Nga vỡ nợ nước ngoài, thiệt hại lan rộng tới đâu?
Cuối ngày 26/6, thời gian ân hạn để Nga trả khoản lãi 100 triệu USD của lô trái phiếu đến hạn vào ngày 27/5 đã chính thức khép lại. Do không thể thực hiện thanh toán đúng hạn chót này, Moscow bị coi là đã vỡ nợ nước ngoài - lần đầu tiên kể từ năm 1918.
Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã thu hồi một miễn trừ đặc biệt từng giúp Nga chi trả hàng tỷ USD tiền nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế thông qua hệ thống ngân hàng của Mỹ. Đáp lại, Bộ Tài chính Nga thông báo sẽ thanh toán tiền lãi trái phiếu ngoại tệ bằng đồng ruble.
Đồng thời, Moscow còn khẳng định phương Tây cố tình đẩy Nga vào cảnh vỡ nợ, vì thực chất Điện Kremlin vẫn có đủ tiền để thanh toán nhưng các lệnh trừng phạt đã đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov từng nhấn mạnh: “Chúng tôi có tiền và luôn sẵn lòng thanh toán. Tình huống này là do một quốc gia không thân thiện cố tình dàn xếp, nhưng sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến chất lượng cuộc sống của người Nga”.
Chia sẻ trên Twitter, ông Tim Ash - nhà phân tích cấp cao tại hãng tài chính Bluebay Asset Management, nhận định rằng Nga rõ ràng có thể kiểm soát nguy cơ vỡ nợ. Theo vị chuyên gia, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang ngăn cản nước này trả nợ.
Dưới đây là những điều cần biết về vụ vỡ nợ mới đây của Nga, theo thông tin từ AP:
Nga nợ bao nhiêu?
Moscow hiện có khoảng 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế, khoảng một nửa thuộc về các trái chủ nước ngoài. Trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, nhưng phần lớn đang bị đóng băng.
Lần cuối cùng Nga vỡ nợ nước ngoài là sau cuộc cách mạng Bolshevik cách đây hơn một thế kỷ, khi Đế chế Nga sụp đổ và Liên bang Xô viết được thành lập. Ngoài ra, nước này từng vỡ nợ trái phiếu nội địa vào năm 1998 nhưng đã cứu vãn được tình thế nhờ viện trợ quốc tế.
- TIN LIÊN QUAN
-
[Infographic] Nga đang nợ ngân hàng các nước nào nhiều nhất? 27/06/2022 - 17:04
Trong nhiều tháng qua, giới đầu tư đã dự đoán về nguy cơ Nga vỡ nợ. Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm như Standard & Poor’s và Moody’s cũng đánh giá trái phiếu của chính phủ Nga là trái phiếu rác.
Làm sao biết nước nào đã vỡ nợ?
Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm có thể đưa ra tuyên bố rằng một nước đã vỡ nợ hoặc toà án cũng có thể ra phán quyết, hãng tin AP cho hay.
Mặt khác, các trái chủ có hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swap) có thể yêu cầu một ủy ban gồm đại diện của các công ty tài chính lớn xác định xem việc một nước không thể thanh toán được nợ có thể buộc nước đó trả tiền ngay lập tức (payout) hay không. Song, đây không phải là tuyên bố chính thức rằng nước đó đã vỡ nợ.
Hôm 7/6, Uỷ ban Xác định Vỡ nợ Tín dụng - một nhóm gồm các ngân hàng và quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, phán quyết rằng Nga đã không trả thêm lãi suất bắt buộc sau khi thanh toán cho một lô trái phiếu đến hạn ngày 4/4.
Tuy nhiên, cơ quan trên tạm thời chưa thực hiện thêm bất kỳ động thái mới nào do khó phán đoán về ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với việc thanh toán nợ của chính phủ Nga.
Nhà đầu tư có thể làm gì?
Nếu có từ 25% trái chủ khẳng định họ chưa nhận được tiền thanh toán, thì một quốc gia cũng được xác định là đã chính thức vỡ nợ. Một khi kịch bản này xảy ra, thì theo điều khoản trong hợp đồng, toàn bộ các lô trái phiếu quốc tế khác của Nga cũng bị vỡ nợ và trái chủ sau đó có thể yêu cầu tòa án can thiệp để buộc Moscow thanh toán.
Trong trường hợp bình thường, các nhà đầu tư và chính phủ bị tuyên bố vỡ nợ có thể thương lượng với nhau. Các trái chủ có thể nhận được các trái phiếu mới có giá trị thấp hơn nhưng ít nhất có thể đền bù phần nào tổn thất cho họ.
Tuy nhiên, các cấm vận của phương Tây đang ngăn nhà đầu tư dàn xếp với Bộ Tài chính Nga. Hơn nữa, không ai biết khi nào chiến sự tại Ukraine kết thúc hoặc những trái phiếu bị vỡ nợ có tổng giá trị bao nhiêu.
Trong trường hợp nêu trên, tuyên bố Nga vỡ nợ và khởi kiện “có thể không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất [của các trái chủ]”, ông Jay S. Auslander, luật sư chuyên về nợ chính phủ tại hãng luật Wilk Auslander, cho hay.
Theo vị luật sư, nếu làm như vậy, các nhà đầu tư không thể thương lượng với Nga và còn quá nhiều biến số còn chưa biết. Do đó, các chủ nợ nên chờ đợi và quan sát tình hình thì hơn.
Các nhà đầu tư muốn tháo chạy khỏi trái phiếu quốc tế của Nga có thể đã “thoát hàng”, vô tình đẩy những người đã mua trái phiếu của Nga với giá hời và hy vọng kiếm được lợi nhuận béo bở vào thế khó.
Một khi vỡ nợ, một quốc gia có thể bị cô lập khỏi thị trường trái phiếu quốc tế cho đến khi thu xếp xong việc thanh toán và giành lại niềm tin ở nhà đầu tư. Tuy nhiên, Nga hiện đã bị cắt đứt khỏi thị trường vốn phương Tây, cho nên việc quay lại vay nợ đã là một hành trình rất khó khăn và gian nan.
Tác động từ vụ vỡ nợ của Nga lớn đến đâu?
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc các công ty nước ngoài phải tháo chạy khỏi Nga, đồng thời làm gián đoạn mối quan hệ thương mại - tài chính của nước này với phần còn lại của thế giới. Vỡ nợ sẽ là một trong những “triệu chứng” của “căn bệnh” cô lập mà Nga đang phải chịu.
Giới phân tích thận trọng cho rằng nếu lần này chính phủ Nga thực sự vỡ nợ nước ngoài thì tác động đến thị trường tài chính toàn cầu sẽ không nghiêm trọng như vụ việc năm 1998.
Khi xưa, việc Nga không thể thanh toán trái phiếu đồng ruble đã khiến chính phủ Mỹ phải vào cuộc và kêu gọi các ngân hàng giải cứu quỹ phòng hộ Long-Term Capital Management vì e ngại sự sụp đổ của quỹ này có thể làm rung chuyển hệ thống tài chính và ngân hàng.
Song, các trái chủ - chẳng hạn như các quỹ đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi, có thể bị thua lỗ nghiêm trọng. Dù vậy, Nga chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi, nên thiệt hại cho các quỹ đầu tư sẽ giảm bớt một phần.
Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva từng cho hay, mặc dù cuộc chiến đang gây ra những hậu quả tàn khốc về con người và làm leo thang giá lương thực và năng lượng, việc vỡ nợ trái phiếu chính phủ “chắc chắn không gây thiệt hại mang tính hệ thống”.