|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao Ấn Độ rơi vào khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất 6 năm?

08:21 | 20/05/2022
Chia sẻ
Nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng, mô hình làm việc mới và nguồn dự trữ than hạn chế khiến nhiều nơi tại Ấn Độ rơi vào tình trạng cắt điện diện rộng.

Điều hòa nhiệt độ ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, ngày 30/4/2022. (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, Ấn Độ đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong vòng 6 năm khi nắng nóng kỷ lục thiêu đốt đất nước Nam Á, tạo ra những đợt mất điện diện rộng.

Vì sao Ấn Độ lại thiếu điện?

Nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng do đợt nắng nóng kỷ lục và các hạn chế COVID với hoạt động công nghiệp được dỡ bỏ đã đẩy nhu cầu năng lượng tại Ấn Độ lên mức rất cao trong tháng 4. Nhiều người Ấn Độ làm việc tại nhà cũng đã làm tăng tiêu thụ điện vào ban ngày.

Phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu chính phủ cho thấy, nhu cầu điện trong tháng 4 tăng 13,2%, đạt 135,4 tỷ kilowatt giờ. Tại miền bắc Ấn Độ, mức tăng này là từ 16% tới 75%.

Nhu cầu về điện cao chưa từng thấy dẫn đến tình trạng cắt điện diện rộng vào tháng 4, khi các nhà cung cấp cố gắng để quản lý nhu cầu về điện. Ấn Độ đang thiếu 2,41 tỷ kilowatt giờ điện, tương đương với 1,8% nhu cầu, mức thiếu điện tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2015.

Khoảng cách giữa điện năng được cung cấp và tiêu thụ thường lớn hơn vào ban đêm khi năng lượng mặt trời ngừng hoạt động và nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng cao.

Nhiều nhà máy điện đã cạn kiệt nhiên liệu do phải tăng sản lượng, trong đó lượng than tồn kho trung bình của các công ty điện lực đang mức thấp nhất trong vòng 9 năm.

Tồn kho than của Ấn Độ chỉ đạt 39% so với mức dự trữ bắt buộc.

Bất chấp sản lượng khai thác của Công ty Than Ấn Độ tăng tới 27%, chiếm 80% lượng than trong nước, nhiều công ty điện lực đã không thể bổ sung dự trữ do Đường sắt Ấn Độ không thể cung cấp đủ tàu cho Than Ấn Độ.

Ấn Độ đang làm gì?

Cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy Ấn Độ đảo ngược chính sách cắt giảm nhập khẩu than nhiệt, và yêu cầu các công ty điện tiếp tục mua than trong ba năm. 

Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới, có thể thúc đẩy nhu cầu toàn cầu cho đến năm 2025. "Các bang được yêu cầu tiếp tục nhập khẩu vì khu vực tư nhân sẽ mất ít nhất đến đầu năm 2025 để tạo ra sản lượng đáng kể", một quan chức Bộ Năng lượng cho biết.

New Delhi cũng đưa ra một luật khẩn cấp để bắt đầu phát điện tại tất cả các nhà máy chạy bằng than nhập khẩu. Hiện nay, nhiều nhà máy đang phải đóng cửa do giá than quốc tế quá cao. 

Đường sắt Ấn Độ đã hủy bỏ các chuyến tàu chở khách và thay vào đó là những toa tàu chở than. New Delhi cũng đang có kế hoạch mở lại hơn 100 mỏ than trước đây được coi là không bền vững về mặt tài chính. 

Ấn Độ đã phải hủy bỏ các chuyến tàu chở khách và thay vào đó là chở than.

Người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng

Theo nền tảng khảo sát công dân LocalCircles, gần 1/2 trong số 35.000 người được hỏi từ khắp Ấn Độ cho biết họ phải đối mặt với tình trạng mất điện trong tháng 5. Các nhà máy ở ít nhất ba bang đã buộc phải đóng cửa trong nhiều giờ khi nhà chức trách vật lộn để giải quyết nhu cầu.

Do nguồn cung than cho các nhà máy điện vận hành bởi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng bị hạn chế, các nhà máy bắt đầu lấy điện từ lưới điện. Việc các doanh nghiệp sử dụng điện lưới đã làm tăng chi phí công nghiệp và gây thêm áp lực lên các nhà máy nhiệt điện than vốn đã làm việc quá sức.

Việc sử dụng điện của bang miền đông Odisha, nơi có các nhà máy luyện thép và luyện nhôm lớn nhất của Ấn Độ, đã tăng hơn 30% từ tháng 10 đến tháng 3, gần gấp 10 lần tốc độ tăng trung bình của cả nước.

Tiếp tục cắt điện

Các quan chức và nhà phân tích kỳ vọng Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều đợt cắt điện hơn trong năm nay do lượng than tồn kho thấp và nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 38 năm.

Nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than, chiếm gần 75% sản lượng điện hàng năm của Ấn Độ, dự kiến sẽ tăng 17,6% năm nay, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Sản xuất và vận chuyển than của Ấn Độ bằng tàu hỏa có thể bị ảnh hưởng trong giai đoạn gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.

Minh Quang

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.