|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ giải phóng kho dự trữ dầu mỏ chỉ như muối bỏ bể, khó lòng hạ nhiệt giá dầu thô?

08:35 | 21/04/2022
Chia sẻ
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ, mức tiêu thụ dầu trung bình hàng ngày trên thế giới và Mỹ dự kiến ​​lần lượt là 101,4 triệu và 20,66 triệu thùng vào năm 2022. Điều này có nghĩa là 180 triệu thùng dầu mà Mỹ dự kiến “xả” chỉ có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu chưa đầy 2 ngày và với Mỹ là khoảng 9 ngày.

Bộ Nội vụ Mỹ hôm 15/4 cho biết đang bán các hợp đồng cho thuê khoan dầu và khí đốt tự nhiên. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa gây sức ép buộc Tổng thống Biden nâng công suất khai thác dầu thô của Mỹ và kiềm chế giá xăng cao - tác nhân gây nên lạm phát kỷ lục, theo China Daily.

Trước đó, ngày 31/3, Tổng thống Mỹ Biden đã thông báo sẽ giải phóng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ chiến lược trong 6 tháng bắt đầu từ tháng 5 để ổn định giá dầu toàn cầu đang tăng do xung đột Nga-Ukraine.

Việc chính quyền ông Biden giải phóng 180 triệu thùng dầu trong 6 tháng, mức lớn nhất trong lịch sử, cho thấy quyết tâm kiềm chế giá dầu tăng cao và giảm lạm phát trong nước.

Trong ngắn hạn, thông báo của chính quyền Biden đã củng cố niềm tin của thị trường và giảm bớt một số lo ngại về nguồn cung dầu. Điều này phần nào đó giúp hạ nhiệt giá dầu thô xuống dưới 100 USD/ thùng nhưng chỉ trong thời gian ngắn.

Tiếp bước Mỹ, ngày 7/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết họ sẽ giải phóng 60 triệu thùng từ trữ lượng dầu của mình, và tổng số cam kết lên tới 120 triệu thùng.

Tuy nhiên, những động thái này chỉ có thể giúp đáp ứng nhu cầu dầu khẩn cấp chứ không giải quyết được vấn đề cung cầu dầu toàn cầu, vì cho đến khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc, giá dầu vẫn chưa thể ổn định. 

Nếu nguồn cung dầu của Nga bị cắt hoàn toàn do xung đột Nga-Ukraine, việc các quốc gia và tổ chức giải phóng dầu từ nguồn dự trữ của họ sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu toàn cầu và giá dầu sẽ tiếp tục tăng.

Trong trung hạn, giá dầu toàn cầu chỉ có thể được ổn định nếu năng lực sản xuất dầu toàn cầu được nâng lên mức có thể bù đắp cho khoảng trống tạo ra do không có dầu của Nga. 

Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ, mức tiêu thụ dầu trung bình hàng ngày trên thế giới và Mỹ dự kiến ​​lần lượt là 101,4 triệu và 20,66 triệu thùng vào năm 2022. 

Điều này có nghĩa là 180 triệu thùng dầu mà Mỹ dự kiến “xả” chỉ có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu chưa đầy 2 ngày và với Mỹ là khoảng 9 ngày.

Vì Nga đã khai thác 534 triệu tấn dầu vào năm 2021, chiếm 12% tổng sản lượng dầu toàn cầu, nên không thể dễ dàng thay thế bằng các nguồn khác. Và việc tăng nhanh năng lực sản xuất toàn cầu để thay thế sản xuất của Nga là khá khó khăn, đơn giản vì các nước sản xuất dầu lớn không thể tăng mạnh công suất khai thác của họ.

Có lẽ các nước khai thác dầu lớn trên thế giới sẽ điều phối kế hoạch mở rộng sản xuất. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) kỳ vọng giá dầu vẫn ở mức cao để họ tăng cường sức mạnh tài chính và gia tăng ảnh hưởng của mình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. 

Đó là lý do tại sao họ chỉ tăng dần năng lực sản xuất mà không đẩy mạnh luôn. Ví dụ, ngày 31/3, OPEC+ đã quyết định nâng sản lượng dầu lên 432.000 thùng / ngày trong tháng 5, điều này sẽ có tác động không đáng kể đến nguồn cung dầu toàn cầu.

Trong ngắn hạn, ngành dầu khí khó có thể tăng mạnh năng lực sản xuất. Đầu tư vào ngành công nghiệp dầu mỏ đã giảm đáng kể do ngành này bị ảnh hưởng bởi xu thế chuyển dịch nền kinh tế carbon thấp đang diễn ra trên toàn cầu. Vì vậy, sẽ cần thời gian để các nước sản xuất dầu lớn tăng sản lượng khai thác.

Khi các quốc gia trên thế giới đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế carbon thấp và giảm đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, thị trường sẽ tập trung vào đầu tư xanh, điều này có thể làm giảm đầu tư vào ngành dầu mỏ. 

Đồng nghĩa với việc các quốc gia và tổ chức đang giải phóng dầu khỏi nguồn dự trữ chiến lược để ngành công nghiệp dầu mỏ có thêm thời gian tăng sản lượng dầu và các nguồn năng lượng khác có thể được phát triển hơn nữa. Liên minh châu Âu có thể có thêm thời gian để tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho dầu của Nga .

Như vậy, thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng cung cấp dầu không đủ trong thời điểm hiện tại.

Giá dầu chủ yếu phụ thuộc vào cung và cầu. Và chỉ khi những lo ngại của thị trường về xung đột Nga-Ukraine được xoa dịu thì cung và cầu dầu toàn cầu mới có thể trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến yếu tố Iran cung cấp dầu toàn cầu. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine leo thang, Iran có thể yêu cầu phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt dầu mỏ để nước này có thể quay trở lại thị trường dầu thô nhằm đáp ứng một số nhu cầu toàn cầu.

Trên thực tế, trong dự thảo ngân sách mới nhất của mình, Iran đã nâng dự báo nguồn thu xuất khẩu dầu từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2023 lên 27%, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Iran. Nếu Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận về vấn đề này, dầu thô của Iran sẽ chính thức tái gia nhập thị trường toàn cầu, và giảm bớt lo ngại về nguồn cung dầu.

H.Mĩ

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.