|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên từ năm 1918

07:48 | 27/06/2022
Chia sẻ
Theo đưa tin từ Bloomberg, Nga vừa bị vỡ nợ trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ. Các biện pháp trừng phạt ngày càng khắt khe của phương Tây đã chặn đường thanh toán của Moscow.

Kết thúc thời gian ân hạn

Trong nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đã tìm cách để thoát khỏi vòng vây của một loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga kể từ khi nước này tấn công Ukraine.

Cuối ngày 26/6, thời gian ân hạn đối với khoản thanh toán tiền lãi trị giá 100 triệu USD của lô trái phiếu đến hạn ngày 27/5 đã kết thúc. Khi không thể thực hiện thanh toán vào hạn chót này, Moscow bị coi là đã vỡ nợ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP).

Vụ vỡ nợ trái phiếu ngoại tệ mới đây là một khoảnh khắc nghiệt ngã của Nga khi nước này nhanh chóng trở thành một quốc gia bị cả thế giới ruồng bỏ về kinh tế, tài chính và chính trị.

Kể từ tháng 3, trái phiếu đồng euro của Nga đã giao dịch rất khó khăn, dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương bị đóng băng và các ngân hàng thương mại lớn nhất đất nước bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Song, với những thiệt hại mà các cấm vận đã gây ra cho nền kinh tế và thị trường tài chính Nga, vụ vỡ nợ trên hầu như chỉ mang tính biểu tượng. Vỡ nợ cũng không hệ trọng với người Nga bằng việc lạm phát đang ở mức hai con số và tăng trưởng kinh tế lao dốc nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua.

Nga phản pháo

Chính quyền Moscow phản đối các tuyên bố cho rằng nước này vỡ nợ. Moscow khẳng định họ có đủ tiền để chi trả bất kỳ khoản thanh toán nào và thực chất Nga đang bị phương Tây gây khó dễ nên không thể thanh toán.

Để tìm cách thoát khỏi khó khăn đang bủa vây, tuần trước, Moscow tuyên bố rằng họ sẽ thanh toán lãi cho 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế bằng đồng ruble. Chính quyền ông Putin đã đề cập đến một tình huống “bất khả kháng”, cáo buộc phương Tây dàn xếp để đẩy Nga vào cảnh vỡ nợ.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Hassan Malik - nhà phân tích cao cấp về nợ chính phủ tại công ty tài chính Loomis Sayles & Company, bình luận: “Rất hiếm khi một chính phủ có khả năng thanh toán lãi trái phiếu nhưng lại bị các chính phủ khác buộc rơi vào tình trạng vỡ nợ. Đó sẽ là một trong những vụ vỡ nợ ầm ĩ trong lịch sử”.

Tuyên bố vỡ nợ chính thức thường được do các công ty xếp hạng tín dụng đưa ra, nhưng lệnh trừng phạt của châu Âu đã khiến các công ty này rút lại xếp hạng đối với các thực thể của Nga.

Theo tài liệu liên quan đến lô trái phiếu vừa kết thúc thời gian ân hạn vào ngày 26/6, các trái chủ có thể tuyên bố Nga vỡ nợ nếu chủ sở hữu của 25% số trái phiếu đang lưu hành đồng thuận rằng “sự kiện vỡ nợ” đã xảy ra.

Giờ đây, các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ của Nga có thể tiếp tục theo dõi diễn biến cuộc chiến tại Ukraine với hy vọng rằng phương Tây có thể nới lỏng trừng phạt. Ưu thế thời gian hiện vẫn nằm ở phía họ: các yêu cầu bồi thường chỉ vô hiệu sau ba năm kể từ ngày thanh toán.

Ông Takahide Kiuchi, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura tại Tokyo, nhận định: “Hầu hết trái chủ sẽ chờ đợi và quan sát”.

Ngày 23/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov đã bác bỏ cáo buộc vỡ nợ, nói đây là một “trò hề”. Trong bối cảnh hàng tỷ USD vẫn chảy vào ngân khố của Nga mỗi tuần nhờ xuất khẩu năng lượng, ông Siluanov nhấn mạnh Nga có đủ công cụ và sẵn lòng thanh toán cho các trái chủ.

“Bất cứ ai có thể tuyên bố những gì họ muốn”, vị bộ trưởng cho hay. “Nhưng bất cứ ai hiểu chuyện gì đang xảy ra đều biết rằng đây không phải là một vụ vỡ nợ”, ông Siluanov khẳng định trước truyền thông.

Các khoản thanh toán trái phiếu ngoại tệ của Nga bị đình trệ sau khi Bộ Tài chính thu hồi quyền miễn trừ đặc biệt cho phép các trái chủ tại Mỹ nhận thanh toán từ chính quyền Moscow. Thời gian sau đó, Cơ quan Lưu ký Thanh toán Quốc gia Nga, đơn vị chịu trách nhiệm thanh toán cho nhiều lô trái phiếu, cũng bị Liên minh châu Âu trừng phạt.

Ngoài vụ vỡ nợ nước ngoài năm 1918, Nga từng vỡ nợ một lô trái phiếu trong nước năm 1998. Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á dẫn đến sự sụp đổ của đồng ruble vào năm 1998, chính quyền của Tổng thốg Boris Yeltsin đã vỡ nợ 40 tỷ USD trái phiếu địa phương.

Yên Khê