Nhu cầu ở Trung Quốc đi xuống, vừa hay giúp thị trường tránh được rủi ro từ lệnh cấm vận dầu thô của Nga
Bài toán đặt ra từ Nga
Chia sẻ với hãng tin Mediaset của Italy hồi cuối tuần trước, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga sẽ không cố gắng kết thúc chiến dịch quân sự tại Ukraine trước lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít (9/5). Động thái này chứng tỏ xung đột có thể sẽ còn kéo dài.
Tuyên bố của ông Lavrov đã đặt thêm một ngòi nổ khác vào thị trường dầu mỏ vốn đang nóng rực: Nếu Moscow chưa chịu lùi bước, một ngày nào đó, phương Tây sẽ phải thực sự cấm vận dầu thô của Nga.
Chiến sự Nga - Ukraine đang khiến thị trường lo lắng về nguy cơ đứt gãy nguồn cung cũng như khả năng giá dầu thô tiếp tục tăng cao. Mỹ đã cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga; Anh cũng đã ra thông báo tương tự. Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang lưỡng lự vì phụ thuộc quá nặng nề vào năng lượng của Nga.
Theo thống kê của Goldman Sachs, vào năm ngoái, Nga cung ứng khoảng 11% lượng dầu thô cùng 17% lượng khí đốt tiêu thụ trên toàn cầu. Khoảng 40% lượng khí đốt của khu vực Tây Âu đến từ Nga.
Dữ liệu chính thức cùng thông tin từ các thương nhân cho thấy, khoảng 8 tuần sau cuộc chiến, Moscow cuối cùng cũng đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của chính phủ phương Tây cũng như bởi thái độ tẩy chay của các doanh nghiệp. Trung bình, sản lượng dầu của Nga đã giảm 10% so với mức trước chiến sự, Bloomberg lưu ý.
Khả năng cao là thiệt hại của Nga sẽ tăng thêm khi các nhà máy lọc dầu và thương nhân không tái ký các hợp đồng cung ứng sẽ hết hạn trong những tuần tới. Gần đây, Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, cũng có động thái ủng hộ cấm vận dầu thô của Nga.
Liên quan đến sản lượng dầu thô của xứ sở Bạch Dương trong những tháng tới, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhìn thấy tác động lớn hơn của cuộc chiến. IEA cảnh báo sản lượng của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày trong quý III năm nay.
Ông Maciej Kolaczkowski - thành viên cấp cao tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bình luận: “Rõ ràng, chiến sự đang tiếp tục đè nặng lên thị trường. Một số nhà phân tích nói rủi ro gián đoạn nguồn cung từ Nga vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn và chúng ta có thể chứng kiến giá dầu trong xu hướng đi lên”.
Nếu trong gói trừng phạt thứ 6, EU quyết định ngay lập tức ngừng mua dầu của Nga, giá dầu Brent có thể tăng 65% lên tới 185 USD/thùng, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa Natasha Kaneva của JPMorgan dự báo. Một lệnh cấm hoàn toàn và tức khắc sẽ cắt đứt hơn 4 triệu thùng dầu của Nga ra khỏi thị trường mỗi ngày.
Ở diễn biến khác, trong báo cáo mới nhất của mình, OPEC+ cho biết một số nhà sản xuất thuộc liên minh vẫn không thể cung ứng nhiên liệu theo hạn ngạch được cấp. Reuters dẫn nguồn tin thân cận nói OPEC+ đã hụt mục tiêu hơn 1 triệu thùng/ngày.
Dấu hiệu này cho thấy thị trường năng lượng đang đứng trước hai rủi ro gián đoạn nguồn cung rất nghiêm trọng: thứ nhất là mất hàng triệu thùng dầu từ Nga mỗi ngày và thứ hai là thiếu cung từ liên minh OPEC+.
Lẽ dĩ nhiên, giá “vàng đen” vẫn còn dư địa tăng trong thời gian tới. Đối với người tiêu dùng và các ngân hàng trung ương đang cuống cuồng khống chế lạm phát, việc sản lượng của Nga sụt giảm có thể là một cú sốc khác, khiến bài toán càng trở nên nan giải.
Bỗng được Trung Quốc hóa giải
45 thành phố đóng góp hơn 40% sản lượng kinh tế của Trung Quốc đang phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Tại Bắc Kinh, chính quyền địa phương đã mở rộng xét nghiệm sang 12 quận, số ca nhiễm gia tăng làm dấy lên lo ngại rằng thủ đô của đất nước tỷ dân cuối cùng cũng sẽ phong tỏa như Thượng Hải.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vì vậy khi nước này “hắt hơi”, cả thế giới sẽ bị “cảm lạnh”. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, trong tháng 3 vừa qua, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đạt trung bình khoảng 13,3 triệu thùng/ngày.
Do đó, nguy cơ nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụp đổ như một hệ lụy của các đợt phong tỏa trên toàn quốc đang là mối quan tâm hàng đầu trên thị trường hiện nay.
Ông Bob Yawger, Giám đốc cấp cao tại Mizuho Securities, cho biết nhu cầu của đất nước tỷ dân đã giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày kể từ khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa và việc đóng cửa Bắc Kinh có thể gây hậu quả nặng nề hơn.
Trong báo cáo mới, S&P Global nhận định: “Chúng tôi đã điều chỉnh giảm nhu cầu dầu của Trung Quốc xuống mức gần như không tăng trưởng trong năm nay, do cầu giảm mạnh trong quý II.
Đến giờ, chúng tôi vẫn chưa rõ liệu lượng nhu cầu mất đi trong quý II có thể được bù đắp bằng một sự phục hồi nào đó trong nửa cuối năm hay không. Sự khó lường này có thể khiến chúng tôi tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, bất ngờ là giữa lo ngại của giới chuyên gia về nhu cầu của Trung Quốc, một rủi ro khác của thị trường được giải quyết, nhờ đó giá dầu cũng được kiểm soát phần nào. So với mức đỉnh nhiều năm gần 140 USD/thùng vào ngày 7/3, giá dầu Brent đã lùi về còn khoảng 107 USD/thùng.
IEA dự báo, thị trường dầu mỏ sẽ tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn cung “nghiêm trọng” trong năm nay nhờ động thái xả kho dự trữ của phương Tây và nhu cầu chững lại từ Trung Quốc giúp bù đắp tác động của việc Nga giảm sản lượng.
Do đó, cơ quan có trụ sở tại Paris này đã hạ dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu khoảng 260.000 thùng/ngày và hiện kỳ vọng thế giới sẽ cần trung bình 99,4 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay.
Như vậy, nguy cơ giá dầu tiếp tục leo thang đã được cản lại bằng các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc. Dù đây có thể là tin không vui cho các nhà sản xuất dầu thô, nó vẫn là điều mà các ngân hàng trung ương và chính phủ những nước đang đương đầu với bài toán lạm phát mong mỏi.