|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cuộc săn lùng khí đốt của châu Âu có thể tạo ra khủng hoảng năng lượng mới, châu Á thiệt thòi hơn cả

10:45 | 31/05/2022
Chia sẻ
Cuộc chạy đua của châu Âu nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế cho khí tự nhiên của Nga đang đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng năng lượng. Các nền kinh tế châu Á có thể sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất.

Công nhân xây dựng các bể chứa khí hóa lỏng LNG tại Anh. (Ảnh: Getty Images). 

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Moscow. Các nước EU đang đua nhau mua thêm khí hóa lỏng (LNG), giải pháp thay thế hấp dẫn cho khí đốt tự nhiên của Nga vì chúng có thể được vận chuyển bằng tàu thuyền thay vì đường ống. LNG cũng là nhiên liệu sạch hơn than hoặc dầu.

Khối kinh tế chung muốn giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trước cuối năm nay. Phân tích của hãng tư vấn Rystad Energy cho thấy, nếu EU thực hiện được mục tiêu này thì nhu cầu toàn thế giới dành cho LNG sẽ vượt quá nguồn cung khoảng 26 triệu tấn vào cuối năm 2022. Mức chênh lệch này tương đương gần 7% nhu cầu LNG toàn cầu năm ngoái, hoặc nguồn cung cho 25 ngày.

Báo cáo viết: “Bằng việc quay lưng với khí đốt tự nhiên của Nga, châu Âu đang gây bất ổn cho toàn bộ thị trường LNG. Sau một năm 2021 đầy biến động, thị trường lại bắt đầu năm 2022 với thế cân bằng rất bấp bênh”.

Châu Âu vơ vét LNG

Châu Âu đã thu mua LNG với tốc độ chóng mặt trong vài tháng qua. Châu Âu, tính cả Anh, đã nhập khẩu tổng cộng 28,2 triệu tấn LNG từ tháng 2 đến tháng 4, theo dữ liệu từ Independent Commodity Intelligence Services (ICIS). Con số này cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 29%. Pháp và Tây Ban Nha là hai khách mua lớn nhất.

Ông Kaushal Ramesh, nhà phân tích cấp cao về khí đốt tự nhiên và LNG tại Rystad Energy, nói với CNN rằng nguy cơ thiếu hụt đã trở nên rõ rệt vào tháng 3 khi “EU thông báo sẽ nhập khẩu thêm 50 tỷ mét khối LNG so với năm 2021".

Ông viết trong báo cáo: “Bối cảnh hiện nay có thể dẫn đến tương lai thiếu hụt nguồn cung, giá cả cao, biến động cực mạnh, thị trường tăng giá và căng thẳng địa chính trị vì giá LNG đắt đỏ”. 

Theo dữ liệu của ICIS, hôm 26/5, giá LNG giao ngay tại Đông Á là khoảng 22 USD/mmbtu - cao hơn 114% so với cùng ngày này năm ngoái. Giao thương toàn cầu cho LNG tăng 6% trong năm 2021, nhờ nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch của châu Á, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng Lượng Quốc tế (IEA).

Người mua có thể phải trả giá cao hơn nữa trong bối cảnh nhu cầu của châu Âu tăng vọt. Giá LNG có liên hệ chặt chẽ với giá đốt tự nhiên được vận chuyển bằng đường ống của châu Âu. Giá chuẩn cho khí đốt giao sau của châu Âu hiện dao động gần 30 USD/mmbtu – bằng một nửa mức giá kỷ lục 67 USD hồi tháng 3 – nhưng có thể vượt lên trên 100 USD nếu Nga đột ngột cắt đứt nguồn cung khí đốt, như những gì đã làm với Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.

Châu Á chịu thiệt

Bà Ruth Liao, biên tập của LNG Americas, nói với CNN rằng châu Á là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất kể từ ít nhất là năm 2010. Nhưng một số nước trong khu vực sẽ khó có thể cạnh tranh với những nền kinh tế giàu có ở châu Âu, dẫu Nga có đột ngột “khóa van” hay không.

“Mùa đông tiếp theo vẫn là rủi ro lớn, chưa chắc nguồn cung LNG có thể cân bằng với nhu cầu của cả châu Âu lẫn châu Á”.

Nhà phân tích Ramesh của công ty tư vấn Rystad Energy đánh giá, các nước như Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh là những người mua dễ bị tổn thương nhất khi LNG chuyển hướng sang châu Âu.

Ông Eric Heymann, nhà kinh tế cao cấp của Deutsche Bank, khuyên các nước nhập khẩu LNG nên bắt đầu ký kết thỏa thuận cung ứng dài hạn.

Ông nói tiếp: “Phần lớn cung và cầu của LNG được xác định dựa trên các hợp đồng ngắn hạn hoặc linh hoạt hoặc trên thị trường giao ngay. Giá cả sẽ quyết định LNG đi về đâu”.

Dữ liệu từ công ty phân tích Vortexa cho thấy kể từ tháng 11/2021, Ấn Độ và Pakistan đã giảm 15% nhập khẩu LNG, chủ yếu là do giá cả leo thang. Kết quả là nhu cầu của châu Á có thể “sụt giảm vĩnh viễn”, khiến một số nước phải tăng cường sử dụng dầu và than, Rystad Energy nhận định. 

Số khác có thể đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. LNG được nhiều người coi là một trong những nhiên liệu hóa thạch sạch nhất và là thành phần quan trọng của quá trình chuyển đổi năng lượng.

Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng quá trính sản xuất LNG có tỷ lệ rò rỉ khí metan cao. Trong khi đó, tác động vào hiện tượng nóng lên toàn cầu của metan lại lớn gấp 34 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 100 năm qua, Liên Hợp Quốc cho biết.

Các nhà xuất khẩu hưởng lợi

Giá tăng là cơ hội hốt bạc của các nước xuất khẩu LNG lớn như Mỹ, Qatar và Australia. Vortexa cho biết châu Âu đã nhập khẩu 45% lượng LNG từ Mỹ trong hai tháng qua. Còn Qatar đóng góp hơn 20% nguồn cung LNG cho khối này. Ông Felix Booth, chuyên gia về LNG tại Vortexa chỉ ra: “Đáng chú ý hơn là 13,5% lượng khí LNG của châu Âu vẫn đến từ các dự án LNG của Nga ở bắc cực”.

Một loạt dự án LNG đang cố gắng kiếm lời từ nhu cầu cấp thiết của châu Âu. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vẫn phải mua 35% khí đốt nhập khẩu từ Nga. Một trong những công ty năng lượng lớn của nước này là RWE sắp ký thỏa thuận mua LNG 15 năm với nhà sản xuất Sempra của Mỹ.

Song, các nhà sản xuất khó có thể kịp thời ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt LNG trong mùa đông năm nay. Rystad Energy giải thích: “Nhu cầu tăng vọt đã thúc đẩy doanh nghiệp lập ra các dự án LNG mới với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, thời gian cần thiết để xây dựng các dự án đồng nghĩa với việc nguồn cung sẽ chỉ được cải thiện đáng kể từ sau năm 2024”.

Giang