|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Châu Âu thừa nhận phải tăng đốt than để thoát khỏi phụ thuộc vào dầu khí của Nga

19:17 | 19/05/2022
Chia sẻ
Liên minh Châu Âu vừa đưa ra bản kế hoạch RepowerEU, trong đó EU sẽ tằng cường sử dụng than,  và nhiên liệu hạt nhân, đồng thời đầu tư vào năng lượng xanh như gió và mặt trời.

Theo AFR, Liên minh Châu Âu thừa nhận sẽ phải đốt thêm nhiều than trong những năm tới trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga. Kế hoạch có tên RepowerEU sẽ giúp EU thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng từ Nga vào năm 2027.

Than là nhiên liệu tạo ra nhiều khí thải carbon nhất nhưng Ủy ban châu Âu cho biết EU sẽ sử dụng nhiều hơn 5% so với dự kiến trước đây trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Tăng cường sử dụng than sẽ ảnh hưởng tới chương trình nghị sự xanh của EU, mặc dù Ủy ban khẳng định vẫn sẽ đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon.

Than dự kiến sẽ cung cấp thêm 100 terawatt giờ điện, tương đương với mức tiêu thụ điện năng của Bỉ hàng năm, trong vòng từ 5 đến 10 năm tới. Năng lượng hạt nhân, tạo ra ít khí thải carbon nhưng không được ưa chuộng do chất thải, sẽ đáp ứng thêm thêm 44 terawatt giờ (TWh) mỗi năm.

Khi được hỏi liệu kế hoạch RepowerEU có tương thích với "thỏa thuận xanh" của EU để giảm lượng khí thải hay không, ông Frans Timmermans, ủy viên chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch, nói rằng "Liên minh Châu Âu không có lựa chọn nào khác".

Các quan chức cho biết khối này sẽ đạt được mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải của năm 1990 vào năm 2030.

Năng lượng xanh

EU tiết lộ kế hoạch tăng cường năng lượng mặt trời và gió đồng thời tiêu thụ năng lượng một cách hiệu quả hơn. Nhưng các quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận rằng sẽ mất thời gian để năng lượng xanh thay thế dòng chảy nhiên liệu hóa thạch từ Nga.

"Năng lượng than có thể sẽ tiếp tục được sử dụng lâu hơn dự kiến ban đầu, cùng với đó là vai trò của năng lượng hạt nhân và nguồn khí đốt trong nước", EC cho biết trong kế hoạch RepowerEU, công bố hôm 18/5.

EU sẽ dành thêm 210 tỷ EUR để tài trợ cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, xây dựng các cơ sở khí hóa lỏng (LNG) và dầu mỏ, làm cơ sở cho việc chuyển đổi các nguồn cung cấp thay thế không phải từ Nga.

RepowerEU cam kết 27 quốc gia của khối sẽ đưa năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng năng lượng vào năm 2030, cao hơn so với mục tiêu 40% được đưa ra vào năm 2021.

EU phụ thuộc lớn vào dầu và khí đốt.

Kế hoạch này cũng đề xuất cắt giảm các thủ tục quan liêu trong quá trình lập kế hoạch cho các dự án năng lượng mặt trời và gió. 

Các chính phủ sẽ phải nới lỏng quy định để cho phép xây dựng các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời nhanh hơn. “Nếu EU không rút ngắn quy trình thì sẽ không bao giờ đạt được mức năng lượng tái tạo cần thiết”, ông Timmermans nói.

Cùng ngày, các nhà lãnh đạo của Đức, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan đã gặp nhau tại Đan Mạch để cam kết tăng gấp 10 lần công suất năng lượng gió ngoài khơi lên mức 150 gigawatt vào năm 2050.

EU đã nâng mục tiêu năm 2030 về giảm tiêu thụ năng lượng lên mức cắt giảm 13%, so với 9% trước đây. Các biện pháp khuyến khích bao gồm sử dụng hệ thống sưởi hiệu quả hơn, cách nhiệt tòa nhà và tăng cường sử dụng các máy bơm nhiệt.

Đa dạng hóa nguồn cung

Trọng tâm chính của kế hoạch là “đa dạng hóa nguồn cung”. Khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của EU đến từ Nga, mặc dù tỷ lệ này là gần 100% ở một số nước nằm sát Nga. Khoảng 30% dầu nhập khẩu của khối này có nguồn gốc từ Nga và tới 1/2 lượng than cũng được nhập từ Moscow.

Mức độ phụ thuộc của các nước EU vào nguồn cung năng lượng của Nga.

Ông Bruce Robertson, nhà phân tích tài chính năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Tài chính cho biết: “EU sẽ dựa vào việc tăng nhập khẩu LNG trong ngắn hạn, nhưng sẽ nhanh chóng giảm xuống dưới mức trước xung đột sau khi tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo”.

“Các nhà đầu tư cần hiểu rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đã thúc đẩy EU tiến xa hơn tới một tương lai năng lượng sạch. Bất kỳ khoản đầu tư dài hạn nào vào khí đốt và LNG sẽ không mang lại lợi nhuận như mong muốn", ông Robertson cho biết.

Theo kế hoạch, vào năm 2030, EU sẽ cắt giảm hơn 80 tỷ EUR cho nhập khẩu khí đốt, 12 tỷ EUR cho nhập khẩu dầu và 1,7 tỷ EUR cho nhập khẩu than.

RepowerEU tập trung vào hydro xanh, được sản xuất từ ​​năng lượng tái tạo. Kế hoạch dự kiến ​​đến năm 2030, EU sẽ sản xuất 10 triệu tấn hydro xanh mỗi năm và nhập khẩu 10 triệu tấn.

Cơ quan công nghiệp Hydrogen Europe cho biết việc xây dựng đủ công suất máy điện phân để đáp ứng các mục tiêu này sẽ là “một thách thức to lớn” và sẽ yêu cầu Brussels đẩy mạnh công việc thiết lập các quy định và mở tài trợ nhằm “xác định một thị trường rõ ràng”.

Kế hoạch RepowerEU dự kiến ​​phát triển “các hành lang nhập khẩu hydro” và tái thiết mạng lưới điện năng của Châu Âu.

Bán tín chỉ carbon

Theo Financial Times, Ủy ban Châu Âu đã khiến các tổ chức bảo vệ mội trường tức giận giận khi đề xuất bán 20 tỷ EUR tín chỉ carbon thặng dư, cho phép thải ra 250 triệu tấn CO2.

EU đã có nỗ lực trong việc giảm khí thải carbon.

Bà Ester Asin, Giám đốc văn phòng chính sách Châu Âu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết: “Kế hoạch của EC nhằm đẩy nhanh sự chuyển dịch của EU sang các giải pháp năng lượng sạch như tiết kiệm năng lượng, gió và năng lượng mặt trời là rất đáng hoan nghênh”.

“Nhưng tài trợ quá trình này bằng cách bán giấy phép ô nhiễm là một sai lầm. Đồng thời, việc xây dựng thêm cơ sở hạ tầng khí đốt hoặc dựa vào việc tăng cường sử dụng sinh khối cũng không tốt. Động thái này sẽ chỉ kéo dài sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và gây nguy hiểm cho các mục tiêu khí hậu”, bà Asin nói.

Số tiền từ việc bán giấy phép phát thải sẽ được dùng để thuyết phục Hungary chấp nhận lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Sự phản đối của Budapest đã trì hoãn các lệnh trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga trong vài tuần.

Minh Quang