Nếu kinh tế Trung Quốc trở lại bình thường, thị trường dầu mỏ sẽ gặp 'rắc rối lớn'
"Một mùa hè rất khắc nghiệt"
Chia sẻ với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 23/5, ông Fatih Birol - Giám đốc Điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nói về những thách thức mà thị trường dầu mỏ toàn cầu đang phải đối mặt.
Người đứng đầu IEA đã vẽ ra một bức tranh ảm đảm về tình hình hiện tại, khi mô tả giá dầu đang “rất cao”. Chưa kể, ông đặc biệt nhấn mạnh đến ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc trong vài tháng tới.
“Thị trường dầu mỏ đang gây ra nhiều rủi ro cho cuộc phục hồi kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước nhập khẩu dầu ở những khu vực mới nổi. Rủi ro rất nghiêm trọng và cùng với giá thực phẩm đang ở mức rất cao, tôi nghĩ chúng ta đang từng bước rơi vào suy thoái”, ông Birol cảnh báo.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng sau khi Nga tấn công Ukraine và các thương nhân không ngừng lo ngại về vấn đề nguồn cung, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đang dao động quanh mức 113 USD/thùng.
Dự đoán về tương lai, ông Birol nói những tháng tới sẽ rất bất ổn và khó lường. “Tôi rất kỳ vọng sản lượng của Mỹ, Brazil và Canada, cũng như các nhà sản xuất chủ chốt ở Trung Đông sẽ tăng trong năm nay”, vị giám đốc cho hay.
“Nếu không, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện rằng thị trường sẽ không gặp rắc rối lớn trong mùa hè. Nói cách khác, chúng ta nên hy vọng nhu cầu của Trung Quốc vẫn ở mức yếu”, ông Birol nói với CNBC.
Nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã suy yếu đáng kể trong những tháng gần đây, khi nước này áp đặt các biện pháp dập dịch hà khắc như phong tỏa diện rộng và xét nghiệm quy mô lớn.
Hàng chục thành phố lớn từ Thâm Quyến đến Thượng Hải đã phải phong tỏa trong thời gian dài. Đến gần đây, chính quyền địa phương chỉ mới bắt đầu nới lỏng chính sách do thiệt hại kinh tế đang chồng chất hơn.
Ông Birol nhấn mạnh, nếu Trung Quốc quay trở lại mức tiêu thụ dầu thô như trước khi đợt dịch hiện tại bùng phát, thì “thế giới sẽ có một mùa hè rất khắc nghiệt”.
Trong cuộc phỏng vấn cùng CNBC, Giám đốc Điều hành IEA cũng được hỏi về những khoản lợi nhuận “khổng lồ” của các công ty sản xuất và thăm dò nhiên liệu hóa thạch.
Câu trả lời của ông thể hiện sự phức tạp và khó khăn của quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, cũng như những thách thức mà chính phủ và doanh nghiệp cần phải cân bằng trong những năm tới.
“Trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm ngành công nghiệp dầu khí đã tạo ra doanh thu khoảng 1.500 tỷ USD”, ông Birol cho hay. “Và năm nay, từ 1.500 tỷ sẽ lên 4.000 tỷ USD, tăng hơn hai lần…”
Vị chuyên gia nói thêm, không chỉ các doanh nghiệp mà nhiều quốc gia cũng kiếm được bộn tiền, đơn cử như Arab Saudi, Iraq, Iran, Nga, Angola và Nigeria.
“Song, tôi rất hy vọng [các doanh nghiệp dầu khí] sẽ rót một phần doanh thu vào các dạng năng lượng sạch và công nghệ mới, từ năng lượng mặt trời, năng lượng gió đến công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon, hydro”, ông Birol cho hay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/