4 'quả tạ' ghì chân nền kinh tế Trung Quốc
Tất cả chúng ta đều nên quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, bởi vì chắc chắn chúng sẽ ảnh hưởng đến tất thảy mọi người, hãng tin CNBC đưa ra lời khuyến nghị.
Các mối nguy kinh tế và phản ứng của Chủ tịch Tập Cận Bình trước hết sẽ tác động đến Trung Quốc, nhưng những rắc rối ở đất nước tỷ dân có thể kéo theo vấn đề ở khắp mọi nơi.
Hiện tại, thách thức kinh tế của Trung Quốc không chỉ là chiến sự giữa Nga và Ukraine. Triển vọng kinh tế của đất nước tỷ dân đang bị đè nặng bởi 4 “quả tạ” riêng biệt nhưng chồng chéo nhau, gồm vấn đề trong nước, khủng hoảng y tế, nợ nần chồng chất và thế giới rạn nứt.
Bất động sản lao đao
Theo CNBC, các vụ vỡ nợ bất động sản vẫn đang tiếp diễn ở Trung Quốc. Năm ngoái, thị trường tỷ dân đã chứng kiến số lượng kỷ lục các công ty địa ốc bị vỡ nợ, đáng chú ý nhất là tập đoàn Evergrande. S&P ước tính tại Trung Quốc, khoảng 20 - 40% các công ty trong lĩnh vực này có thể phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
Phát triển bất động sản hiện chiếm 25 - 30% quy mô nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, báo cáo tháng 1 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra.
Một cú vấp trong lĩnh vực địa ốc là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nói chung đang không ổn định. Các nhà kinh tế đã chứng minh rằng hầu hết các cuộc suy thoái đều liên quan đến bong bóng chứng khoán hoặc bất động sản.
Một khi giá nhà rung chuyển và bắt đầu đi xuống, khối nợ của người dân sẽ phình to và có thể gây ra sự sụp đổ trong tiêu dùng. Các chủ nhà sẽ ngừng chi tiêu khi giá nhà ở sụt giảm do phải gồng gánh nợ nần.
- TIN LIÊN QUAN
-
COVID-19 hoành hành nhưng tăng trưởng vẫn đẹp như mơ, dữ liệu của Trung Quốc đáng tin hay không? 28/04/2022 - 14:12
Trung Quốc vẫn chưa ở giai đoạn nguy hiểm đó song những dấu hiệu đáng ngại đã lộ diện. Theo CNBC, thật ngây thơ khi nghĩ rằng các quy luật kinh tế ở những nơi khác không xuất hiện ở Trung Quốc hay giới chức Bắc Kinh luôn có thể kiểm soát giá nhà đất trên khắp cả nước.
Dù vậy, công chúng nên kỳ vọng rằng chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình có thể quản lý thị trường bất động sản tốt hơn cách phương Tây từng làm trong giai đoạn 2007 - 2008, tức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Đất nước mắc kẹt với Zero COVID
Giữa lúc thị trường nhà ở của Trung Quốc lao đao, tác động của chính sách kiểm soát dịch bệnh càng làm cho các vấn đề kinh tế trở nên tồi tệ hơn.
Cho đến nay, chiến lược Zero COVID của Bắc Kinh là biện pháp y tế hà khắc nhất đối với đại dịch trên toàn thế giới. Chiến lược này đang gặp trục trặc. Lập trường cứng rắn của chính quyền trung ương Trung Quốc đã mang lại lợi ích to lớn trong hai năm qua.
Tuy nhiên, bây giờ, khi virus đã tạo nhiều đột biến và lây lan nhanh chóng, các biện pháp trên có thể gây tốn kém hơn là mang lại hiệu quả. Trung tâm tài chính Thượng Hải đã phong tỏa sang tuần thứ 4 và tuần trước báo cáo gần 20.000 ca nhiễm/ngày.
Người dân tại thành phố 26 triệu người này đang rất bất bình trước chính sách của Bắc Kinh. Chỉ riêng Thượng Hải đã đóng góp 4% cho tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Trung Quốc, đồng thời đây còn là nơi đặt cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới.
