Chiến sự đang định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu
Theo nhận định của Reuters, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang định hình lại thị trường dầu mỏ toàn cầu. Trong khi Nga đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang châu Á thì các nhà khai thác tại châu Phi đã thế vào chỗ trống mà xứ sở Bạch Dương để lại ở châu Âu.
Kể từ sau khi cuộc cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ làm thay đổi hiện trạng của thị trường năng lượng khoảng một thập kỷ trước, đây có thể được xem là cú sốc lớn nhất liên quan đến đầu cung của thị trường.
Đồng thời, sự dịch chuyển dòng chảy năng lượng còn cho thấy Moscow có thể sẽ “bình an vô sự” nếu Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu thô của Nga, miễn là châu Á và Trung Quốc tiếp tục mua hàng của nước này.
Nga đã tìm được khách hàng mới
Phương Tây bắt đầu áp đặt cấm vận đối với Nga từ cuối tháng 2, không lâu sau khi cuộc xung đột quân sự tại Ukraine nổ ra. Mỹ là một trong các nước cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khác của Nga.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây buộc Nga phải từ bỏ thị trường châu Âu để tìm đến các khách hàng ở Ấn Độ và Trung Quốc, những nước sẵn sàng mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong tháng 4, xuất khẩu dầu thô của xứ sở Bạch Dương đã trở lại mức trước xung đột và giá dầu ổn định quanh mức 110 USD/thùng sau khi leo lên hơn 139 USD/thùng vào tháng 3 (xác lập mức đỉnh 14 năm).
Ngay cả khi EU thống nhất ban hành lệnh cấm vận dầu thô của Nga trong vòng trừng phạt tiếp theo, các nhà phân tích tin rằng tác động đến Nga có thể giảm đáng kể bởi nhu cầu từ châu Á.
Chia sẻ với Reuters, chiến lược gia Norbert Rücker tại ngân hàng tư nhân Julius Baer cho hay: “Trừ khi phương Tây gây áp lực ngoại giao lên những khách hàng châu Á của Nga, còn không thì lỗ hổng nguồn cung sẽ bị thu hẹp và giá dầu sẽ bật tăng mạnh”.
Theo các lệnh trừng phạt, tàu thuyền thuộc sở hữu hoặc mang cờ Nga đều không được cập cảng quanh châu Âu. Điều đó cho thấy Nga xuất khẩu dầu thô sang châu Á bằng cách chuyển hàng giữa các tàu trên biển - một quá trình tốn kém và có nguy cơ gây tràn dầu.
Dữ liệu từ nền tảng Petro-Logistics cho thấy, lượng dầu thô mà Nga xuất khẩu sang châu Á bằng đường biển đã tăng ít nhất 50% kể từ đầu năm đến nay. Nga đã điều chỉnh hoạt động chuyển hàng giữa các tàu khỏi bờ biển Đan Mạch, tới khu vực biển Địa Trung Hải.
Chủ tịch Mark Gerber của Petro-Logistics ước tính khối lượng dầu thô và các sản phẩm khác mà Nga trung chuyển giữa các tàu ở Địa Trung Hải là khoảng 400.000 thùng/ngày, trong đó phần lớn đến châu Á. Tháng 1 năm nay, Nga vận chuyển trực tiếp khoảng 1,5 triệu thùng dầu tới châu Á mỗi ngày.
Reuters dẫn lời các nhà giao dịch cho biết, dầu thô của Nga sẽ được chất lên các tàu Aframax hoặc Suezmax có sức chở dưới 1 triệu thùng và sau đó được chuyển sang các tàu lớn hơn có thể chở 2 triệu thùng. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí hơn.
Lượng dầu vận chuyển bằng đường biển chỉ là một phần trong tổng khối lượng xuất khẩu của Nga. Tính cả lượng cung bằng đường ống, Nga đã xuất được hơn 8 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4, trở lại mức trước cuộc xung đột.
Châu Phi nhảy vào châu Âu
Để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga, các nhà máy lọc dầu tại châu Âu đã chuyển sang nhập khẩu dầu thô Tây Phi. Theo Petro-Logistics, nhập khẩu dầu từ Tây Phi đã tăng 17% trong tháng 4 so với mức trung bình giai đoạn 2018 - 2021.
Dữ liệu của nền tảng Eikon cũng cho thấy sự gia tăng. Eikon ước tính trong tháng 5, khoảng 660.000 thùng dầu/ngày, chủ yếu từ Nigeria, Angola và Cameroon, sẽ đến khu vực Tây Bắc châu Âu.
Cùng lúc, lượng dầu thô mà Tây Phi xuất khẩu sang Ấn Độ đã giảm gần một nửa, theo Chủ tịch Gerber của Petro-Logistics. Từ mức 510.000 thùng/ngày vào tháng 3, khối lượng dầu thô từ Tây Phi tới Ấn Độ đã tụt xuống còn 280.000 thùng/ngày trong tháng 4.
Theo các nhà giao dịch, trong bối cảnh nhu cầu của châu Âu tăng nóng, giá dầu thô ngọt nhẹ của Nigeria nói riêng đã đạt mức cao kỷ lục mới.
Ngoài ra, nguồn cung từ Bắc Phi và Mỹ sang châu Âu cũng đang đi lên, lần lượt tăng 30% và 15% so với thời điểm tháng 3, dữ liệu từ Petro-Logistics và Kpler chỉ ra.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/