|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu xoay xở đủ cách để xử lý nguồn cung khí đốt ngoài Nga

15:52 | 02/06/2022
Chia sẻ
Khi các lệnh trừng phạt đang dần chặn nguồn cung và Moscow cắt dòng khí đốt tới những quốc gia không chấp nhận thanh toán bằng ruble, châu Âu đang phải lo đầu tư lớn cho các có sở xử lý khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ và châu Á.

Theo The Economist, vào năm 2021, Nga cung cấp 40% lượng khí đốt của châu Âu. Từ khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu, bức tranh về năng lượng tại châu lục già đã thay đổi nhanh chóng. 

Vào ngày 31/5, Gazprom, gã khổng lồ năng lượng thuộc sở hữu của Moscow tuyên bố sẽ ngừng cung cấp cho Hà Lan và Đan Mạch sau khi hai nước này từ chối chi trả bằng đồng ruble. Nguồn khí đốt xuất cho Đức thông qua công ty Shell cũng đã bị ngừng.

Quyết định của Nga giống như biện pháp trả đũa khi chỉ một ngày trước đó, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố ngừng nhập khẩu khoảng 75% dầu mỏ từ Nga và tăng dần lên thành 90% tới cuối năm. Ngoài ra, Moscow cũng đã ngừng cung cấp khí đốt tới các doanh nghiệp của Bulgaria, Phần Lan và Ba Lan.

Khí hóa lỏng

Để thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng Nga, nhiều quốc gia châu Âu đang chuyển sang sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ và châu Á. Nhập khẩu LNG tháng 4 đã tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước, và 20% so với tháng 3.

Nguồn năng lượng ở dạng lỏng này cần phải chuyển đổi thành khí trước khi được gửi tới người dùng cuối cùng. Cho đến gần đây, dường như châu Âu có đủ năng lực về lý thuyết để tiếp nhận lượng LNG tương đương với 2/3 khí đốt nhập khẩu qua đường ống của Nga. 

Các cảng tiếp nhận LNG của châu Âu chỉ hoạt động khoảng 45% công suất vào năm 2021, theo tổ chức Energy Intelligence. Nhưng khi Nga bắt đồng đóng van, những yếu kém về cơ sở xử lý và đường ống để vận chuyển xa của châu Âu ngày càng trở nên rõ ràng.

Các cảng tiếp nhận LNG đang hoạt đông và dự kiến của châu Âu vào năm 2022. 

Đa số năng lực chuyển đổi LNG thành khí của châu lục này nằm ở phía nam và tây, với Anh và Tây Ban Nha chiếm khoảng 1/2. Các quốc gia nội lục nằm ở phía đông, phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga đang gặp thách thức lớn.

Châu Âu đang thiếu cơ sở hạ tầng để có thể chuyển khí đốt tới những nơi cần thiết. Trong những tháng gần đây, hai đường ống vận chuyển khí đốt tới châu Âu của Anh đã chạy hết công suất. Với việc các lô hàng LNG liên tục đổ vào và không thể bán hết hay lưu trữ, giá khí đốt giao ngay tại Anh đã tụt dốc.

Đức là một trường hợp đặc biệt. Berlin chịu ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc và khí đốt cho ngành công nghiệp nhưng không hề có cảng tiếp nhận LNG nào. Trước xung đột Ukraine, 55% khí đốt của Đức là từ Nga, nhưng Berlin đang cố gắng thay đổi sự phụ thuộc này.

Cơ sở hạ tầng

Vào ngày 19/5, Quốc hội Đức thông qua đạo luật cho phép tăng tốc việc chấp thuận và xây dựng các cảng mà bỏ qua một vài yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, việc xây dựng các cơ sở trên cạn sẽ tốn thời gian.

Một giải pháp nhanh chóng là thuê các hệ thống nổi để lưu trữ và chuyển đổi LNG sang dạng khí (FSRU). Chính phủ Đức đang có kế hoạch lắp đặt 4 hệ thống này trong tương lai gần, với mức chi phí khoảng 3 tỷ EUR (3,2 tỷ USD).

Hệ thống FSRU về bản chất là một con tàu có thể lưu trữ và chuyển đổi LNG. (Ảnh: MOL Mitsui).

Dự án đầu tiên, nằm tại Wilhelmshaven trên Biển Bắc có thể sẽ đi vào hoạt động chỉ trong vài tháng và có công suất khoảng 7,5 tỷ mét khối/năm, tương đương với 8,5% nhu cầu khí đốt của Đức.

Các quốc gia khác cũng đang theo chân Đức. Ba Lan, quốc gia nhập khẩu khoảng 1/2 nhu cầu khí đốt từ Nga, đang có kế hoạch để vận hành một hệ thống FSRU cho đến năm 2025, và xem xét lắp đặt thêm một hệ thống khác để có thể bán khí đốt cho các quốc gia nội lục như Cộng hòa Séc hay Slovakia.

Pháp và Italia cũng đã bắt đầu mua những hệ thống FSRU. Vào ngày 30/5, SNAM, một công ty năng lượng của Italia đã đạt được thỏa thuận trị giá 350 triệu USD để mua một con tàu chuyển đổi và lưu trữ khí đốt. Trong dài hạn, các cơ sở trên đất liền đang được lên kế hoạch đầu tư.

Đức đang nỗ lực trong việc xây dựng hai cảng tiếp nhận LNG. Kết hợp với những hệ thống FSRU, các cảng này sẽ cung cấp cho Đức công suất tiếp nhận khoảng 53 tỷ mét khối/năm, nhiều hơn lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2021. 

Cảng thứ 3 cũng đã được lên kế hoạch. Các nhóm môi trường phàn nàn rằng các khoản đầu tư tốn kém vào nhiên liệu hóa thạch đang ảnh hưởng đến các mục tiêu giảm phát thải của Châu Âu. Nhưng hiện tại, thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga là ưu tiên hàng đầu của lục địa này.

Minh Quang