|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc có thể khiến thị trường nhà đất Mỹ chao đảo nếu muốn?

11:10 | 11/04/2025
Chia sẻ
Một số nhà quan sát lo ngại Trung Quốc có thể bán tháo các công cụ tài chính để kéo lãi suất vay thế chấp mua nhà ở Mỹ lên cao.

Một dự án nhà ở tại California. (Ảnh: Getty Images). 

Lãi suất vay thế chấp mua nhà ở Mỹ có xu hướng tăng mạnh trong tuần này khi các nhà đầu tư bán mạnh nợ chính phủ Mỹ. Lãi suất thế chấp thường di chuyển cùng với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, dù mối quan hệ này không quá mạnh mẽ.

Sự gia tăng bất thường của lợi suất khiến một số nhà quan sát đồn đoán một số quốc gia đang bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ nhằm trả đũa kế hoạch thuế quan của ông Trump.

Song, các nhà đầu tư nợ vay thế chấp và thị trường nhà đất còn có mối lo lớn hơn. Trung Quốc là một trong những bên nắm giữ nhiều nhất chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) được phát hành bởi các doanh nghiệp do chính phủ Mỹ bảo trợ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu họ quyết định “xả hàng” để trả đũa chính sách thương mại của Nhà Trắng? Và điều gì sẽ đến nếu các quốc khác cũng hành động tương tự?

Ông Guy Cecala, Chủ tịch công ty Inside Mortgage Finance, chỉ ra: “Nếu Trung Quốc muốn giáng đòn mạnh vào Mỹ, họ có thể bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Liệu mối nguy này có thực? Dĩ nhiên rồi. Bắc Kinh sẽ tìm cách gây áp lực [trong cuộc chiến thuế quan]… Nhắm vào thị trường nhà đất và lãi suất vay thế chấp là công cụ gây áp lực mạnh mẽ”.

Theo Hiệp hội Thế chấp Quốc gia Mỹ (Gennie Mae), nước ngoài hiện sở hữu lượng MBS trị giá 1.320 tỷ USD, tương ứng tỷ trọng 15%. Những chủ sở hữu lớn nhất bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Canada.

Tờ CNBC cho biết Trung Quốc đã bắt đầu bán bớt MBS Mỹ vào năm ngoái. Lượng MBS mà Trung Quốc nắm giữ trong tháng 12/2024 giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhật Bản tăng cường sở hữu MBS trong tháng 9 nhưng lại giảm vào đầu tháng 12 năm ngoái.

Nếu Trung Quốc và Nhật Bản tăng tốc bán ra MBS và những quốc gia khác làm theo, lãi suất vay thế chấp mua nhà tại Mỹ có thể lên cao hơn nữa.

Ông Eric Hagen, nhà phân tích chuyên ngành tài chính và thế chấp của BTIG, cho biết: “Đa số nhà đầu tư lo ngại chênh lệch giữa lãi suất vay thế chấp mua nhà và lợi suất trái phiếu kho bạc sẽ nới rộng nếu Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Canada bán ra MBS để trả đũa Mỹ”. Chênh lệch gia tăng có nghĩa là lãi suất vay thế chấp đi lên.

Thị trường nhà đất Mỹ đang suy yếu - dù mùa xuân thường là mùa cao điểm với thị trường địa ốc - bởi giá nhà đang ở mức cao còn người tiêu dùng thì thiếu lòng tin. Do đợt náo loạn gần đây trên thị trường chứng khoán, những người mua tiềm năng ngày càng lo ngại về việc làm và tiền tiết kiệm của họ.

Cuộc khảo sát gần đây từ Redfin phát hiện rằng 20% người mua nhà tiềm năng đã bán cổ phiếu để có tiền đặt cọc mua nhà.

Nhà phân tích Hagen nhận xét việc các tổ chức nước ngoài bán ra MBS có thể khiến thị trường nợ vay thế chấp ớn lạnh hơn nữa. Ông nói thêm: “Tôi nghĩ điều khiến nhà đầu tư sợ là họ không biết nước ngoài có thể và muốn bán ra bao nhiêu MBS”.

Tệ hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một trong những chủ sở hữu lớn của MBS và trong các giai đoạn khủng hoảng thường mua vào loại công cụ tài chính này để giữ lãi suất ở mức thấp. Nhưng Fed đang trong quá trình giảm quy mô bảng cân đối kế toán, do đó họ không tái đầu tư vào các MBS đáo hạn mỗi tháng.

Giang