|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Từ giày thể thao tới xe điện Tesla: Quyết tâm 'Zero COVID' của Trung Quốc đang đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu

09:21 | 16/05/2022
Chia sẻ
Dường như không một ngành nào thoát khỏi sự ảnh hưởng từ những đợt phong tỏa phòng dịch tại Trung Quốc. Hậu quả kinh tế từ chính sách Zero COVID đang bắt đầu được doanh nghiệp và người tiêu dùng cảm nhận trên toàn cầu.

Theo Bloomberg, mọi thứ từ giày thể thao Adidas cho tới loa Bang & Olufsen đều đã bị ảnh hưởng. Các nhà sản xuất ô tô từ Toyota đến Tesla đang phải đối mặt với những trở ngại về sản xuất và chi phí “chưa từng có”. Trong khi đó, Sony đang phải vật lộn để sản xuất ra đủ máy chơi game PlayStations.

Đường phố Thượng Hải không một bóng người do phong tỏa COVID. (Ảnh: Bloomberg).

Cụm từ “gián đoạn chuỗi cung ứng” lại một lần nữa được lặp đi lặp lại trong mùa báo cáo thu nhập doanh nghiệp, nhưng những đứt gãy còn vượt ra ngoài vấn đề kinh doanh của các công ty đa quốc gia. 

Các bệnh viện tại Mỹ và Australia đang khổ sở vì thiếu hóa chất dùng trong chụp X-quang, trong khi các dự án bất động sản bị đình trệ do khan hiếm nguyên vật liệu.

Ông Jake Phipps, chủ doanh nghiệp cung cấp nội thất phòng tắm sang trọng và mặt bàn bếp cho các dự án nhà cao tầng, đang chứng kiến sự chậm trễ hàng tháng đối với đơn hàng vòi nước từ Thượng Hải. 

Ông nói: “Tất cả dự án xây dựng ở đây đều phụ thuộc vào nguyên liệu thô. Chuỗi cung ứng vốn đã rất lộn xộn, và những đứt gãy mới đang làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn”.

Phương pháp tiếp cận không khoan nhượng của Bắc Kinh đối với COVID đã khiến các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải bị chậm lại và tắc nghẽn container trở nên tồi tệ hơn. 

Rất nhiều tàu đang phải chờ đợi ngoài khơi Thượng Hải.

Vì Trung Quốc chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu nên việc biến động bắt đầu lan rộng khắp các nền kinh tế và đẩy lạm phát gia tăng chỉ là vấn đề thời gian.

Ông Jonathan Gold, Phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của National Retail cho biết: “Một khi Thượng Hải mở cửa và mọi thứ trở lại guồng quay, tất cả tàu hàng đang chờ đợi sẽ hướng tới Mỹ, và đặt ra thêm thách thức với tình trạng tắc nghẽn”.

Dưới đây những lĩnh vực đang bị đảo lộn bởi các biện pháp chống dịch của Trung Quốc.

Dự án xây dựng

Ông Phipps, người sáng lập Phipps International, ngày càng thất vọng hơn khi các lô hàng vòi nước của ông bị trì hoãn từ hai đến ba tháng và không chắc chắn khi nào có thể rời Thượng Hải. Các nhà cung cấp liên tục nói với ông rằng "5 ngày nữa", nhưng 5 ngày đã trở thành 40 ngày.

Một nhà máy sản xuất khuôn đúc vòi nước đã quay lại hoạt động vào tuần trước sau hơn một tháng tạm ngưng. Nhưng các vòi nước, sau khi được sản xuất, vẫn cần được chuyển đến các nhà máy khác để mạ crom và đánh bóng, và những cơ sở này vẫn đóng cửa. Thêm vào đó, những người lái xe tải cũng đang vô cùng khan hiếm.

“Thiếu tài xế một trong những vấn đề lớn nhất. Những người lái xe tải không thể chuyển hàng hóa vì chính phủ không muốn họ lây truyền COVID từ thành phố này sang thành phố khác”, ông Phipps cho biết.

Ông nói thêm rằng việc chờ đợi vòi phòng tắm và đồ nội thất từ Trung Quốc sẽ khiến các dự án xây dựng ở Mỹ bị trì hoãn, một số đã chậm tiến độ tới một năm. Ông Phipps đang chuyển một số hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Việt Nam và mua đá cẩm thạch, thạch anh, granit từ Italia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ thay vì Trung Quốc.

Giày dép và quần áo

Các nhà máy sản xuất quần áo và giày dép tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng do nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc đang dần cạn kiệt. Việt Nam là nhà cung cấp quần áo và giày dép lớn thứ hai cho Mỹ, theo Hiệp hội Quần áo & Giày dép Mỹ.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cho biết chiến lược Zero COVID của Trung Quốc đang làm “giảm mạnh” nguồn nguyên liệu chủ chốt tại các nhà máy giày, nơi phụ thuộc 60% đầu vào từ Trung Quốc. 

Trong tháng 5, Adidas SE đã cắt giảm mục tiêu lợi nhuận, do thiếu nguyên liệu đầu vào ở Việt Nam làm giảm nguồn cung sản phẩm, ảnh hưởng tới doanh số bán hàng.

Nhân viên y tế đang kiểm tra một xe tải tại Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg).

