|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ đói ăn lớn dần sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì

17:08 | 16/05/2022
Chia sẻ
Giá lúa mì đã bật tăng mạnh mẽ, thậm chí chạm giới hạn trên của sàn Chicago sau động thái hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ. Diễn biến này cho thấy nguồn cung lúa mì toàn cầu đang eo hẹp như thế nào, đặc biệt là từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Hôm 13/5, Ấn Độ tuyên bố sẽ tạm ngừng xuất khẩu lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Động thái này đã thu hút sự chỉ trích từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp của các nước G7. Họ khẳng định các biện pháp như vậy sẽ khiến cuộc khủng hoảng của thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Tại sàn giao dịch Chicago, giá lúa mì giao sau có thời điểm nhích khoảng 5,9% lên 12,47 USD/bushel - xác lập mức cao nhất trong hai tháng. Từ đầu năm đến nay, giá của loại ngũ cốc này đã tăng khoảng 60%, qua đó kéo giá của nhiều loại lương thực từ bánh ngọt đến mì tôm cùng đi lên.

Điều đáng ngạc nhiên là Ấn Độ thậm chí không phải một nước xuất khẩu nổi bật trên thị trường thế giới. Chỉ một lệnh hạn chế của New Delhi mà đã gây tác động lớn đến thế, thì chứng tỏ triển vọng nguồn cung lúa mì toàn cầu đang rất ảm đảm, Bloomberg nhận định.

Trước đó, cuộc xung đột quân sự với Nga đã làm tê liệt hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine - quốc gia được mệnh danh là “ổ bánh mì của châu Âu”. Đồng thời, hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt cũng đang đe dọa mùa màng ở hầu hết các nhà sản xuất lớn.

Ông Andrew Whitelaw, một nhà phân tích tại hãng tư vấn thương mại hàng hóa Thomas Elder Markets, cho biết: “Nếu lệnh cấm của Ấn Độ xuất hiện trong một năm bình thường, tác động sẽ ở mức rất nhỏ. Tuy nhiên, lượng ngũ cốc thất thoát từ Ukraine lại đang làm trầm trọng thêm vấn đề nguồn cung”.

Quyết định hạn chế xuất khẩu của New Delhi được đưa ra sau khi các đợt nắng nóng kỷ lục làm khô héo mùa màng tại đất nước Nam Á, khiến giới chuyên gia phải hạ ước tính về sản lượng tại một thời điểm khá trọng yếu.

Rủi ro về sản lượng ngũ cốc đã gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Ấn Độ, quốc gia đang cố gắng lấp đầy khoảng trống về nguồn cung khi nông sản của Ukraine bị mắc kẹt không thể xuất ra ngoài, buộc người mua phải tìm kiếm các nhà cung ứng thay thế.

Ấn Độ phải ưu tiên người dân trong nước, ngay cả khi động thái của họ có nguy cơ làm lu mờ hình ảnh của một nhà cung ứng đáng tin cậy. Hiện tại, Thủ tướng Narendra Modi đang phải đối mặt với áp lực lạm phát lớn, cùng với thái độ giận dữ của người tiêu dùng ngay tại quê nhà.

Dù vậy, hành động của Ấn Độ đã làm gia tăng làn sóng bảo hộ thương thực trên toàn cầu, đặc biệt là kề từ khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ. Chính quyền trên khắp hành tinh đang tìm cách đảm bảo nguồn lương thực cho từng nước trong bối cảnh giá nông sản tăng quá cao.

 

Trước Ấn Độ, Indonesia đã tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu dầu cọ, trong khi Serbia và Kazakhstan áp đặt hạn ngạch đối với các lô hàng ngũ cốc xuất khẩu. Theo Bloomberg, giới thương nhân rất thất vọng trước chính sách bảo hộ thương mại.

Ông Vijay Iyengar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hàng của công ty thương mại Agrocorp International, chia sẻ: “Rất nhiều nhà xuất khẩu và khách hàng trên toàn thế giới đã cam kết mua lúa mì của Ấn Độ. Họ nên được tôn trọng”. Agrocorp giao dịch khoảng 12 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm.

Giữa lúc đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng thực phẩm do các lệnh hạn chế từ Ấn Độ cũng như một số quốc gia khác đang làm tăng nguy cơ xảy ra nạn đói toàn cầu.

Chia sẻ với CNBC, ông Valdis Dombrovskis - người phụ trách thương mại của EU, nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nhất trí với Mỹ rằng hai bên sẽ hợp tác và phối hợp trong lĩnh vực lương thực nhằm đáp trả hành động gây hấn của Nga với Ukraine và phản ứng trước sự gia tăng của giá ngũ cốc lẫn lo ngại về an ninh lương thực…”

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.