|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lệnh cấm của EU đối với dầu mỏ Nga sẽ làm rung chuyển thị trường toàn cầu ra sao?

06:30 | 02/06/2022
Chia sẻ
Các nhà máy lọc dầu sẽ phải cạnh tranh gay gắt để đảm bảo nguồn cung thay thế cho Nga, đẩy giá dầu từ những khu vực khác đi lên.

Nhà máy lọc dầu Duna ở Hungary. Quốc gia này phụ thuộc vào dầu của Nga nhiều hơn hầu hết các thành viên EU khác. (Ảnh: Getty Images). 

Sáng ngày 31/5, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cấm nhập khẩu dầu của Nga qua đường biển. Để xoa dịu các quốc gia không giáp biển như Hungary, các chuyến hàng qua đường ống được cho phép tiếp tục. Cộng với việc Đức và Ba Lan sẵn lòng ngừng mua dầu qua đường ống, lượng dầu Nga xuất khẩu sang EU sẽ giảm tới 90% trong năm nay.  

Khoảng thời gian từ nay đến cuối năm sẽ giảm bớt sự gián đoạn mà lệnh cấm vận này gây ra. Tuy nhiên, ông Florian Thaler, CEO công ty phân tích dầu OilX cho biết tác động vẫn sẽ “rất lớn”. Nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu Nga của châu Âu sẽ làm rung chuyển ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và thị trường dầu thô toàn cầu.

Ông Thaler nói tiếp: “Cuộc cạnh tranh cho những thùng dầu còn lại trên thị trường thế giới sẽ rất khốc liệt. Giá dầu khó có khả năng hạ nhiệt”.

Thị trường dầu sẽ chịu tác động ra sao?

Giá dầu tại những khu vực khác sẽ đi lên trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu châu Âu gấp rút tìm nguồn cung thay thế Nga. Công ty phân tích vận tải biển Vortexa cho biết trong tháng 5, khoảng 500.000 thùng dầu thô Nga mỗi ngày vẫn cập bến tây bắc châu Âu.

Con số trên thấp hơn rõ rệt số lượng 1,4 triệu thùng dầu mỗi ngày cập cảng trước khi Nga tấn công Ukraine. Tuy nhiên, các chuyến hàng đến các nước Địa Trung Hải như Italy lại gia tăng kể từ ngày 26/2 - mặc dù một phần trong số đó được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước cuộc khủng hoảng, Nga sản xuất hơn 10% nguồn cung dầu của thế giới. Giờ đây nước này cần phải tìm kiếm người mua mới. Nếu không, thị trường dầu quốc tế có thể thiếu hụt nguồn cung trầm trọng, giới phân tích nhận định.

n Độ đã tăng cường mua dầu của Nga và dự kiến Trung Quốc cũng sẽ nhập khẩu nhiều hơn trong bối cảnh các thành phố lớn được gỡ phong tỏa. Nhưng câu hỏi lớn là liệu hai nước này có khả năng mua bao nhiêu dầu thô của Nga.

Hàng triệu thùng dầu Nga đang vẫn đang trôi nổi trên các con tàu với điểm đến “không xác định”. Điều này cho thấy các tàu chở dầu này có thể đang gặp khó trong việc tìm kiếm người mua.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày. Một số nhà phân tích dự kiến mức giảm nhỏ hơn, khoảng 1-1,5 triệu thùng/ngày. Nhưng ngay cả con số thấp hơn nữa cũng đủ để đẩy giá dầu lên cao hơn nhiều.

EU còn vấn đề gì cần giải quyết?

Một trong những rắc rối trước mắt là làm sao để giải quyết các nhà máy lọc dầu do Nga sở hữu ở châu Âu. Tổng cộng, chúng xử lý khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 10% công suất toàn khối. Nguồn tài trợ của phương Tây dành cho những nhà máy này đã cạn kiệt do lo sợ trừng phạt, khiến chúng phụ thuộc vào dầu thô tiếp nhận trực tiếp từ các công ty mẹ ở Nga. 

Nếu không thể tiếp cận dầu Nga qua đường biển, có nguy cơ những nhà máy này sẽ sớm ngừng hoạt động, qua đó khuếch đại cuộc khủng hoảng nhiên liệu ở EU. Trong khi đó, chỉ riêng cung dầu diesel cũng đang thiếu hụt, đẩy giá tại nhiều nước lên mức kỷ lục.  

Ông Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Bruegel dự đoán: “Các chính phủ sẽ phải can thiệp để giữ cho những nhà máy của Nga trên đất châu Âu tiếp tục vận hành, đảm bảo an ninh năng lượng và việc làm. Một cách giải quyết khả thi là quốc hữu hóa những nhà máy này”.

Nước nào hưởng lợi từ lệnh cấm?

Nhà máy lọc dầu tại các nước như Hungary - vốn có quyền tiếp cận với đường ống Druzhba - hay còn gọi là đường ống “hữu nghị” vận chuyển dầu thô từ Nga -  sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn.

Urals, sản phẩm dầu xuất khẩu chủ lực của Nga, được giao dịch với giá 95 USD/thùng vào ngày 31/5, rẻ hơn gần 30 USD so với dầu Brent. Như vậy, các nhà máy lọc dầu hiện vẫn có thể tiếp cận nguồn cung dầu của Nga thông qua đường ống Druzhba sẽ có biên lợi nhuận khổng lồ.

Theo tính toán của tờ Financial Times thì MOL, tập đoàn vận hành cơ sở lọc dầu duy nhất của Hungary, có thể kiếm được hơn 2 tỷ USD trong 12 tháng từ mức chiết khấu của dầu Urals tại nhà máy ở Danube.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Thỏa thuận mới vẫn còn một số chi tiết cần được bàn luận thêm trong những ngày tới. Điều khoản đảm bảo rằng mọi nước thành viên EU đều đồng thuận về thời điểm kết thúc miễn trừ đối với dầu Nga vận chuyển bằng đường ống là một trong những điểm gây chia rẽ nhất. Các nước sẽ theo dõi chặt chẽ Hungary vì thái độ đối nghịch của Thủ tướng Viktor Orban với lệnh cấm.

Những người ủng hộ cấm vận khí đốt của Nga – ví dụ như Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia – cũng thừa nhận rằng họ đang đối mặt với tình thế khó khăn do việc cắt nguồn cung khí đốt sẽ gây ra thiệt hại khổng lồ lên nền kinh tế EU.

Trò chuyện với các phóng viên hôm 31/5, bà Kallas nói: “Tôi nghĩ khí đốt phải được đưa vào gói trừng phạt thứ 7 của EU. Nhưng tôi cũng là người thực tế – tôi không nghĩ khả năng này sẽ thành hiện thực”.

Ủy ban châu Âu ước tính rằng việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga trong năm nay sẽ khiến tăng trưởng của EU giảm 2,5 điểm %, xuống còn 0,2%. Hôm 31/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết “phần lớn” các biện pháp trừng phạt năng lượng đã được đưa ra. Bà nói thêm rằng giờ đây ủy ban có thể cần phải tập trung nhiều hơn vào việc khép lại các lỗ hổng và giải quyết các vi phạm.

Giang