|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ đau đầu tìm cách phá thế phong tỏa của Nga, giải cứu ngũ cốc Ukraine

15:07 | 02/06/2022
Chia sẻ
Việc Nga phong tỏa các cảng biển của Ukraine đã khiến giá lương thực thế giới leo thang và đe dọa gây ra tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở nhiều nơi. Mỹ và các đồng minh đang chạy đua với thời gian để giải quyết tình hình, nhưng mới chỉ tìm ra giải pháp tạm thời.

(Hình minh họa: sunnylapin, Alex Maisuradze). 

Muôn trùng khó khăn

Chia sẻ với CNN, các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng đưa vật dụng lưu trữ ngũ cốc vào Ukraine. Đây được coi là giải pháp tạm thời trong lúc Mỹ tìm cách giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra do Nga phong tỏa các cảng Ukraine suốt nhiều tháng.

Một quan chức cấp cao giải thích rằng những vật lưu trữ tạm thời – ví dụ như thùng chứa hay bao tải – có thể giúp cứu vãn phần nào 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine. Chúng cũng có thể giúp Ukraine chất ngũ cốc lên tàu hay xe tải ra khỏi nước một khi các tuyến đường bộ được thiết lập.

Tuy nhiên, Mỹ và các đối tác quốc tế vẫn chưa thể nghĩ ra giải pháp nhanh và tuyệt đối để dỡ bỏ phong tỏa của Nga lên các cảng biển của Ukraine. Nhiều người coi các biện pháp mà Mỹ đang cố thực hiện là giải pháp nhỏ lẻ cho một bài toán phức tạp.

Mỹ hiện đang mở các tuyến đường bộ nhằm đưa ngũ cốc đến các nước láng giềng, đưa vật chứa vào Ukraine và thực hiện các thay đổi dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế toàn cầu vào ngũ cốc của "vựa bánh mì của châu Âu". 

Rắc rối sẽ không thể được giải quyết hoàn toàn cho đến khi Nga nới lỏng phong tỏa, đặc biệt là tại cảng lớn nhất của Ukraine ở Odessa, nơi đã bị tàu chiến Nga bao vây trong nhiều tháng.

Trao đổi với CNN, ông Gabrielius Landsbergis, Ngoại trưởng Lithuania, cho hay: “Nhìn từ góc độ thực tiễn, lựa chọn duy nhất là cố gắng và tìm cách mở khóa Odessa.

Dẫu vậy, chúng ta cần xem xét và thực hiện mọi giải pháp. Nhưng đáng tiếc, tôi cho rằng Odessa vẫn là lựa chọn duy nhất, không còn cách nào khác. Nếu Nga không cho phép thì cộng đồng quốc tế cần tìm cách khai thông Odessa mà không cần sự đồng ý của Nga”.

 

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ukraine là nhà xuất khẩu lớn thứ 4 trên thế giới về ngô và đứng thứ 5 về lúa mì. Chương trình an ninh lương thực của Liên Hợp Quốc mua khoảng một nửa lượng lúa mì từ Ukraine mỗi năm.

Mỹ và các đối tác cũng nhấn mạnh cần phải tìm ra cách để đưa hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine ra khỏi nước này bằng đường biển, bất chấp muôn vàn khó khăn. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết lý do rất dễ hiểu: Vận chuyển ngũ cốc bằng tàu thuyền mất 5 tháng, còn qua đường ray thì cần 18-24 tháng.

Thời gian không còn nhiều. Các kho chứa ở Ukraine đã hết chỗ trống và sẽ có thêm ngũ cốc được thu hoạch vào mùa thu.  

Giải quyết thế phong tỏa quân sự của Nga sẽ là nhiệm vụ phức tạp và có nguy cơ leo thang căng thẳng với Moscow, điều mà Mỹ muốn tránh. Ông Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói với các phóng viên rằng đường biển “đang bị chặn bởi mìn và Hải quân Nga”. Do đó, việc mở cửa để có thể xuất khẩu "sẽ là hoạt động quân sự có rủi ro cao đòi hỏi nỗ lực lớn".

Hôm 30/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Theo Điện Kremlin, ông Putin cho biết Moscow sẽ ủng hộ hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, “hoàn toàn không cản trở”. Nga cũng sẵn sàng “xuất khẩu lượng đáng kể phân bón và nông sản” nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, nhiều quan chức phương Tây phản đối gay gắt đối với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng cảng biển, bao gồm Mỹ và Phần Lan.

 

Đường ngoại giao

Nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp giải pháp để tháo gỡ thế phong tỏa, vì nước này kiểm soát các tuyến đường vào và ra Biển Đen.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov có kế hoạch tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8/6 để thảo luận về hành lang trên biển cho hàng hóa xuất khẩu của Ukraine. Quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden cho biết Mỹ ủng hộ mọi nỗ lực đối ngoại với Nga. Nhưng Mỹ ngờ rằng Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tạo ra bước đột phá.

Hôm 31/5, Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đăng tweet thông báo rằng Ukraine đang phối hợp cùng hải quân của các đối tác thực hiện một “chiến dịch quốc tế do Liên Hợp Quốc dẫn đầu để mở một tuyến đường thương mại an toàn và không có rủi ro an ninh”.

Song, các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu nói rằng ý tưởng dùng hải quân quốc tế để bảo vệ chiến dịch của Liên Hợp Quốc khó có thể diễn ra lúc này. Và Ngoại trưởng Landsbergis của Lithuania nhận định, bất kỳ nỗ lực nào của Liên Hợp Quốc mà cần đến sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an đều cầm chắc thất bại vì Nga có tư cách thành viên.

*Tính đến ngày 30/5/2022. (Nguồn: CNN/Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Việt hóa: Giang).

Đường bộ

Do chưa đạt được nhiều tiến triển trên đường biển, giới quan chức Mỹ tin tưởng rằng các tuyến đường bộ có thể giúp giảm bớt vấn đề, ít nhất là một phần.

Tuần trước, Tướng Chris Cavoli, người được ông Biden tiến cử để lãnh đạo các lực lượng của Mỹ tại châu Âu, đã chỉ ra các con đường thay thế cho xuất khẩu. Chúng bao gồm đường tàu quốc gia của Đức cùng một cảng ở Romania - cơ sở đi qua một phần của Biển Đen và không bị hải quân Nga bao vây.

Một quan chức Mỹ khác nói “nhiều người cho rằng các tuyến đường bộ châu Âu có lẽ là cách nhanh nhất để xử trí một phần hàng xuất khẩu tồn đọng của Ukraine”. Tuy nhiên, các tuyến đường bộ cũng có nhiều vấn đề phức tạp. Và theo Ngoại trưởng Landsbergis của Lithuania, một số tuyến không thể trở thành giải pháp khả dĩ.

Ví dụ, tuyến đường qua Belarus tới Lithuania không phải lựa chọn tốt. Lý do: Tổng thống của Belarus là đồng minh của ông Putin, và ông ta có thể đòi hỏi một số nhượng bộ để cho phép ngũ cốc được vận chuyển an toàn. Tuyến đường tàu qua Ba Lan cũng không khả thi, vì các khổ đường sắt giữa hai nước không giống nhau.

Giang