|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ nghĩa bảo hộ lương thực lên ngôi, nhen nhóm một nạn đói toàn cầu

21:30 | 20/05/2022
Chia sẻ
Để ứng phó với ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine, một loạt nhà xuất khẩu lớn đã cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lương thực. Động thái này đe dọa làm nhen nhóm một nạn đói trên quy mô toàn cầu.

Không chỉ Ấn Độ ban lệnh cấm

Cuối tuần trước, Ấn Độ đã chính thức cấm xuất khẩu lúa mì, trở thành quốc gia mới nhất có động thái tương tự khi giá ngũ cốc tăng mạnh, một phần do chiến sự giữa Nga và nước láng giềng Ukraine.

Ấn Độ không đơn độc. Ngoài quốc gia Nam Á này, Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia cũng đã cấm xuất khẩu lúa mì, CNBC liệt kê. Chưa dừng lại ở đó, các nước khác cũng đã tiến tới hạn chế xuất khẩu lương thực để hạn chế thiệt hại từ cuộc chiến tại Ukraine đối với người tiêu dùng trong nước.

Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) đã tổng hợp danh sách các quốc gia đã cấm xuất khẩu thực phẩm trong những tháng sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, cụ thể gồm:

 

Theo World Bank, Nga và Ukraine hiện chiếm khoảng 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Ngoài ra, hai nước còn nằm trong số 5 nhà xuất khẩu lớn nhất của dầu hướng dương và các loại ngũ cốc khác. Vì lẽ đó, cuộc chiến đã kích hoạt một đợt tăng giá mới đối với nhiều loại thực phẩm.

Chủ nghĩa bảo hộ lương thực

Động thái của các nước trên cho thấy chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại trên thị trường lương thực toàn cầu. Hiện tượng này đang làm trầm trọng thêm bài toán mà chính phủ các nước đang đối mặt: lạm phát liên tục ở mức cao, tăng trưởng kinh tế chững lại, và căng thẳng địa chính trị âm ỉ.

Các biện pháp bảo hộ trên khiến hóa đơn nhập khẩu thực phẩm của các nước phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế tăng thêm, mà chủ yếu là các quốc gia đang phát triển và những nước nghèo bậc nhất thế giới.

Chia sẻ với Financial Times, bà Beata Javorcik, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ thổi bùng giá hàng hóa vốn đã ở mức kỷ lục, qua đó gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu.

“Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói trên thế giới. Và trong những trường hợp cực đoan nhất, nó có thể khiến các chế độ độc tài tăng cường áp bức người dân hơn nữa”, bà Javorcik lưu ý.

Trước chiến sự Nga - Ukraine, hạn hán và các hạn chế lao động trong thời đại dịch đã kéo giá lương thực quốc tế tăng chóng mặt. IFPRI cho biết, cuộc chiến tại Ukraine đã khiến 23 quốc gia chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ lương thực.

Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Jakarta là một đòn giáng mạnh vào những người tiêu dùng đang phải vật lộn với việc giá nấu ăn tăng vọt vì xung đột Nga - Ukraine. (Ảnh minh họa: Financial Times/Reuters).

Ông David Laborde, thành viên cấp cao tại IFPRI, cho biết các hạn chế xuất khẩu đã tạo ra hiệu ứng domino, làm giảm nguồn cung cho những nước đang thực sự rất cần lương thực.

“Bạn sẽ phá hoại hệ thống thương mại quốc tế”, ông Laborde nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng nông dân cũng có thể mất động lực trồng trọt khi các hạn chế khiến họ khó tiếp cận thị trường quốc tế. “Cùng lúc, bạn làm tổn hại cho hệ thống canh tác trong nước và cả nguồn cung thực phẩm của chính mình”.

Đặc biệt, rắc rối trong chuỗi cung ứng lương thực đang thổi bùng vấn đề lạm phát tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA), khiến triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi. Khoảng 500 triệu dân, đặc biệt là những người nghèo và thất nghiệp, bị liên lụy.

Trao đổi với CNBC, ông Kamal Alam - nhà nghiên cứu cấp cao tại viện chính sách Atlantic Council, bình luận: “Lạm phát và kinh tế còn hệ trọng đối với sự ổn định của MENA hơn cả tự do chính trị”.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát tại khu vực MENA đã tăng lên 14,8% trong năm ngoái. Thời điểm đó, giá lương thực leo thang là động lực chính, chiếm khoảng 60% mức tăng lạm phát, ngoại trừ các “đại gia” dầu mỏ ở Vùng Vịnh.

Ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho hay: “Hiện chúng ta có 45 triệu người ở 38 quốc gia đang ở ngưỡng cửa đói ăn. Giả sử giá thực phẩm tăng trung bình khoảng 38 - 40%, thì ở một số nơi rất khó khăn, giá có thể tăng đến 100, 200% như ở Syria”.

Ai Cập, quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập, nhập khẩu khoảng 80% lượng lúa mì từ Ukraine và Nga. Lebanon, vốn đã rơi vào khủng hoảng nợ và lạm phát nhiều năm qua, nhập khẩu 60% lúa mì từ hai nước Liên Xô cũ. Tunisia cũng mua 80% ngũ cốc từ Nga và Ukraine.

Theo nhận định chuyên gia phát triển kinh tế Amer Alhussein, Ai Cập có thể “mất rất nhiều thứ từ cuộc chiến khi chương trình trợ cấp bánh mì của chính phủ đã tiếp cận hơn một nửa dân số và trở thành một trụ cột nhằm duy trì sự ổn định xã hội ở quốc gia đông dân nhất Thế giới Ả Rập”.

Trong khi đó, Lebanon đang phải đối mặt với “nhiều cảnh báo về một nạn đói sắp xảy ra”, ông Alhussein nói. “Tình hình hiện tại rất có thể sớm phát triển thành các cuộc biểu tình và bạo loạn tương tự năm 2019, nhưng mức độ bạo lực cao hơn do mức sống ở địa phương đi xuống trầm trọng và vấn đề an ninh lương thực ngày càng tồi tệ”.

Ông Beasley của WFP cảnh báo, mùa thu năm nay chính là thời điểm cuộc chiến tại Đông Âu thực sự ảnh hưởng đến khu vực MENA và cuộc khủng hoảng này có thể kích hoạt một cuộc di cư hàng loạt.

“Có thể bạn nghĩ chúng ta đang chứng kiến một địa ngục trần gian, nhưng thực ra đây mới chỉ là khúc dạo đầu thôi”, ông Beasley nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Politico hồi tháng 3. “Nếu chúng ta phớt lờ Bắc Phi và Trung Đông, thì những gì xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ tái diễn ở châu Âu”.

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.