|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Truyền thông Âu - Mỹ dần thay đổi quan điểm về xung đột Ukraine, muốn bỏ cấm vận Nga để giảm thiệt hại kinh tế

13:44 | 05/06/2022
Chia sẻ
Các phương tiện truyền thông phương Tây từng cổ vũ Ukraine trong xung đột với Nga nhưng giờ đây đang liên tục phát đi thông điệp cảnh báo rằng các đợt trừng phạt Nga đang thất bại và Ukraine nên làm hòa.

Theo tờ RT của Nga, kể cả khi phương Tây tiếp tục khăng khăng rằng xung đột Ukraine đang đi theo chiều hướng thuận lợi cho Kiev, nhiều kênh truyền thông lớn đang ngày càng tỏ ra khó chịu với tình hình trên mặt trận kinh tế.

Ngày càng nhiều chuyên gia đồng ý rằng các biện pháp cấm vận không những không phá hủy nền kinh tế Nga, mà con đang phá hoại chính nền kinh tế của của phương Tây.

Các tờ báo lớn của phương Tây đã bắt đầu đưa tin về tình hình thực tế tại chiến trường, có phần không khả quan với Ukraine, chứ không phải những tin đồn sai lệch như viên phi công với biệt danh “Bóng ma Kiev” hay “13 chiến sĩ Đảo Rắn”. Thậm chí đã có những gợi ý rằng có lẽ phương Tây nên ngừng hỗ trợ Kiev và thúc đẩy một cuộc đàm phán hòa bình.

Ngày càng có ít người quan tâm tới vấn đề đang diễn ra tại Ukraine.

Thay đổi giọng điệu

“Nga đang chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế”, ông Larry Elliott, biên tập viên kinh tế của tờ The Guardian của Anh tuyên bố vào ngày 2/6. “Đã ba tháng kể từ khi phương Tây tiến hành chiến tranh kinh tế với Nga và mọi thứ dường như đang đi lệch so với kế hoạch”.

Ông Elliot thậm chí còn lập luận rằng quyết định gửi pháo phản lực phóng loạt tới Ukraine là minh chứng cho việc các lệnh trừng phạt đang không có tác dụng. “Washington hi vọng rằng công nghệ quân sự hiện đại của Mỹ sẽ đạt được những gì mà cấm vận năng lượng và đóng băng tài sản Nga không làm được: buộc Nga phải rút quân”.

Trong bài báo vào hôm 30/5, nhà báo Simon Jenkins của The Guardian cho rằng cấm vận đã thất bại trong việc buộc Nga phải rút quân. Ông lập luận rằng EU nên “tiếp tục giúp đỡ nỗ lực quân sự của Ukraine” và rút các lệnh trừng phạt bởi chúng đang “tự hủy diệt nền kinh tế và tàn nhẫn một cách vô lý”.

Nhà báo Jenkins cho biết trừng phạt thực tế đã làm giá những mặt hàng xuất khẩu của Nga như dầu, khí đốt và ngũ cốc tăng. Moscow trở nên giàu có hơn, trong khi châu Âu thiếu năng lượng còn châu Phi hết thực phẩm.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đạt mức kỷ lục do xuất khẩu tăng mạnh và nhập khẩu đình trệ. 

Tuy nhiên có vẻ ông Jenkins đã sai lầm về hiệu quả của vũ khí phương Tây, khi mà quân đội Nga và hai nước cộng hòa ly khai đang thắng thế, kiểm soát nhiều khu vực từ Popasnaya tới Liman và có thể là cả Severodonetsk. Theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phải thừa nhận vào tối hôm 2/6 rằng Nga đã kiểm soát một phần lớn thành phố công nghiệp quan trọng Severodonetsk.

Vào ngày 26/5, tờ The Washington Post đã xuất bản một bài tường thuật gây sốc về việc một đơn vị Ukraine đã mất hơn một nửa quân số gần Severodonetsk và buộc phải rút lui. Theo The Washington Post, người chỉ huy của đơn vị này đã bị bắt với lý do là đào ngũ sau khi trả lời phỏng vấn.

Ngay cả biên tập viên quốc phòng của The Telegraph, ông Con Coughlin, cũng không thể bỏ qua thực tế này. Tại Nga, ông đã trở thành meme khi đưa ra dự đoán về thất bại của Nga hàng tuần. 

Hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội của Nga cho thấy sự thay đổi quan điểm trong bài viết của Con Coughlin. (Ảnh: Telegram/RT).

Thế nhưng, tới ngày 26/5, ông Coughlin lại thay đổi quan điểm và nói rằng Moscow có thể tạo ra một "chiến thắng sốc", nhằm phục vụ cho lập luận về việc Kiev cần nhiều vũ khí hơn nữa.

