Ngoại trưởng Nga: Phương Tây có thói quen trộm cắp
Theo RT, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Châu Âu Josep Borrell đã gợi ý về khả năng tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và sử dụng chúng để tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, phát biểu này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Moscow.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố trong chuyến công du tới Algeria: “Không sai khi nói đây là một vụ trộm cắp mà [các nước Phương Tây] thậm chí còn không cố gắng che dấu”.
Tịch thu tài sản
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, gợi ý việc tịch thu tài sản đang bị đóng băng để giúp Ukraine.
Ông Borrell đề cập tiền lệ về việc Tổng thống Joe Biden đã dùng hàng tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan nhằm “mang lại lợi ích cho người dân Afghanistan”.
“Chúng ta có tiền trong túi, ai đó hãy giải thích cho tôi tại sao có thể sử dụng tiền của Ngân hàng trung ương Afghanistan còn của Nga thì không”, nhà ngoại giao hàng đầu của EU nói.
Ông cho rằng một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà cả thế giới phải trả lời là ai sẽ là người chi trả cho “số tiền khổng lồ” cần cho quá trình tái thiết Ukraine.
Tờ The Economist cho biết,Trung tâm Nghiên cứu Chính sách kinh tế (CEPR) đã sử dụng dữ liệu liên quan tới thiệt hại về bất động sản, nguồn vốn công và các phép tính tương tự trong quá khứ để ước tính tổng chi phí mà Ukraine cần để khôi phục đất nước sau cuộc chiến.
Con số mà CEPR đưa ra là khoảng 200 - 500 tỷ EUR (tương đương 220 - 540 tỷ USD). Giới hạn trên 500 tỷ EUR cao gấp ba lần quy mô GDP của Ukraine trước chiến sự, giới hạn dưới cao gấp 4 lần ngân sách viện trợ nước ngoài của Liên minh châu Âu (EU).
Hành vi "trộm cắp"
Ông Lavrov cho rằng những hành động này “dường như đã trở thành thói quen của Phương Tây”, đồng thời chỉ ra việc Mỹ đang nắm giữ tài sản đóng băng “thuộc sở hữu của Ngân hàng trung ương Afghanistan”.
Theo ông, Washington không hề có kế hoạch sử dụng số tiền này cho nhu cầu của những người dân Afghanistan “phải chịu hậu quả từ sự hiện diện suốt 20 năm của NATO” trên lãnh thổ của mình.
Ngoại trưởng Nga cũng đặt câu hỏi về vai trò của ông Borrell bằng tuyên bố “chúng ta có thể sớm thấy EU không còn chức vụ [Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh] do liên minh này không có chính sách ngoại giao cho riêng mình và chỉ hành động theo những gì Mỹ áp đặt”.
Ông Lavrov cũng tuyên bố rằng Moscow sẽ tiếp tục chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm “làm lu mờ những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc” và tạo ra một trật tự thế giới đơn cực.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Lavrov còn chỉ trích ông Borrell đã đi quá giới hạn. Ông Lavrov nói, ngoài việc đưa ra “ý tưởng tịch thu tài sản nước ngoài”, quan chức ngoại giao hàng đầu của EU tuyên bố khủng hoảng Ukraine “nên được giải quyết bằng biện pháp quân sự”.
Ngoại trưởng Nga nhắc đến tuyên bố của ông Borrell hồi tháng 4 rằng “cuộc chiến tại Ukraine sẽ được quyết định trên chiến trường”. "Ông Borrell nên nhớ rằng mình là nhà ngoại giao chứ không phải người lãnh đạo quân đội của EU”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
Trước đó, Moscow cũng đã chỉ trích đề xuất tịch thu tài sản của ông Borrell. Hôm 9/5, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko gọi đề xuất này là một hành động "hoàn toàn vô pháp" có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ quốc tế.