|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc cần cứu nền kinh tế ‘bằng mọi giá’ nhưng lại đang làm sai cách?

14:58 | 17/05/2022
Chia sẻ
Trung Quốc cần ban hành các biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng nhưng các nhà hoạch định chính sách lại e ngại vì lý do chính trị. Nếu không chịu hành động, Trung Quốc có thể rơi vào cảnh tăng trưởng đình trệ suốt hàng chục năm như Nhật Bản.

Một màn hình chiếu cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu. (Ảnh: Reuters).

Các nhà kinh tế và quan chức Trung Quốc đang lên tiếng cảnh báo về sự chững lại của nền kinh tế nước nhà.

Việc phong tỏa nhiều thành phố và trung tâm sản xuất quan trọng trong năm nay đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng và đè nặng lên tăng trưởng. Doanh nghiệp chật vật để duy trì hoạt động.

Dữ liệu công bố ngày 16/5 vẽ ra bức tranh xám xịt: Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 4 đều suy giảm trầm trọng, còn tỷ lệ thất nghiệp đi lên.

Đối với một chính phủ đặt trọng tâm vào duy trì tăng trưởng như Trung Quốc, kinh tế chậm lại là rắc rối lớn. Câu hỏi là liệu Bắc Kinh có thể triển khai công cụ phù hợp để tăng tốc kinh tế hay không?

 

“Phải cứu nền kinh tế bằng mọi giá”

Đến nay, Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp phía cung để tạo cú hích cho nền kinh tế. Chúng bao gồm chính sách cắt giảm và hoàn thuế khổng lồ lên đến 2.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương400 tỷ USD), hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng, “toàn lực” thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, cùng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp như cắt giảm lệ phí, bảo hiểm tài chính và đẩy nhanh quy trình hải quan.

Tuy nhiên, một nhóm công cụ kinh tế lại đang thiếu hụt một cách rõ ràng: Các chính sách phía cầu. Nói rõ hơn, chúng là những chính sách được thiết kế để kích thích nhu cầu cho dịch vụ và hàng hóa, qua đó kéo tăng trưởng kinh tế đi lên. 

 

Tại hội nghị kinh tế cuối tuần trước, giáo sư Huang Yiping của Đại học Bắc Kinh kêu gọi: “Phải cứu nền kinh tế bằng mọi giá. Chúng ta phải phát tiền cho dân”. Lời của ông Huang khiến người nghe nhớ đến cam kết của cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi năm 2012 là “làm mọi thứ có thể” để cứu đồng euro. 

Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc đã yếu ớt trong suốt một khoảng thời gian dài. Trong số các nền kinh tế lớn, tỷ trọng tiêu dùng hộ gia đình trên GDP của Trung Quốc thuộc vào hàng thấp nhất. Đây là đặc tính của mô hình phát triển kinh tế dựa trên mức tiết kiệm cao tại Trung Quốc. Mô hình này ưu tiên đầu tư của chính phủ và doanh nghiệp, dù nó làm tổn hại đến chi tiêu của người bình thường.

Các lệnh phong tỏa để chống dịch khiến tiêu dùng hộ gia đình lại càng suy yếu hơn nữa. Người lao động mất việc làm và thu nhập. Họ có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn để đối phó với bất ổn. Và những người phải ở yên trong nhà nhiều tuần gần như chỉ có thể chi tiêu cho thực phẩm – và thậm chí có tiền còn chẳng mua được.

 

Trong những tuần gần đây, các nhà kinh tế tiếng tăm của Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ công bố biện pháp để thúc đẩy tiêu dùng.

Ông Yao Yang, nhà kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh lập luận: “Chúng ta phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa vì đầu tư đang bị hạn chế bởi dự đoán rằng nhu cầu sẽ suy giảm. Trong suốt hai năm qua, tôi đã nhiều lần kêu gọi: Hãy phát tiền cho người dân để hỗ trợ tiêu dùng”.

Đến nay số thành phố Trung Quốc phát voucher chi tiêu ít đến mức có thể đếm trên đầu ngón tay, và không hề có chiến dịch toàn quốc nào.

Trên thực tế, Thủ tướng Lý Khắc Cường gần như đã gạt bỏ khả năng phát tiền trực tiếp cho dân trong bài phát biểu tháng trước. Ông nói rằng tuy phát tiền có thể “công bằng và hiệu quả”, nhưng biện pháp này không phù hợp với Trung Quốc vì nó sẽ khuếch đại bất bình đẳng do các vùng có cấp độ phát triển khác nhau.

Nhiều người khác không đồng tình với quyết định trên. Ông Li Xunlei, nhà kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Zhongtai Securities, cho rằng chính phủ nên phát 1.000 nhân dân tệ (khoảng 150 USD) cho mỗi người dânTrung Quốc. Ông Li thúc giục trong cuộc phỏng vấn tháng trước: “Chính phủ trung ương nên phát voucher tiêu dùng càng sớm càng tốt”.

Giáo sư Huang của Đại học Bắc Kinh nói rằng rủi ro hiện nay đang rất lớn: “Nếu chúng ta không thể tăng tiêu dùng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ rất khó đạt được. Chúng ta phải phát tiền cho người dân”.

Chính trị cản lối

Nhưng việc phát tiền một lần cho người dân sẽ chỉ là bước đầu tiên hướng tới thúc đẩy tiêu dùng. Nhiệm vụ khó khăn hơn là tái cân bằng nền kinh tế, chuyển đổi từ mô hình phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng. Bắc Kinh gọi công cuộc tái cân bằng này là “tăng trưởng chất lượng cao”.

Tuy nhiên, thúc đẩy tiêu dùng bằng cách tăng tỷ trọng chi tiêu hộ gia đình trong GDP đồng nghĩa với việc chuyển thu nhập của nhóm có nhiều sang nhóm có ít – tức là từ chính phủ và doanh nghiệp sang cho thường dân. Giáo sư Michael Pettis của Đại học Bắc Kinh đánh giá đây là vấn đề chính trị rất nhạy cảm.

Trong cơ cấu GDP của Trung Quốc, trái ngược với tỷ trọng thấp của chi tiêu hộ gia đình thì tỷ trọng của chi tiêu đầu tư lại cao bất thường, chủ yếu là cho cơ sở hạ tầng và bất động sản. 

 

Song, đầu tư tràn lan có thể trở nên thừa thãi, tạo ra các dự án kém hiệu quả. Một trường hợp điển hình là các “thị trấn ma” đầy những tòa nhà chung cư trống rỗng. Nhà kinh tế Yao của Đại học Bắc Kinh giải thích: “Sau hơn 20 năm phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ cao, chính quyền các địa phương ngày càng khó tìm được dự án tốt”.

Mức đầu tư quá cao cùng với nhu cầu tiêu dùng yếu cũng là vấn đề mà Nhật Bản phải đối mặt. Khi bong bóng tài sản Nhật Bản đổ vỡ vào năm 1992, điều xảy ra tiếp theo không phải là suy thoái mà là hàng thập kỷ kinh tế đình trệ. Điểm tương đồng khác giữa hai nước là dân số của Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều đang già đi và thu hẹp lại.

Suy cho cùng, Trung Quốc cần triển khai các chính sách phía cầu trên quy mô lớn và và chuyển đổi hoàn toàn mô hình tăng trưởng sang ưu tiên cho tiêu dùng. Nếu không, Trung Quốc có thể sẽ đi theo con đường tăng trưởng chậm kéo dài hàng chục năm như Nhật Bản.

Giang