|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dầu thô của Nga rơi vào tầm ngắm của G7

07:51 | 09/05/2022
Chia sẻ
Cuối tuần qua, các nước G7 đã cam kết sẽ cấm hoặc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô của Nga, đánh dấu một bước tiến mới về các lệnh trừng phạt áp lên chính quyền Moscow.

Hôm 8/5, các nước thuộc nhóm G7 đã cam kết sẽ cấm hoàn toàn hoặc loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô của Nga. Động thái này thể hiện nỗ lực mới nhất của phương Tây nhằm gây áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin, sau khi Nga tấn công Ukraine và gây hậu quả tàn khốc tại nước láng giềng, Reuters nhận định.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng các nhà lãnh đạo G7 khác tham gia một cuộc gọi video với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận về cuộc chiến, hỗ trợ cho Ukraine và các biện pháp bổ sung chống lại Moscow, bao gồm về năng lượng.

“Chúng tôi cam kết sẽ dần dứt khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, bằng cách loại bỏ hoặc cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu. Chúng tôi đảm bảo sẽ thực hiện lời hứa này một cách kịp thời và có trật tự”, các nhà lãnh đạo G7 ra tuyên bố chung.

“G7 sẽ làm việc cùng nhau cũng như cùng đối tác để đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và bền vững trên toàn cầu, qua đó người tiêu dùng có thể mua nhiên liệu với giá phải chăng”, tuyên bố nhấn mạnh.

Cuối tuần qua, Tổng thống Biden đã nhóm họp cùng các nhà lãnh đạo G7 khác để bàn đối sách chống lại Nga. (Ảnh: Reuters).

Cũng cuối tuần qua, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với ngân hàng Gazprombank, ba đài truyền hình Nga, cấm người Mỹ cung cấp dịch vụ kế toán và tư vấn cho người Nga, đồng thời áp đặt khoảng 2.600 hạn chế visa đối với các quan chức Nga và Belarus.

Các cấm vận nhắm vào một số giám đốc của Gazprombank là biện pháp đầu tiên liên quan đến gã khổng lồ khí đốt Gazprom của Nga vì Mỹ và các đồng mình đều muốn tránh thực hiện các động thái có thể dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung cho châu Âu - khách hàng chính của Nga.

Các giám đốc của Gazprombank bị trừng phạt gồm Alexy Miller và Andrey Akimov, theo thông báo từ Bộ Tài chính Mỹ.

“Đây không phải là một lệnh cấm vận toàn diện. Chúng tôi không đóng băng tài sản hay cấm bất kỳ giao dịch nào với Gazprombank”, một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden lưu ý.

“Chúng tôi muốn cảnh báo rằng Gazprombank không phải là một nơi trú ẩn an toàn, và vì vậy chúng tôi sẽ trừng phạt một vài giám đốc cấp cao của ngân hàng này để phát đi tín hiệu răn đe”, vị quan chức tiếp tục.

Ngoài ra, Mỹ còn liệt kê thêm 8 giám đốc của Sberbank - tập đoàn nắm giữ một phần ba tài sản ngân hàng tại Nga, vào danh sách trừng phạt. Ngân hàng Công nghiệp Moscow và 10 công ty con cũng bị đưa vào danh sách.

Liên quan đến ba đài truyền hình Nga bị cấm vận, Nhà Trắng cho biết các đài này do nhà nước Nga trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát.

Cùng lúc, người Mỹ sẽ bị cấm cung cấp dịch vụ tư vấn kế toán, ủy thác, thành lập doanh nghiệp cũng như quản lý doanh nghiệp cho Nga, mặc dù việc cung cấp dịch vụ pháp lý vẫn được phép.

“Nhìn chung, các lệnh cấm hôm nay là sự tiếp nối của kế hoạch loại bỏ Nga khỏi hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu một cách có hệ thống mà phương Tây đã triển khai thời gian qua.

Thông điệp của chúng tôi là nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục lao đao nếu cuộc chiến của ông Putin chưa chấm dứt”, quan chức cấp cao của ông Biden cho hay.

Theo Reuters, cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7 và người đồng cấp Zelensky diễn ra ngay trước đại lễ mừng chiến thắng Phát xít Đức của Nga (ngày 9/5).

Trước đó, ông Putin đã gọi cuộc tấn công là “một chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm giải giáp Ukraine và xóa sổ chủ nghĩa dân tộc chống đối Nga tại nước láng giềng. Ngược lại, Ukraine và các đồng minh cho rằng Nga đã phát động một cuộc chiến vô cớ.

Đáp lại, Mỹ và châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc đối với Nga, chủ yếu nhắm vào các ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân với mục đích bóp nghẹt nền kinh tế Nga và hạn chế nguồn lực mà Moscow dùng để tài trợ cho cuộc chiến.

Khả Nhân