Vào tháng trước, tờ The Economist cũng phải miễn cưỡng chấp nhận rằng nền kinh tế Nga đã phục hồi từ sau cú sốc của những đợt trừng phạt đầu tiên.

Trong khi đó, phương Tây phải đối phó với tình trạng thiếu năng lượng, chi phí sinh hoạt tăng cao và lạm phát kỷ lục. Chính người Mỹ mới đang không thể tìm thấy sữa bột trẻ em trong các cửa hàng và không đủ tiền mua xăng.

Sự bất mãn với chính sách trừng phạt của phương Tây không chỉ giới hạn ở châu Âu. Ngày 31/5, tờ New York Times đã đăng một bài viết của ông Christopher Caldwell chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden đã “đóng chặt con đường đàm phán để gia tăng chiến tranh” bằng cách gửi nhiều vũ khí đến Kiev.

Số người ủng hộ cách thức điều hành đất nước của Tổng thống Joe Biden liên tục giảm.

“Mỹ đang cố gắng duy trì giả thuyết rằng trang bị vũ khí cho các đồng minh không giống như việc tham gia chiến đấu,” ông Caldwell viết, chỉ ra rằng sự khác biệt này đang ngày càng trở nên “giả tạo” trong thời đại thông tin. 

Một ngày sau, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ thừa nhận đã thay mặt Ukraine tiến hành các hoạt động tấn công chống lại Nga.

Mỹ đã “cho người Ukraine có lý do để tin rằng họ có thể thắng trong một cuộc chiến leo thang,” ông Caldwell cho rằng đây lý do tại sao Kiev không mong muốn đàm phán hòa bình. 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cố gắng tranh luận tại Davos, Thụy Sĩ trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng Kiev cần ngồi vào bàn thương lượng để giải quyết xung đột một cách nhanh chóng và phương Tây không còn nhiều thời gian. Ông Kissinger sau đó đã bị Ukraine coi là kẻ thù của nhà nước vì phát biểu của mình.

Ủng hộ một Ukraine trung lập

Ngày 18/5, trên trang The Atlantic, Giáo sư Charles Kupchan của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đã khuyên Ukraine nên chấp nhận những thành công hiện có.

Ông viết: “Nga đã phải đối mặt với một thất bại chiến lược mang tính quyết định. NATO và Ukraine nên bỏ túi những thành công này hơn là thúc ép cuộc chiến và chạy theo rủi ro”. Ông Kupchan cho rằng NATO nên tư vấn cho chính phủ Ukraine về cách sớm chấm dứt xung đột.

Ngay ngày hôm sau, ban biên tập của New York Times lặp lại lập luận của ông, nói rằng một chiến thắng quyết định của Ukraine trước Nga "không phải là một mục tiêu thực tế" và Tổng thống Joe Biden nên nói với Tổng thống Zelensky rằng có một giới hạn mà Mỹ sẽ không vượt qua

Theo New York Times: “Các quyết định của chính phủ Kiev bắt buộc phải dựa trên đánh giá thực tế về sức mạnh quân sự và mức độ tàn phá mà Ukraine có thể chịu đựng”.

Tuy nhiên, theo những tuyên bố chính thức đến từ cả Nhà Trắng và Kiev, cuộc trò chuyện mà ông Kupchan và New York Times cố gắng thúc đẩy đã không bao giờ diễn ra. Thay vào đó, Mỹ tiếp tục trao cho Ukraine một lời hứa mông lung.

Vào hôm 1/6, ông Samuel Charap một nhà khoa học chính trị cao cấp tại tổ chức nghiên cứu RAND Corporation viết trên tờ Foregin Affairs rằng việc các nước láng giềng tạo ra Bỉ như một quốc gia trung lập đem lại lợi ích cho châu Âu trong một thế kỷ.

Ông cho biết thỏa thuận trung lập được đề xuất tại cuộc đàm phán ở Istanbul vào cuối tháng 3 có thể mang lại cho Ukraine điều tương tự. Ông cảm thấy đáng tiếc về việc Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đích thân can thiệp để phá hỏng các cuộc đàm phán.

Minh Quang

TS Cấn Văn Lực: Fed hạ lãi suất không chỉ giúp ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích nhu cầu với hàng xuất khẩu Việt Nam
Khi lãi suất đồng USD giảm sẽ không chỉ giúp Việt Nam ổn định tỷ giá, lãi suất mà còn kích thích kinh tế Mỹ phục hồi tích cực hơn, ít nhất là trong cuối năm nay và đầu năm sau, qua đó kích cầu nhu cầu đối với việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam.