|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dầu thô biến động khôn lường, khiến ba cơ quan dự báo lớn bất đồng ý kiến

15:36 | 16/04/2022
Chia sẻ
Các nhà dự báo đang khá chia rẽ về tác động mà chiến sự Nga - Ukraine có thể tạo ra trên thị trường dầu mỏ. Tất cả đều nhận thấy nhu cầu sẽ chững lại so với trước khi xung đột nổ ra, nhưng triển vọng nguồn cung lại có sự chênh lệch đáng kể.

(Ảnh minh họa: Shutterstock).

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và OPEC đều đã công bố dự báo mới cho thị trường dầu mỏ đến cuối năm 2022. Cả ba đều cắt giảm ước tính nhu cầu do làn sóng COVID mới khiến nhiều vùng của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, bị phong tỏa trở lại.

Ngoài ra, nhu cầu dự kiến chững lại còn liên quan đến việc giá bán lẻ xăng dầu tăng quá cao, do nguy cơ gián đoạn nguồn cung bắt nguồn từ việc các khách hàng và doanh nghiệp vận tải né tránh dầu thô của Nga, Bloomberg lý giải.

EIA thực hiện điều chỉnh mạnh tay nhất khi hạ dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2022 hơn 800.000 thùng/ngày. Liên minh OPEC cắt giảm dự báo khoảng 400.000 thùng/ngày, trong khi IEA điều chỉnh giảm 260.000 thùng/ngày.

Ở góc độ khác, đợt giảm lần này của EIA và OPEC thực chất chỉ giúp hai cơ quan này bắt kịp với tốc độ điều chỉnh dự báo mà IEA thực hiện hồi tháng trước, dù mức chênh lệch vẫn còn tương đối.

 

Tính chung hai tháng kể từ tháng 2, IEA đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thô thế giới đến 1,2 triệu thùng/ngày, qua đó đưa mức tiêu thụ “vàng đen” xuống dưới 100 triệu thùng/ngày.

Theo Bloomberg, EIA không đưa ra điều chỉnh nào vào tháng trước, vì dữ liệu kinh tế mà họ dùng để đánh giá triển vọng nhu cầu đã được chốt trước khi Nga động binh với nước láng giềng Ukraine.

Ngược lại, các nhà phân tích của OPEC không thấy tác động quá lớn từ chiến sự hay đại dịch đối với nhu cầu dầu thô nói chung. Trong hai tháng trước, OPEC chỉ hạ dự báo năm 2022 khoảng 300.000 thùng/ngày.

IEA cho hay, làn sóng COVID đang quét qua Trung Quốc có thể làm nhu cầu năng lượng của đất nước tỷ dân giảm tới 600.000 thùng/ngày; trong khi EIA đưa ra con số khoảng 300.000 thùng/ngày, bằng một nửa ước tính của IEA.

Cả ba cơ quan lại đồng thuận hơn về tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nhu cầu dầu thô trong nước của Nga, đặc biệt là khi xem xét các dự báo trong hai tháng trước đó.

Tuy nhiên, OPEC lại một lần nữa thận trọng hơn, khi chỉ hạ triển vọng nhu cầu của Nga 150.000 thùng/ngày (tương đương mức giảm 4%), trong khi IEA và EIA đều tin rằng nhu cầu của xứ sở Bạch Dương sẽ mất khoảng 10% (tương đương 400.000 thùng/ngày).

 

Liên quan đến sản lượng dầu thô của Nga trong những tháng tới, bất đồng giữa ba cơ quan càng lớn hơn. OPEC đã hạ đáng kể dự báo từ tháng 3, nhưng sản lượng dầu của Nga về cơ bản vẫn ổn định ở mức hơn 11 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm. Dù vậy, con số này đã giảm 530.000 thùng/ngày so với dự báo trước.

Ngược lại, EIA và IEA cùng nhìn thấy tác động lớn hơn của cuộc chiến đến sản lượng của Nga, mặc dù phương Tây chưa ban hành các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với các giao dịch thu mua dầu thô hay sản phẩm dầu mỏ của Nga.

IEA nhận thấy sản lượng của đại gia dầu mỏ có thể giảm 3 triệu thùng/ngày trong quý III năm nay. Khách hàng ở châu Á đã nhanh chân thu gom dầu thô giảm giá của Nga, nhờ đó xuất khẩu của nước này vẫn đang tăng trưởng tốt.

 

Bất chấp những khác biệt, IEA và OPEC đều nhận thấy thế giới sẽ cần khoảng 30 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ 13 nước thành viên OPEC, mặc dù nhu cầu thực tế có thể giảm bởi các đợt xả kho dự trữ của Mỹ và đồng minh.

EIA bi quan hơn khi dự đoán nhu cầu đối với nguồn cung dầu thô của 13 nước OPEC sẽ chỉ tăng chậm từ 28,2 triệu thùng/ngày trong quý I lên 28,7 triệu thùng/ngày trong ba tháng cuối năm.

Với sản lượng ước tính của OPEC là 28,56 triệu thùng/ngày vào tháng 3, EIA cho rằng việc chính phủ các nước giải phóng 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong 6 tháng tới có thể là không cần thiết, nếu mục đích là giúp thị trường cân bằng hơn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của IEA và OPEC, kế hoạch xả kho 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ chính phủ các nước phương Tây sẽ giúp giải tỏa bớt áp lực tăng cung của OPEC. Điều đó càng đáng hoan nghênh khi liên minh dầu mỏ chỉ bơm thêm được 57.000 thùng/ngày trong tháng 3 - chỉ tương đương 20% sản lượng mà họ cam kết trong tháng 2.

Khả Nhân

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.