|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga đã cắt nguồn năng lượng tới những nước châu Âu nào?

11:14 | 23/05/2022
Chia sẻ
Nga đã cắt nguồn khí đốt và điện năng tới nhiều quốc gia sau khi những nước này từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Các chuyên gia cảnh báo việc Nga ngừng dòng chảy năng lượng có thể gây ra suy thoái toàn cầu.

Khí đốt

Kể từ khi xung đột tại Ukraine bắt đầu, Nga đã cắt dòng khí đốt tới 4 quốc gia, đa phần do những nước này từ chối thanh toán bằng ruble. Ngoài ra, đây cũng là những quốc gia mà Nga coi là "không thân thiện" vì lớn tiếng phản đối cuộc xung đột mà Nga phát động ở Ukraine.

Theo Reuters, vào ngày 2/4, Lithuania (Litva) trở thành quốc gia đầu tiên tại EU ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga. Bộ Năng lượng của Lithuania cho biết nước này sẽ chuyển hoàn toàn sang sử dụng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu thông qua cảng Klaipeda.

"Không còn khí đốt của Nga ở Lithuania kể từ tháng này", Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda đã viết trên Twitter. "Nếu chúng tôi làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được", ông nói thêm

Tới ngày 27/4, CNBC cho biết tập đoàn Gazprom của nhà nước Nga sẽ dừng dòng khí đốt chảy tới hai quốc gia Đông Âu là Ba Lan và Bulgaria. Lý do được Gazprom đưa ra là hai nước này đã từ chối thanh toán khí đốt bằng ruble.

Cả hai quốc gia Đông Âu đều tiêu thụ một lượng lớn khí đốt của Nga. Gazprom cũng cho cho biết nguồn cung sẽ tiếp tục sau khi các khoản thanh toán bằng ruble được thực hiện.

Theo Al Jazeera, vào hôm 21/5, Nga đã ngừng xuất khẩu dầu mỏ tới quốc gia láng giềng Phần Lan. Tương tự như Ba Lan và Bulgaria, Phần Lan đã từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.

Công ty Gasgrid Phần Lan cho biết vào hôm hôm 21/5: “Nhập khẩu khí đốt thông qua Imatra đã bị ngừng lại”. Imatra là điểm nhập khí đốt từ Nga vào Phần Lan.

Công ty buôn bán khí đốt thuộc sở hữu nhà nước Phần Lan, Gasum cũng xác nhận dòng chảy đã ngừng. "Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Phần Lan theo hợp đồng cung cấp của Gasum đã bị cắt", tuyên bố cho biết.

“Bắt đầu từ hôm nay, trong mùa hè sắp tới, Gasum sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho khách hàng từ các nguồn khác thông qua đường ống Balticconnector”. Balticconnector liên kết Phần Lan với lưới khí đốt của Estonia.

 

Điện năng

Theo RT, ngoài khí đốt, Nga cũng đã cắt điện của một số quốc gia Châu Âu với lý do không thanh toán bằng ruble. Hôm 14/5, Nga đã ngừng cấp điện cho Phần Lan.

Nhà điều hành hệ thống truyền tải điện của Phần Lan Fingrid cho biết nhập khẩu từ Nga chiếm khoảng 10% tiêu thụ năng của cả nước nên sẽ không ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng.

“Việc thiếu điện từ Nga sẽ được bù đắp bằng cách nhập khẩu từ Thụy Điển và tăng cường sản xuất tại Phần Lan”, ông Reima Paivinen, Phó chủ tịch cấp cao của Fingrid cho biết. Các nhà phân tích cho rằng việc không còn nguồn cung từ Nga sẽ khiến giá điện tại Phần Lan tăng 30%.

Lithuania là quốc gia thứ hai bị Nga cắt điện sau Phần Lan. Vào hôm 22/5, công ty Litgrid điều hành hệ thống truyền tải điện xác nhận rằng nguồn điện từ Nga đã không còn.

Giám đốc điều hành Litgrid cho biết, sau khi ngừng nhập khẩu điện từ Nga, Lithuania có kế hoạch đáp ứng nhu cầu thông qua các nhà máy điện trong nước và nhập khẩu từ các nước châu Âu khác, đặc biệt là Thụy Điển, Ba Lan và Latvia. Theo công ty, nhập khẩu từ Nga chiếm 16% tổng điện năng tiêu thụ của Lithuania.

Ngoài tầm kiểm soát

Theo The Economist, cách đây không lâu, vấn đề năng lượng giữa Nga và Châu Âu mặc dù nghiêm trọng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Dầu mỏ và khí đốt là một trong số ít lĩnh vực mà Châu Âu vẫn chưa nhắm tới, kể cả khi đã sử dụng tới 6 vòng trừng phạt. Nga cũng đã giữ cho nguồn cung tiếp tục chảy.

Tuy nhiên, Châu Âu vẫn đang cân nhắc việc cấm nhập khẩu năng lượng. Vào cuối tháng 3, Nga đã yêu cầu các quốc gia “không thân thiện” thanh toán khí đốt bằng ruble chứ không phải USD hay EUR.

Dường như cả Châu Âu và Nga đều cho rằng bên kia không đủ can đảm để ngừng dòng chảy năng lượng. Châu Âu đang nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga, trong khi Moscow kiếm được khoảng 427 triệu USD mỗi ngày từ số khí đốt này.

Tuy nhiên, Nga đã nổ phát súng đầu tiên khi ngừng xuất khẩu khí đốt sang hai nước Đông Âu là Ba Lan và Bulgaria, và mới đây là Phần Lan. Nguồn điện xuất khẩu sang Phần Lan và Lithuania cũng đã lần lượt bị phía Nga cắt.

Nhập khẩu của Ba Lan là 10 tỷ mét khối (bcm) một năm và của Bulgaria là 3 bcm. Hai nước này chỉ chiếm khoảng 8% tổng doanh thu của Nga trong thị trường EU. Hợp đồng giữa Ba Lan và Nga cũng sẽ hết hạn vào tháng 12, nên doanh thu mà Moscow mất do vi phạm hợp đồng là rất nhỏ.

Xi Nan thuộc công ty tư vấn Rystad Energy cho biết, mặc dù cả Bulgaria và Ba Lan đều phụ thuộc phần lớn vào khí đốt nhập khẩu từ Nga, cả hai quốc gia đều có khả năng ứng phó.

Ai sẽ là người tiếp theo

Mỗi quốc gia tại EU có mức độ phụ thuộc vào năng lượng của Nga khác nhau.

Không rõ quốc gia nào sẽ bị Nga cắt năng lượng tiếp theo. Thời hạn thanh toán bằng đồng ruble không được công khai. Các nguồn thông tin do The Economist thu thập được cho rằng thời hạn này vào tháng 5.

Châu Âu chưa quá cần khí đốt vào thời điểm hiện tại do khi nhiệt độ tăng, mức tiêu thụ giảm. Nhưng các kho dự trữ của khối chỉ ở mức 33% dung lượng. Ủy ban Châu Âu (EC) đã thúc giục các quốc gia thành viên lấp đầy tới 80% các cơ sở dữ trữ vào tháng 11, đồng nghĩa với việc nhu cầu sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.

Ngược lại, nếu ngừng xuất khẩu tới những nước lớn, Moscow sẽ tự tước đi số tiền khổng lồ dùng để tài trợ cho một cuộc xung đột kéo dài và tốn kém ở Ukraine.  

Khí đốt không chỉ được dùng để sưởi ấm cho các hộ gia đình mà còn là nguyên liệu và nhiên liệu thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất phân bón.

 Đa số các quốc gia Châu Âu đều chưa đáp ứng được yêu cầu của lấp đầy 80% kho dự trữ của EC.

Hầu hết người mua Châu Âu đã loại trừ việc thanh toán trực tiếp bằng ruble. Nhưng Moscow lại đưa ra một thỏa hiệp. Người mua sẽ mở hai tài khoản với Gazprombank, thanh toán EUR vào tài khoản đầu tiên và yêu cầu ngân hàng chuyển số tiền này thành ruble rồi gửi tiền vào tài khoản thứ hai, sau đó sẽ được chuyển đến Gazprom.

Về vấn đề thanh toán qua Gazprombank, các quốc gia Châu Âu có ba nhóm ý kiến khác nhau. Bỉ, Anh và Tây Ban Nha là những nước ít hoặc không có khí đốt nhập khẩu trực tiếp từ Nga nên có thể sẽ từ chối thỏa hiệp.

Một nhóm khác bao gồm những người mua lớn như Đức và Italia sẽ khó có thể thay thế nguồn nhập khẩu một cách nhanh chóng và nhiều khả năng sẽ thỏa hiệp. Nhóm thứ ba đang do dự bao gồm các quốc gia chỉ phụ thuộc một phần vào Nga hoặc có các hợp đồng sắp hết hạn.

Theo thông tin của Reuters, Đức và Italia đã cho phép doanh nghiệp trong nước mở tài khoản tại ngân hàng Gazprombank nhằm tránh việc bị cắt nguồn cung khí đốt. Đây có thể xem là một bước nhượng bộ của những quốc gia nhập khẩu khí đốt lớn từ Nga.

Một quốc gia bị cắt năng lượng có thể ảnh hưởng tới những quốc gia khác, chẳng hạn như trường hợp khí đốt phải đi qua lãnh thổ của đất nước đã bị Nga khóa van. 

Nếu Đức - một nhà nhập khẩu lớn - bị Nga cắt khí đốt, thì thị trường năng lượng sẽ trở nên hỗn loạn. Giá khí đốt châu Âu đã cao gấp 6 lần so với một năm trước. Ông Jack Sharples thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho rằng việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt của Nga tới Châu Âu có thể gây ra suy thoái toàn cầu.

Minh Quang