ 'Zero COVID'? 06/05/2022 - 15:12
“Chúng tôi dự đoán rằng khả năng cao là PBoC sẽ thực hiện một đợt giảm lãi suất cho vay trung hạn trong tháng này hoặc tháng tới, nhưng dư địa chính sách đang hẹp dần”, ông Ding cảnh báo.
Theo vị chuyên gia, PBoC có xu hướng sử dụng các công cụ định lượng và một số đợt giảm lãi suất “che mắt” để giúp hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của chính quyền trung ương.
PBoC đã thúc giục các ngân hàng nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi, một động thái sẽ tạo thêm dư địa cho việc cắt giảm lãi suất huy động vốn. “Các nhà hoạch định chính sách thường tránh đụng đến lãi suất chuẩn khi dòng vốn tháo chạy tăng mạnh”, ông Ding cho hay.
Nhà kinh tế của Standard Chartered nói tiếp: “Bắc Kinh nên tăng cường hỗ trợ chính sách, nhưng cũng nên xem xét điều chỉnh các biện pháp kiểm soát đại dịch. Kích thích tài khóa và tiền tệ sẽ không mang lại hiệu quả nếu hoạt động kinh tế không ổn định”.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang quyết tâm đạt được các mục tiêu có vẻ mâu thuẫn nhau: duy trì chiến lược “Zero COVID nhưng vẫn hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP “khoảng 5,5%” trong năm nay.
Kế hoạch tăng lãi suất của Fed khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Các cú sốc bên ngoài như chiến sự Nga - Ukraine còn gia tăng ảnh hưởng lên đất nước tỷ dân, giữa lúc thị trường lo ngại rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế như bán lẻ, chuỗi cứng ứng,…suy yếu.
Và khi chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa hứa hẹn sẽ ra tay hỗ trợ, số liệu kinh tế đang tiếp tục xấu đi. Điều này đã thúc giục một số chuyên gia mạnh dạn kêu gọi Bắc Kinh ưu tiên tăng trưởng và điều chỉnh các biện pháp dập dịch cứng nhắc.
Trong tháng 4, chỉ số PMI chính thức cho lĩnh vực dịch vụ đã tụt từ 48,4 điểm hồi tháng 3 xuống còn 41,9, trong khi PMI dịch vụ của Caixin giảm từ 42 điểm xuống còn 36,2 - mức thấp thứ hai kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu vào tháng 11/2005.
Theo bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, một lý do khác khiến dòng vốn rút khỏi Trung Quốc là “kỳ vọng tăng trưởng”.
Bà ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang có xu hướng đi xuống do người dân bị khóa chặt trong nhà. Nhận định này tương đồng với dự báo của các ngân hàng đầu tư quốc tế khác, rằng GDP của Trung Quốc sẽ chỉ tăng trong khoảng 4 - 4,5% trong năm 2022.