|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

[Infographic] Nga đang nợ ngân hàng các nước nào nhiều nhất?

17:04 | 27/06/2022
Chia sẻ
Theo phân tích của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Nga đang nợ các ngân hàng phương Tây khoảng 121 tỷ USD. Trong đó, mức độ tiếp xúc với nợ chính phủ Nga cao nhất là ở Italy và Pháp.

Cuối ngày 26/6, thời gian ân hạn để Nga trả khoản lãi 100 triệu USD của lô trái phiếu đến hạn vào ngày 27/5 đã chính thức khép lại. Do không thể thực hiện thanh toán đúng hạn chót này, Moscow bị coi là đã vỡ nợ nước ngoài - lần đầu tiên kể từ năm 1918.

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã thu hồi một miễn trừ đặc biệt từng giúp Nga chi trả hàng tỷ USD tiền nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư quốc tế thông qua hệ thống ngân hàng của Mỹ.

Đáp lại, Bộ Tài chính Nga thông báo sẽ thanh toán tiền lãi trái phiếu ngoại tệ bằng đồng ruble. Đồng thời, Moscow còn khẳng định phương Tây cố tình đẩy Nga vào cảnh vỡ nợ, vì thực chất Điện Kremlin vẫn có đủ tiền để thanh toán nhưng các lệnh trừng phạt đã đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga ở nước ngoài.

Mặt khác, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nếu Nga vỡ nợ thì cũng không gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế toàn cầu vì mức độ tiếp xúc của các ngân hàng quốc tế với trái phiếu của chính phủ Nga là tương đối thấp, ở mức 121 tỷ USD.

Chia sẻ tại một sự kiện, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva từng cho biết, mặc dù cuộc chiến đang gây ra những hậu quả tàn khốc về con người và làm leo thang giá lương thực và năng lượng, việc vỡ nợ trái phiếu chính phủ “chắc chắn không gây thiệt hại mang tính hệ thống”.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã phân tích các khoản nợ nước ngoài của Nga. Theo đó, mức độ rủi ro cao nhất là ở Italy và Pháp. Tính đến cuối quý III năm ngoái, Nga nợ mỗi nước hơn 25 tỷ USD.

Tại Áo và Mỹ, mức độ tiếp xúc đối với trái phiếu có chủ quyền của Nga lần lượt là 17,5 tỷ USD và 14,7 tỷ USD. Một lý do khiến Áo xếp hạng cao là vì Raiffeisen - một trong các ngân hàng lớn nhất nước này, có một công ty con rất quy mô ở Nga.

Ngoài ra, Áo cũng hợp tác sâu sắc với Nga về năng lượng. Theo Statista, Áo, cùng với Đức, Italy, Hà Lan và Hungary là các nước đã phản đối việc cấm Nga sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế SWIFT.

Động thái cô lập Nga khỏi SWIFT khiến các thực thể ở xứ sở Bạch Dương khó có thể giải quyết các khoản nợ quốc tế của họ. Ngoài ra, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và G7 cũng không thể gửi tiền vào các ngân hàng bị cấm vận của Nga để thanh toán hàng hoá hoặc dịch vụ.

Giới chuyên gia từng đồn đoán rất nhiều rằng liệu việc cấm Moscow tham gia SWIFT có khiến châu Âu mất khả năng thanh toán cho các đơn hàng khí đốt tự nhiên từ Nga hay không.

Song, Gazprombank - ngân hàng chịu trách nhiệm xử lý rất nhiều giao dịch vì là nhánh tài chính của tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom, vẫn chưa bị hạn chế tham gia vào SWIFT.

 

Khả Nhân

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.