|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga vừa nghĩ ra cách mới để lách trừng phạt và tránh cảnh vỡ nợ

16:18 | 07/06/2022
Chia sẻ
Nga đang tìm cách để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn nhằm mục đích ngăn cản Moscow thực hiện các khoản thanh toán lãi trái phiếu bằng đồng USD. Và dường như Nga đã tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Moscow nghĩ ra cách mới để lách luật

Chính phủ Nga suýt rơi vào một vụ vỡ nợ lịch sử sau khi Bộ Tài chính Mỹ vào ngày 25/5 chấm dứt một miễn trừ quan trọng đối với Moscow. Trước đó, miễn trừ này cho phép Điện Kremlin xử lý các khoản thanh toán cho trái chủ nước ngoài bằng đồng USD, thông qua cacs ngân hàng Mỹ và quốc tế.

Cuối tuần trước, thông qua trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NSD), Bộ Tài chính Nga đã chuyển 100 triệu USD thanh toán lãi cho hai lô trái phiếu đồng euro. Khoản tiền này được chuyển đi bằng đồng ruble. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn khi tiền nhất định phải đến được tài khoản của các trái chủ nước ngoài.

Các khoản thanh toán trên có thời gian ân hạn 30 ngày và Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định họ có đủ tiền để trả nợ. Song, một khi Moscow không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, nước này sẽ phải tuyên bố vỡ nợ lần đầu tiên kể từ Cách mạng Bolshevik năm 1917.

 

Tính từ giờ đến cuối năm nay, Nga còn phải thanh toán khoảng 2 tỷ USD tiền lãi trái phiếu khác. Một số trái phiếu được phát hành sau năm 2014 nên Moscow có thể thanh toán bằng đồng ruble hoặc các tiền tệ thay thế, tùy thuộc vào hợp đồng với chủ nợ.

Chia sẻ với tờ Vedomosti đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Moscow sẽ tiếp tục thanh toán các khoản nợ nước ngoài bằng đồng nội tệ, nhưng các chủ nợ sở hữu trái phiếu đồng euro sẽ cần phải mở tài khoản đồng ruble và ngoại tệ cứng với các ngân hàng Nga để nhận thanh toán.

Ông Siluanov nói: “Tương tự như yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, chúng tôi sẽ đăng ký thanh toán bằng ngoại tệ, sau đó tiền sẽ được đổi thành ruble thay mặt cho chủ nợ. Việc thanh toán sẽ diễn ra như thế”.

Tức là, cơ chế thanh toán lãi trái phiếu sẽ tiến hành giống như thanh toán hợp đồng khí đốt, nhưng theo chiều ngược lại và sẽ được thực hiện qua NSD, ông Siluanov đề xuất. NSD, khác với các tổ chức tài chính khác của Nga, hiện chưa chịu trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, cuối tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã áp trừng phạt đối với NSD. Điều đó đồng nghĩa rằng Nga sẽ khó thanh toán các khoản lãi trái phiếu bằng ngoại tệ hơn nếu không có sự giúp đỡ của NSD.

Vận may hết mỉm cười với Nga

Chia sẻ với CNBC, ông Timothy Ash - chiến lược gia cấp cao tại hãng tư vấn BlueBay Asset Management, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể chấp nhận yêu cầu của Moscow về việc mở tài khoản ngân hàng ở Nga.

“Tôi nghĩ điều đó khó xảy ra. Chủ nợ của Nga đang là các công ty quốc tế, các ngân hàng Mỹ, ngân hàng quốc tế,…”, ông Ash liệt kê.

“Họ sẽ không chấp nhận làm tổn hại danh tiếng hoặc đẩy bản thân vào rủi ro để nhận lấy vài trăm triệu USD tiền lãi của Moscow. Rõ ràng họ không muốn bị Mỹ áp một lệnh trừng phạt thứ cấp nào hết”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Ash cũng nghi ngờ rằng liệu kế hoạch của Moscow có giúp họ tránh bị các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đánh giá là đã vỡ nợ hay không.

Theo vị chiến lược gia, các khoản thanh toán bằng đồng ruble sẽ bị Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ phong tỏa, trái chủ nước ngoài sẽ không nhận được tiền.

Theo lời các chuyên gia, Mỹ sẽ gây khó khăn cho Nga bằng mọi giá. (Ảnh: Getty Images).

“Theo nhiều khía cạnh, Nga không thể xoay xở thêm”, ông Ash nói, đồng thời cho rằng trên thực tế, Nga có thể đã vỡ nợ vì hai khoản thanh toán lãi suất coupon cho trái phiếu OFZ mệnh giá ruble hồi đầu tháng 3 vẫn chưa đến túi các trái chủ.

Ngoài ra, giới chuyên gia vẫn thắc mắc là làm cách nào các nhà đầu tư nước ngoài - bất luận là nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân, có thể mở tài khoản ngân hàng ở Nga trong bối cảnh xứ sở Bạch Dương đang chịu vô số đòn trừng phạt như vậy.

Hoặc, làm thế nào trái chủ lấy tiền đang nằm trong các ngân hàng Nga mà không vi phạm các cấm vận của phương Tây. Họ có thể không muốn lấy tiền và thà chấp nhận tuân thủ lệnh trừng phạt hoặc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan.

Ông Adam Solowsky, đối tác tại công ty luật quốc tế Reed Smith, cho hay: “Thông thường, cần có sự đồng ý của các trái chủ để thực hiện bất kỳ thay đổi nào về thời gian, địa điểm hoặc phương thức thanh toán. Do đó, các trái chủ không chịu phối hợp với Nga vẫn có thể đệ trình khiếu nại”.

Nga khó vay mượn thêm

Khi được hỏi liệu thiệt hại có lan rộng nếu Nga bị tuyên bố vỡ nợ hay không, ông Timothy Ash của BlueBay Asset Management nói tác động sẽ tương đối hạn chế so với cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 1998.

“Năm 1998, có khoảng 60 tỷ USD tài sản nước ngoài liên quan tới thị trường GKO (thị trường trái phiếu zero-coupon ngắn hạn của Nga) và có lẽ cũng có một khoản tương tự liên quan tới thị trường nợ nước ngoài. Vì vậy, vụ việc năm đó lớn hơn”, ông Ash giải thích.

Một khi vỡ nợ, Nga có thể bị suy sụp lâu dài, vì các lệnh trừng phạt của phương Tây và chiến sự tại Ukraine chưa tới hồi kết. Ông Ash cho rằng đây là lý do tại sao Điện Kremlin nhất quyết không muốn bị dán nhãn vỡ nợ.

“Người Mỹ đã nói ‘chúng tôi muốn Nga vỡ nợ’, vì vậy Nga chỉ có thể thoát cảnh vỡ nợ nếu Mỹ cảm thấy vui vẻ và cho phép Nga thương lượng với các trái chủ. Vì lẽ đó, Moscow có thể chìm trong cảnh vỡ nợ rất lâu”, vị chuyên gia nói tiếp.

“Nếu không vỡ nợ, Nga vẫn có thể vay mượn từ ai đó, chẳng hạn như Trung Quốc. Nhưng một khi đã vỡ nợ, mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn. Ngay cả Trung Quốc cũng sẽ ngần ngại cho Nga vay tiền”, ông nói thêm.

Yên Khê

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.