Công nghệ

Những gã khổng lồ như Microsoft hay Texas Instruments cho biết phong tỏa sẽ làm giảm doanh số bán hàng và khiến việc sản xuất các sản phẩm như máy chơi game Xbox khó khăn hơn. 

Vào tháng trước, Apple tuyên bố các hạn chế sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động trong tháng 6, với các hạn chế về nguồn cung có thể gây thiệt hại từ 4 đến 8 tỷ USD doanh thu.

Pegatron, doanh nghiệp gia công lớn của Apple tuần này đã cắt giảm triển vọng quý II đối với các lô hàng máy tính xách tay. Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất Trung Quốc, cho biết các đợt phong tỏa có thể làm sụt giảm khoảng 5% sản lượng của công ty trong quý gần nhất.

Sony đã hạ doanh số bán hàng của máy chơi game PlayStation 5 với lý do chuỗi cung ứng phức tạp vì đại dịch COVID, bao gồm cả việc phong tỏa ở Trung Quốc. Nintendo cũng cho biết đã có một số tác động đến doanh số do tình hình ở Thượng Hải.

Trang thiết bị y tế

Zero COVID ở Thượng Hải thậm chí còn có tác động đến hoạt động chăm sóc sức khỏe, vì phong tỏa đã gây ra sự thiếu hụt toàn cầu về hóa chất được sử dụng trong các chẩn đoán hình ảnh.

Vào đầu tháng này, Hiệp hội Bệnh viện Đại học New York cho biết rằng các cơ sở chăm sóc sức khỏe đang thiếu hụt dung dịch tương phản có iot có tên gọi Omnipaque sản xuất tại nhà máy GE Healthcare ở Thượng Hải. 

Chất hóa học này được sử dụng rộng rãi trong chụp X quang và chụp CT. Hiệp hội này cảnh báo rằng nguồn cung có thể bị cắt giảm tới 80% trong hai tháng tới, mặc dù nhà máy hiện đã hoạt động trở lại.

Người phát ngôn của Hiệp hội Xạ trị và Hình ảnh Y tế Australia cho rằng tình trạng thiếu thuốc cản quang có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều tuần. Hiệp hội đã yêu cầu 9.000 thành viên của mình, bao gồm các bác sĩ chụp X quang, ưu tiên chụp chiếu cho những trường hợp khẩn cấp và cố gắng tìm kiếm các nhà cung cấp khác.

Một đại diện của GE Healthcare cho biết công ty đã "làm việc suốt ngày đêm để mở rộng công suất" của hóa chất hình ảnh.

Loa cao cấp

Trong tuần này, Bang & Olufsen, nhà sản xuất dàn âm thanh sang trọng, đã cắt giảm triển vọng tài chính do những diễn biến ở Trung Quốc. Công ty Đan Mạch bán những chiếc loa có giá lên tới 110.000 USD cho biết phong tỏa COVID không chỉ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trong nước mà còn tràn sang các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Giám đốc điều hành Kristian Tear nói: “Các đợt phong tỏa diễn ra rộng rãi hơn chúng tôi dự đoán, và không chỉ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng ở Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến khả năng cung ứng sản phẩm trên toàn cầu”.

Xe hơi

Công nhân Tesla mặc đồ bảo hộ đang chuyển xe mới xuất xưởng lên tàu tại cảng Yên Đài. (Ảnh: Tang Ke/Future Publishing).

Một loạt nhà sản xuất ô tô từ Volkswagen đến Toyota đã tiếp tục sản xuất tại các nhà máy ở Thượng Hải và tỉnh công nghiệp Cát Lâm, mặc dù các vấn đề logistics vẫn tồn tại.

Nhà máy của Tesla tại Thượng Hải đã gặp khó khăn do gián đoạn và phong tỏa trong ba tuần vào tháng trước. Nhà máy này hiện đã bắt đầu hoạt động trở lại vào cuối tháng 4 theo một hệ thống được gọi là vòng khép kín, tức là công nhân sinh hoạt ngay tại nhà máy và được xét nghiệm thường xuyên. 

Nhưng với việc phần lớn Thượng Hải vẫn đang bị phong tỏa, vẫn còn nhiều thách thức đối với việc vận chuyển vật tư và nguyên liệu. Nhà máy Telsa thường xuất xưởng khoảng 60.000 xe mỗi tháng, nhưng tháng 4 vừa qua chỉ giao 1.512 xe ra khỏi Thượng Hải.

Trong khi đó, Toyota đang vật lộn với sự gia tăng “chưa từng có” của chi phí logistics và nguyên liệu, khiến hãng dự báo lợi nhuận giảm 20% trong năm tài chính hiện tại.

Các nhà sản xuất ô tô ở phía bên kia thế giới cũng đang chật vật vì những bộ phận được sản xuất tại Trung Quốc không thể đến tay khách hàng. Tại Brazil, tình trạng thiếu chất bán dẫn đã khiến các nhà máy giảm sản lượng ít nhất 100.000 xe trong năm nay, theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe ô tô quốc gia.

IHS đã hạ dự báo sản lượng ô tô tại khu vực Châu Âu và Trung Quốc.

Vào tháng 3, IHS Markit đã hạ dự báo về sản lượng ô tô toàn cầu vào năm 2022 do tác động từ xung đột Ukraine, sau đó lại tiếp tục hạ thấp hơn nữa vào tháng 4 do ảnh hưởng từ dịch COVID tại Trung Quốc, và các rủi ro gia tăng khác.

Minh Quang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.