|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dầu Nga ồ ạt chảy sang Châu Á, tranh giành thị trường với Iran

10:21 | 20/05/2022
Chia sẻ
Dầu thô của Nga, với chất lượng tốt và giá cả được chiết khấu cao, đang cạnh tranh mạnh mẽ với Iran tại thị trường Châu Á.

Theo Reuters, dầu thô xuất khẩu của Iran sang Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra do Bắc Kinh ưu tiên những thùng dầu Nga được chiết khấu cao. Hiện tại, có tới 40 triệu thùng dầu thô của Iran nằm giữa biển và chờ đợi người mua.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu đã khiến dầu của Moscow phải đông tiến. Trung Quốc nhanh chóng đón lấy cơ hội này, đồng thời cắt giảm nhập khẩu từ Iran và Venezuela, hai quốc gia cũng đang chịu trừng phạt.

Các bồn chứa dầu và khí đốt tại một kho dầu thuộc cảng ở Chu Hải, Trung Quốc (Ảnh: Aly Song/Reuters).

Theo dữ liệu, tính đến trung tuần tháng 5, khoảng 20 tàu chở dầu từ Iran đang thả neo gần Singapore. Một số đã phải chờ đợi tại đây từ tháng 2, nhưng con số tàu chở dầu Iran buộc phải neo đậu tăng mạnh vào tháng 4 khi nguồn cung dầu của Nga chảy nhiều hơn sang Châu Á.

Công ty dữ liệu và phân tích Kpler cho biết từ đầu tháng 4 tới giữa tháng 5, lượng dầu của Iran đang chờ ngoài khơi gần Singapore tăng từ 22 triệu thùng lên tới 37 triệu thùng.

Việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga và Liên minh Châu Âu đang xem xét một lệnh cấm tương tự đang đẩy các tàu chở dầu của Moscow hướng sang Châu Á.

“Nga có thể chuyển một nửa lượng xuất khẩu tới khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc. Động thái của Nga là mối nguy tiềm tàng tới hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran”, ông Hamid Hosseini, thành viên hội đồng quản trị của Liên minh các nhà xuất khẩu dầu, khí và sản phẩm hóa dầu của Iran cho biết.

Nền công nghiệp dầu mỏ của Iran đã gặp phải khó khăn trong nhiều năm do những lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran. Iran dựa vào việc bán dầu cho Trung Quốc để cứu lấy nền kinh tế.

Vào tháng 3, uớc tính xuất khẩu dầu từ Iran tới Trung Quốc đạt khoảng 700.000 tới 900.000 thùng/ ngày (bpd). Tuy nhiên, đến tháng 4, con số này sụt giảm khoảng 200.000 tới 250.000 bpd, theo ông Iman Nasseri, giám đốc khu vực Trung Đông của công ty tư vấn FGE.

Kpler cho biết Iran đã xuất khẩu trung bình 930.000 bpd, chủ yếu sang Trung Quốc trong quý đầu tiên. Trong khi đó, uớc tính sơ bộ cho tháng 4 là 755.000 bpd. Tuy nhiên, Kpler nói rằng ước tính có thể được điều chỉnh do khó theo dõi doanh số bán hàng của Iran.

Dầu Nga tốt hơn

Ông Homayoun Falakshahi, nhà phân tích cấp cao của Kpler, cho biết: "Trung Quốc hiện đang mua nhiều dầu Ural của Nga hơn. Xuất khẩu của Ural sang Trung Quốc đã tăng gấp hơn ba lần bất chấp việc nhập khẩu của Trung Quốc đang suy yếu". Trung Quốc cũng là khách hàng lớn nhất của dầu thô hỗn hợp ESPO từ Nga.

Xuất khẩu dầu thô của Nga sang các nước Châu Á tăng mạnh.

Iran và Nga đã liên lạc chặt chẽ trong những tuần gần đây để thảo luận về cách thức mua bán dầu theo các lệnh trừng phạt, ba nguồn tin nói với Reuters

Một nguồn tin cho biết phía Nga muốn tìm hiểu cách Iran điều hướng vận tải, thương mại và ngân hàng, trong khi hai bên cũng thảo luận về việc thành lập các công ty, ngân hàng và quỹ chung.

Một nguồn tin khác cho biết nhiều cuộc đàm phán đã được lên kế hoạch khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thăm Iran vào tuần tới.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã không làm giảm bớt sự cạnh tranh để tìm người mua giữa dầu Ural của Nga và dầu thô của Iran. Về mặt chất lượng, dầu Iran thường nặng hơn và có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, khiến quá trình tinh chế trở nên đắt đỏ hơn so với mặt hàng của Nga.

"Không ai còn quan tâm tới dầu thô của Iran nữa vì hàng hóa của Nga có chất lượng tốt và giá thấp hơn nhiều. Những người bán dầu ở Iran đang phải chịu áp lực rất lớn", thương nhân tại một công ty lọc dầu Trung Quốc cho biết.

Người thương nhân này cho biết dầu Ural bán cho Trung Quốc đang được chiết khấu 9 USD/thùng khi so với dầu Brent giao tháng 6. Vì vậy dầu của Iran phải được giảm giá từ 12 đến 15 USD để cạnh tranh.

 

Một thương nhân Châu Âu cho biết: “Bạn có thể mua dầu Nga một cách hợp pháp với giá chiết khấu, còn dầu Iran thì vẫn tiếp tục là đối tượng của các lệnh trừng phạt”.

Dầu và các sản phẩm tinh chế của Nga cũng đang len lỏi vào các thị trường khác, đặc biệt là Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Lượng dầu nhiên liệu của Nga đến trung tâm lưu trữ Fujairah của UAE dự kiến sẽ tăng lên khoảng 2,5 triệu thùng trong tháng 5, cao hơn khoảng 125% so với mức của tháng 4. 

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đã tăng cường mua dầu thô của Nga. Theo Kpler, tính đến đầu tháng 6, Ấn Độ sẽ nhập khẩu hơn 30 triệu thùng dầu từ Nga trong ba tháng, cao hơn gấp đôi so với lượng nhập khẩu trong cả năm 2021.

Minh Quang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.