- TIN LIÊN QUAN
-
Là 'bằng hữu', Trung Quốc có dang tay giúp Nga chống đỡ đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây? 08/03/2022 - 18:09
Ngoài Thượng Hải, khoảng 20 tỉnh thành lớn khác của Trung Quốc cũng đang bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ. Tác động kinh tế tiêu cực của chính sách Zero COVID-19 sẽ trở nên rõ rệt trong những tháng tới. Hiện, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế tỷ dân.
Nếu nhu cầu của Trung Quốc, tất cả mọi người bên ngoài nước này đều sẽ cùng cảm nhận dư chấn. Đến giờ vẫn không rõ liệu chính quyền ông Tập có sẵn lòng hoặc có thể điều chỉnh chính sách chống dịch theo hướng mềm mỏng hơn hay không, dù các nền kinh tế khác dường như đang rất cần một thay đổi như vậy.
Rủi ro đeo bám từ chính sách cho vay vốn
Tại các nước phát triển, lãi suất đang trong xu hướng đi lên khi các ngân hàng trung ương cố gắng ghìm cương lạm phát. Khá nhiều khoản vay của các tổ chức Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) không chỉ làm căng thẳng bảng cân đối kế toán ở những nước thu nhập thấp, mà còn là gánh nặng cho các ngân hàng đại lục vì vướng phải các khoản vay kém hiệu quả.
Suy cho cùng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, mà ngân hàng lại chính là những mắt xích chủ chốt cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và nền kinh tế nội địa.
Theo một báo cáo năm 2021 từ nền tảng AidData (trực thuộc Đại học William & Mary, Virginia, Mỹ), sáng kiến BRI đã khiến các nước đang phát triển phải gánh khoản nợ ít nhất 385 tỷ USD.
Trung Quốc phải đối mặt với ba yếu tố tiêu cực: nguy cơ vỡ nợ từ các nước vay vốn, các khoản vay kém hiệu quả trên sổ sách của những ngân hàng lớn nhất đất nước và thiệt hại đến lợi ích ngoại giao cũng như địa chính trị nếu Bắc Kinh tịch thu tài sản của các nước như một phần của điều khoản cho vay.
Trong năm nay, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ học được rằng không phải tất cả các khoản cho vay đều là chính sách thông minh.
Ngay cả khi thỏa thuận thoạt nhìn có vẻ có lợi cho Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn cần những khách hàng có khả năng thanh toán nợ, hoặc những đối tác và đồng minh thân cận, chứ không phải rủi ro vỡ nợ từ các nước vay tiền mình hay sự giận dữ của người dân địa phương.
Chiến sự Nga - Ukraine gây rối
Toàn cầu hóa - động cơ thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc trong quá khứ, có nguy cơ bị đình trệ dưới áp lực của đại dịch và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Chuỗi cung ứng bị kéo căng và đứt gãy sẽ gây hại cho Trung Quốc. Đồng thời, nền kinh tế tỷ dân cũng sẽ không vui khi các tuyến đường và liên kết thương mại trong tương lai không còn xoay quanh Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẽ phải tự hỏi liệu sự ủng hộ chính trị của họ đối với một nước Nga đang sa sút và khó đoán định có đáng để đánh đổi hay không. Dường như mọi quốc gia đều được hưởng lợi từ cơ chế toàn cầu hóa hơn là tách rời khỏi xu hướng này.
Lựa chọn Nga thay vì toàn cầu hóa là một hành động có phần thiển cận và có thể gây thiệt hại đáng kể cho Trung Quốc, đặc biệt là khi các doanh nghiệp nước này có thể hứng đòn trừng phạt thứ cấp từ Mỹ và đồng minh. Nhìn chung, Trung Quốc có nguy cơ phải trả giá đắt nếu tiếp tục chống lưng cho Nga.
Tất cả những thách thức trên cho thấy mục tiêu tăng trưởng chính thức 5,5% cho cả năm 2022 mà Bắc Kinh đề ra có vẻ quá lạc quan. Bây giờ, nhiều khả năng là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ nằm dưới mức 5% - một con số chưa từng thấy kể từ năm 1989.