|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Liệu ông Tập có thể dập tắt COVID-19 mà không bóp chết kinh tế Trung Quốc?

10:52 | 13/05/2022
Chia sẻ
Từ trước khi làn sóng Omicron ập đến, kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến dịch “chấn chỉnh” ngành bất động sản của Chủ tịch Tập Cận Bình. Giờ đây, các lệnh phong tỏa được áp đặt để theo đuổi mục tiêu “Zero COVID” của ông Tập lại càng khiến tình hình tồi tệ hơn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Financial Times). 

Chính quyền của ông Tập đã từng vượt qua sóng gió kinh tế mà đại dịch gây ra. Khi COVID-19 lần đầu bùng phát hồi tháng 1/2020, tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán đã nhanh chóng tiến hành phong tỏa, phần còn lại của đất nước cũng sớm noi theo.

Song, công cuộc chống dịch lần này có những điểm khác biệt lớn với hai năm trước. Các biện pháp năm 2020 là cú sốc rõ rệt nhưng tương đối ngắn. GDP quý I giảm 6,9% so với năm trước, nhưng sau đó tăng tốc đều đặn đến cuối năm.

Ngược lại, làn sóng phong tỏa mùa thu năm nay khá máy móc và không có cái kết rõ ràng. Chúng được kiểm soát bởi những quan chức cấp thấp, đôi khi trở nên bối rối trước những tín hiệu trái chiều từ giới lãnh đạo Bắc Kinh, Financial Times nhận xét.

Hậu quả của chính sách

Tại cuộc họp Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 5/5, ông Tập nhắc lại rằng ông sẽ không dung thứ bất kỳ sự buông lỏng nào đối với chiến lược Zero COVID. Lần này, ông còn không lặp lại các cam kết trước đó như “dung hòa giữa Zero COVID với tăng trưởng” hoặc “tối thiểu hóa tác động của đại dịch đối với nền kinh tế”.

Tác động của lập trường này có thể sẽ rất nghiêm trọng. Doanh số bán lẻ tháng 3 của Trung Quốc đã giảm 3,5% so với một năm trước. Dữ liệu thương mại tháng 4 cho thấy sự giảm tốc rõ rệt của tăng trưởng xuất khẩu so với cùng kỳ - chỉ khoảng 3,9% so với gần 15% ghi nhận trong tháng 3.

Các cuộc khảo sát được thực hiện trước khi công bố những dữ liệu quan trọng như bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng cho thấy Bắc Kinh có thể sắp phải cân nhắc lại. Doanh số bán xe tháng 4 đã giảm 48% so với một năm trước, theo dữ liệu ngày 11/5.

Cuộc phong tỏa gây tranh cãi nhất diễn ra ở Thượng Hải. Người dân ở thành phố cảng này thậm chí còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thực phẩm. Khi biến chủng Omicron lan đến Bắc Kinh, ngày càng có nhiều lo ngại rằng thủ đô Trung Quốc sẽ chịu chung số phận tương tự. 

 

Kinh tế "rơi tự do"

Ông Chen Long, chuyên gia tại công ty cố vấn Plenum cho biết chính phủ Trung Quốc đang mắc kẹt trong tình thế khó khăn là đương đầu với “hai cuộc chiến cùng lớn: Kiểm soát COVID-19 và ngăn chặn sự xuống cấp của nền kinh tế”. Ông nói tiếp: “Các quan chức được lệnh giành chiến thắng trong cả hai mặt trận. Nhưng thực tế là họ phải ưu tiên một trong hai. Đến giờ, Zero COVID vẫn đang được đặt lên trên nền kinh tế”.

Tối ngày 11/5, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hứa hẹn sẽ có thêm biện pháp trợ giúp cho chủ lao động và nhân công. Nhưng cách tiếp cận địa phương hóa của biện pháp phong tỏa khiến cho đến cả giới quan chức khu vực cũng khó đánh giá tác động kinh tế, chứ chưa kể đến các lãnh đạo ở tận Bắc Kinh.

Một quan chức giấu tên ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, bày tỏ sự bất mãn: “Tuần trước Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã làm rõ rằng đấu tranh chống COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Nhưng chúng tôi cũng không thể ngó lơ nền kinh tế đang rơi tự do”.

Do tính chất liên kết của nền kinh tế Trung Quốc, doanh nghiệp trong các khu vực không chịu hạn chế phòng dịch cũng có thể bị gián đoạn nghiêm trọng bởi tác động gián tiếp từ những nơi khác.

Vị quan chức cho biết “công việc chính” của ông nay là vận động các đồng nghiệp ở Thượng Hải cách đó 270 km cho phép những nhà cung cấp mà doanh nghiệp Nam Kinh phụ thuộc vào được nối lại sản xuất.

Ông chỉ ra: “Làm sao mà doanh nghiệp lớn có thể hoạt động bình thường khi hầu hết các nhà cung cấp của họ đều bị phong tỏa? Các biện pháp kích thích sẽ không có hiệu quả nếu nhà máy không thể vận hành bình thường”. 

Giới hạn của kích thích

Sau khi ông Tập cam kết toàn lực” cứu nền kinh tế thông qua tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành xi măng của Trung Quốc vẫn chìm trong khốn khó. Theo khảo sát bởi công ty tư vấn 100NJZ, lượng hàng từ 506 công ty xi măng đã giảm hơn 1/3 trong tháng 4.

Giám đốc tại công ty nhà nước Tangshan Jidong Cement, một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, cho biết: “Các dự án hạ tầng bị đình trệ khắp mọi nơi”. Nguyên nhân là vì thiếu tiền từ các công cụ tài trợ chính quyền địa phương (LGFV).

Lượng trái phiếu phát hành bởi các LGFV trong 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 758 tỷ nhân dân tệ (tương đương 112 tỷ USD), giảm gần 25% so với cùng kỳ. 

 

Nhiều ngân hàng Trung Quốc ưu tiên cấp khoản vay cho các dự án hạ tầng được dẫn dắt bởi doanh nghiệp nhà nước hơn là các LGFV vì cho rằng chúng quá rủi ro. Ngân hàng cũng có đánh giá tương tự với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong khu vực tư nhân, dù họ tạo ra một nửa nguồn thu thuế, 60% sản lượng kinh tế và 80% việc làm.

Tháng 3, các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh đã khảo sát hơn 16.500 doanh nghiệp SME toàn quốc. Trung bình, doanh thu quý I của những doanh nghiệp này thấp hơn 73% so với cùng kỳ năm 2019. Biên lợi nhuận trung bình thấp một cách đáng kinh ngạc – chỉ 0,1%.

Một giám đốc cao cấp tại chi nhánh Bank of China ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, chỉ ra vấn đề mà nhiều ngân hàng đối mặt: “Cơ quan quản lý ngân hàng yêu cầu chúng tôi tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách cho các LGFV và doanh nghiệp SME vay vốn nhiều hơn. Nhưng chúng tôi sẽ chịu hình phạt nặng nề nếu có nhiều vụ vỡ nợ”.

Một trụ cột khác trong chính sách kích thích thời COVID của Bắc Kinh là cắt giảm thuế. Nhưng nhiều nhà quản lý doanh nghiệp nhỏ nói rằng biện pháp này không cung cấp nhiều hỗ trợ.

Hồi tháng 3, Cục Quản lý Thuế Nhà nước Trung Quốc cho biết các doanh nghiệp SME sẽ được miễn nộp thuế VAT cho đến cuối năm nay. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp chỉ có thể yêu cầu giảm thuế VAT cho giao dịch nếu khách hàng từ bỏ quyền được hoàn thuế VAT. 

Các quan chức thuế nói rằng chính phủ không thể hỗ trợ cho cả hai bên. Một quan chức tại cục thuế thành phố Bắc Kinh cho biết: “Chúng tôi không thể cho phép các công ty nhỏ và khách hàng đều được giảm thuế. Điều đó sẽ dẫn đến sự sụt giảm lớn trong tổng doanh thu thuế trong lúc chính quyền địa phương rất cần tiền để chống lại virus và tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng”.

Giang

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.