|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc sụt giảm mạnh vì ‘Zero COVID’

11:47 | 16/05/2022
Chia sẻ
Trong tháng 4, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm 2,9%, doanh số bán lẻ lao dốc 11,1% và tăng trưởng tín dụng tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Đây đều là bằng chứng cho thấy nền kinh tế tỷ dân đang lao đao vì chiến lược Zero COVID.

Nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải tạm ngưng hoạt động. (Ảnh: Reuters). 

Nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm đáng kể trong tháng 4. Làn sóng COVID-19 và các đợt phong tỏa kéo hai lĩnh vực công nghiệp và tiêu dùng xuống mức yếu nhất kể từ đầu năm 2020.

Cụ thể, sản lượng công nghiệp tháng 4 của Trung Quốc giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, khảo sát các nhà kinh tế của Bloomberg đưa ra ước tính trung vị là chỉ số này sẽ đi lên khoảng 0,5%.

Mặt khác, doanh số bán lẻ tụt 11,1% so với cùng kỳ năm 2021, nghiêm trọng hơn dự đoán giảm 6,6%. Tỷ lệ thất nghiệp leo lên 6,1%, cao hơn dự đoán 6%.

 

Hiện tại, nền kinh tế tỷ dân đang chịu hậu quả nặng nề từ nỗ lực xóa sổ COVID của chính phủ. Bắc Kinh kiên quyết duy trì chiến lược Zero COVID để kiểm soát các ca nhiễm. Tuy nhiên, tính dễ lây lan của biến chủng Omicron khiến các thành phố có nguy cơ phải đóng cửa liên tục. 

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố: “Các đợt bùng phát dịch vào tháng 4 có tác động lớn đến nền kinh tế, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn. Việc kiểm soát COVID-19 đang có tiến bộ và các chính sách ổn định kinh tế đang phát huy tác dụng. Dó đó, nhiều khả năng nền kinh tế sẽ phục hồi dần dần.”

Tính đến khoảng 10h04 sáng ngày 16/5 giờ Trung Quốc, chỉ số CSI 300 đang giảm 0,3%. Tỷ giá nhân dân tệ nội địa hầu như không đổi, ở mức 6,7917 nhân dân tệ/USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 1 điểm cơ bản lên 2,83%.

Hai nhà kinh tế Chang Shu và Eric Zhu của Bloomberg Economics nhận xét: “Dữ liệu kinh tế tháng 4 của Trung Quốc cho thấy rõ thiệt hại từ việc đóng cửa Thượng Hải và các vùng khác. Tác động của Zero COVID sâu và rộng hơn nhiều so với dự kiến”.

Đầu tư tài sản cố định tăng 6,8% trong 4 tháng đầu năm, gần bằng với dự báo tăng trưởng 7%. Nhiều khả năng khoản mục này đã được hỗ trợ bởi cú thúc chi tiêu cơ sở hạ tầng của chính phủ.

Các cú sốc kinh tế từ chính sách không khoan nhượng với COVID-19 đã đẩy mục tiêu tăng trưởng cả năm 5,5% của Trung Quốc càng xa khỏi tầm với. Triển vọng tăng trưởng toàn cầu cũng vì thế mà vạ lây.

Khó trông chờ vào kích thích

Bắc Kinh đã báo hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho nền kinh tế. Gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi các quan chức đảm bảo sự ổn định thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ra động thái vào ngày 15/5 nhằm cứu nguy cho thị trường bất động sản bằng cách giảm lãi suất thế chấp cho những người mua nhà lần đầu. Ngày 16/5, PBoC giữ nguyên lãi suất các khoản vay chính sách kỳ hạn một năm. Song, áp lực lạm phát và lo ngại về dòng vốn tháo chạy đang thu hẹp dư địa chính sách của ngân hàng trung ương này.

Kích thích tiền tệ có vẻ không còn nhiều công dụng vì các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt. Dữ liệu công bố ngày 13/5 cho thấy doanh nghiệp và người tiêu dùng khá ngần ngại đi vay trong tháng 4. Tăng trưởng tín dụng suy yếu rõ rệt trong tháng trước, với các khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017.

Cụ thể, các tổ chức tài chính đã cung cấp khoảng 645 tỷ nhân dân tệ (tương đương 94,9 tỷ USD) các khoản vay mới trong tháng 4, giảm mạnh so với mức 3.100 tỷ nhân dân tệ hồi tháng 3 và chỉ bằng một nửa ước tính 1.500 tỷ nhân dân tệ.

Tài trợ tín dụng tổng hợp (aggregate financing), một thước đo lớn hơn về tín dụng, đạt 910 tỷ nhân dân tệ. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, khi Trung Quốc chật vật tìm cách ứng phó với làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Giang